07/10/2014 08:42 GMT+7

​Sẽ chuyển Nông trường Sông Hậu thành công ty

H.T.DŨNG - T.ĐỨC thực hiện
H.T.DŨNG - T.ĐỨC thực hiện

TT - Không có chuyện giải thể như dư luận đồn đoán, mà sắp tới Nông trường Sông Hậu sẽ trở thành Công ty TNHH MTV Nông trường Sông Hậu.

 
Ông Đào Anh Dũng - Ảnh: Giang Phong

Đó là khẳng định của ông Đào Anh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ. Ông Dũng cho biết: Tồn tại lớn nhất của Nông trường Sông Hậu hiện nay là phương án tài chính.

Do đang nợ các ngân hàng khoảng 300 tỉ đồng không có khả năng chi trả nên nông trường chưa được trung ương cho ý kiến xử lý để chuyển đổi thành công ty TNHH MTV như đề án của TP Cần Thơ trình Chính phủ xin chủ trương sắp xếp doanh nghiệp.

* Nhưng nhiều chuyên gia đề xuất nên chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành công ty cổ phần nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn, thưa ông?

- Chúng tôi cũng nghĩ tới phương án đó rồi, nhưng việc chuyển đổi nông lâm trường thành công ty cổ phần nông nghiệp hiện chưa có chủ trương, chưa có nơi nào làm cả.

Việc chuyển đổi thành công ty TNHH MTV mà TP đề xuất là phương án tốt nhất được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, vấn đề còn lại đang vướng là các bộ, ngành và TP chưa thống nhất được phương án xử lý khoản nợ 300 tỉ đồng trước đây của nông trường.

* Thời gian qua, nhiều hộ nông trường viên đã sang nhượng, cầm cố đất đai, nhiều hộ vẫn còn nợ vật tư, nợ định mức khoán nông trường... Những tồn tại này sẽ được giải quyết như thế nào?

- UBND TP Cần Thơ đã nắm được thông tin này và thành lập tổ giải quyết điểm nóng. Hiện tổ này đang kiểm tra, xem xét và sẽ giải quyết rốt ráo các vấn đề tồn tại trên.

Các lò sấy lúa hoạt động cầm chừng - Ảnh: Tấn Đức
Các lò sấy lúa hoạt động cầm chừng - Ảnh: Tấn Đức

* Ông kỳ vọng gì ở Nông trường Sông Hậu sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH MTV?

- Nếu đề án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành công ty TNHH MTV được thông qua và triển khai vào thực tế, lợi thế là sẽ tạo được một vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng với quy mô lớn.

Công ty sẽ là cầu nối trong mối liên kết ba nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nông dân trong chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cao tiên tiến, ứng dụng công nghệ sinh học, cung cấp giống cây con chất lượng cao từ dự án chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Cần Thơ...

Đặc biệt, sau khi tái cơ cấu đầu tư với vốn trên 500 tỉ đồng/năm, công ty đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 20 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách 10-15 tỉ đồng/năm.

Nhiều cán bộ, đảng viên không thực hiện nghĩa vụ khoán

Theo ông Đặng Hồng Thảo - phó chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), có khoảng 70 trường hợp cán bộ, đảng viên không thực hiện nghĩa vụ khoán.

Nguyên nhân chủ yếu là do nông trường không thông báo cho bên nhận khoán biết các khoản phải nộp là bao nhiêu.

Ngay trong mẫu hợp đồng giao nhận khoán hiện đang sử dụng chung cũng có nhiều điểm không hợp lý.

Chẳng hạn như tại điểm e, khoản 1, điều 3 quy định nghĩa vụ và quyền của bên nhận khoán như sau: “Bên nhận khoán có nghĩa vụ giao nộp sản phẩm (bán sản phẩm) cho bên giao khoán, trong đó vụ đông xuân giao nộp 80% và vụ hè thu giao nộp 70% sản phẩm xuất ra trên đất nhận khoán” nhưng lại không nói gì tới giá bán...

“Địa phương đang tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên thực hiện nghĩa vụ của một nông trường viên, đồng thời kiến nghị với nông trường, các ban ngành liên quan TP Cần Thơ sửa đổi một số nội dung trong hợp đồng giao nhận khoán cho phù hợp hơn” - ông Thảo nói.

TẤN ĐỨC

H.T.DŨNG - T.ĐỨC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên