13/03/2015 18:37 GMT+7

Sẽ “chấm điểm” cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương

 C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TTO - Đó là một nội dung trong Nghị quyết 19/2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Nghị quyết mới này đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành với các giải pháp mạnh, ấn định cụ thể kết quả phải đạt được với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của VN. Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu:

Bộ Tư pháp phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, đơn giản thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là các tranh chấp quy mô nhỏ, tranh chấp giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua tòa án xuống còn tối đa 200 ngày.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương vận hành Hệ thống cơ sở chia sẻ dữ liệu thông tin chung về bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện thành lập, hoạt động đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học hàng đầu quốc tế mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho tư nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp; sửa đổi và đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ đối với các thủ tục, điều kiện theo hướng khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2020; rà soát, hoàn thiện quy định và tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Đặc biệt, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề được giao tiến hành những khảo sát, nghiên cứu độc lập đánh giá định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ.

Các cơ quan này được yêu cầu phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tư pháp xây dựng tiêu chí, đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, cơ quan, địa phương, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết. VCCI và các hiệp hội được giao nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành và các địa phương.

Ngoài ra, cơ quan chức trên được yêu cầu tiến hành tổ chức thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách của các bộ, ngành và địa phương, báo cáo về Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (qua Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để đảm bảo việc thực hiện, Nghị quyết mới của Chính phủ yêu cầu trước 30 tháng 4 năm 2015, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành Kế hoạch hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của của mình.

Kế hoạch hành động phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì và dự kiến các bước thực hiện và phải có kế hoạch chi tiết ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành, các kết quả dự kiến đạt được theo các mốc thời gian...

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên