Về vụ “bỗng dưng nợ... tiền tỉ”:
Phóng to |
Số 39, ngõ 76 đường An Dương, phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) được TSS đăng ký là địa chỉ kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại địa điểm này chỉ là căn nhà bỏ hoang - Ảnh: Việt Dũng |
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, dù không giao dịch chứng khoán nhưng ông Đào Việt Hưng và bà Dương Thị Dung đang bị nợ Ngân hàng TMCP SCB mỗi người hơn 1 tỉ đồng dựa trên quyền thu tiền bán chứng khoán ở Công ty chứng khoán Trường Sơn (TSS).
Sẽ thu thập chứng cứ
Ông Sơn cho biết chỉ khi ông Hưng và bà Dung gửi đơn kiến nghị đến thì SSC mới biết được vụ việc và SSC đã có văn bản phản hồi ngay cho hai ông bà này. Nhưng từ khi nhận được văn bản của SSC, không thấy ông Hưng và bà Dung quay lại nên cũng không biết họ đã giải quyết được vụ việc chưa.
Để giải quyết vụ việc này, ông Sơn cho biết SSC cần thu thập thông tin từ nhiều phía, như đương sự là ông Hưng và bà Dung, TSS... Vài ngày tới SSC sẽ mời ông Hưng và bà Dung đến để trao đổi. Theo ông Sơn, hiện TSS không còn hoạt động nữa và tháng 4 sẽ bị tước giấy phép hoạt động, nhưng TSS vẫn phải chịu trách nhiệm với những gì họ đã gây ra nếu làm sai. Sau khi thu thập chứng cứ và lấy ý kiến các bên liên quan, nếu xét thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự thì SSC sẵn sàng phối hợp và gửi hồ sơ sang cơ quan công an.
Luật sư Trần Đình Triển, văn phòng luật sư Vì Dân, cho rằng việc Trung tâm thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) căn cứ thông báo của ngân hàng cũng như các định chế tài chính khác để đưa ra thông tin, cá nhân hay tổ chức bị nợ quá hạn là đúng. Tuy nhiên, khi SSC là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của thị trường chứng khoán đã có văn bản khẳng định hai giao dịch chứng khoán mang tên chủ tài khoản là ông Hưng và bà Dung không có trên hệ thống, có nghĩa giao dịch đấy là giả mạo. TSS đã làm hồ sơ giả để vay vốn chứ không phải ông Hưng và bà Dung vay vốn của SCB. Điều đó nghĩa là hai ông bà này đang bị oan.
Một chuyên gia về chứng khoán nhận định nếu thật sự TSS làm giả hồ sơ để vay vốn rồi gán nợ cho một người khác thì quá vô lý. Nhưng việc vay vốn chỉ có thể làm được khi có sự hậu thuẫn, hợp thức hóa của cá nhân có liên quan của TSS. Do đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ và cá nhân hay tổ chức nào có hành vi vi phạm, cố tình làm sai sẽ phải chịu chế tài, xử phạt.
Cần phải gỡ bỏ ngay khoản nợ
Nhận định về vụ việc mà ông Hưng và bà Dung chạy vạy gõ cửa các cơ quan chức năng mà vẫn chưa thể giải oan được cho mình, luật sư Triển cho rằng SSC vẫn chưa làm hết trách nhiệm. Vì ngoài việc trả lời đơn thư kiến nghị của ông Hưng và bà Dung thì SSC phải tìm hiểu, xác minh tính chất vụ việc. Tùy theo tính chất mức độ sai phạm, SSC áp dụng xử phạt hành chính về lĩnh vực đầu tư và kinh doanh chứng khoán theo thẩm quyền. “Nếu có dấu hiệu lừa đảo, gian dối, việc lợi dụng tín nhiệm vu khống người khác để trục lợi thì SSC phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an” - ông Triển nói.
Mặt khác, theo luật sư Triển, không chỉ SSC mà Trung tâm thông tin tín dụng và SCB cũng chưa làm trọn vẹn trách nhiệm của mình. Họ dường như cố tình làm ngơ trước khó khăn của người dân. Với thẩm quyền và thực thi đúng pháp luật, các đơn vị cần phải chủ động phối hợp với nhau chặt chẽ để làm rõ thông tin, xử lý và điều chỉnh những thông tin liên quan.
“Rõ ràng ông Hưng và bà Dung không vay vốn của SCB thì Trung tâm thông tin tín dụng cần phải gỡ bỏ ngay lập tức thông tin này để họ có quyền được giao dịch những quan hệ kinh tế dân sự trong việc vay vốn ngân hàng. Nếu Trung tâm thông tin tín dụng cố tình không gỡ thông tin sai lệch này thì ông Hưng và bà Dung có quyền khởi kiện cả Trung tâm thông tin tín dụng, cả SCB và TSS” - luật sư Triển nhấn mạnh.
Một chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng SSC cần phải thấy trách nhiệm của mình. Do buông lỏng quản lý, giám sát không chặt chẽ mà đã để không ít công ty chứng khoán cố tình làm ẩu, trong đó có trường hợp TSS. “Chính sự buông lỏng quản lý này mà thời gian qua, trên thị trường chứng khoán đã xảy ra không ít vụ lạm dụng tài khoản của nhà đầu tư, gây mất niềm tin đối với công ty chứng khoán và ảnh hưởng chung đến hình ảnh của thị trường chứng khoán” - vị chuyên gia này nói.
Không được lạm dụng tiền của nhà đầu tư Theo thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán (CTCK), có hiệu lực từ 15-1-2013, CTCK không được lạm dụng tiền của nhà đầu tư dưới mọi hình thức. Cụ thể, CTCK phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của CTCK; không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện thông qua ngân hàng thương mại. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia chứng khoán cho rằng việc quản lý tách biệt tài khoản tiền và chứng khoán của khách hàng đã được quy định khá sớm và từng được SSC nhiều lần dọa sẽ xử lý nghiêm, nhưng nhiều CTCK lờ quy định này vẫn không được xử lý đến nơi đến chốn. Theo vị chuyên gia này, chính sự nhập nhằng trong việc quản lý tiền và chứng khoán của nhà đầu tư mà thời gian qua không ít CTCK đã có nhiều hành vi lạm dụng tài sản của nhà đầu tư, thậm chí “sáng tác” ra những khách hàng ảo để chiếm dụng tiền của các tổ chức và gây nhiều hệ lụy cho các cá nhân liên quan. (H.Đ.) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận