10/06/2007 16:00 GMT+7

Sẽ ban hành nghị định "đơn giản hóa điều kiện kinh doanh"

anhhong
anhhong

TTCT - TS Đặng Đức Đạm, thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, nói: - GP và ĐKKD là một phần của thủ tục hành chính. Để thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả, Chính phủ đã đề ra kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010.

a67MPUPj.jpgPhóng to
TTCT - TS Đặng Đức Đạm, thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, nói: - GP và ĐKKD là một phần của thủ tục hành chính. Để thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả, Chính phủ đã đề ra kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch này là đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.

* Thưa ông, trong một số lĩnh vực, muốn kinh doanh người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính có biết điều này không?

- Trên nhiều lĩnh vực quản lý, vẫn còn tồn tại khá phổ biến xu hướng cơ quan hành chính giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Vẫn còn tư tưởng bao cấp, cục bộ của các bộ, ngành khi xây dựng và ban hành thủ tục hành chính, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, tổ chức thực hiện. Do đó đúng là thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, làm lỡ cơ hội đầu tư và cản trở sức sản xuất của các thành phần kinh tế trong xã hội.

* GP và ĐKKD đang là một lực cản sự phát triển của nền kinh tế?

- ĐKKD khó khăn đang tiếp tục là những lực cản, trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Có không ít ĐKKD được ban hành theo hướng thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa tính tới những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Ngay hệ thống các mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính cũng còn thiếu thống nhất. Nhiều qui định bất hợp lý nhưng chậm được chuẩn hóa, đơn giản hóa; chưa có sự kiểm soát về tính hợp lý. Thực trạng này đã tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh, phát triển.

htyuEav7.jpgPhóng to

* Chúng ta đã hô hào rất nhiều về việc tạo thuận lợi cho dân, nhưng tại sao nhiều qui định phiền hà vẫn rất chậm được sửa đổi?

- Có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, nhận thức, tư duy về quản lý nhà nước trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt chậm đổi mới. Biểu hiện của tư duy này là muốn quản lý chặt, ôm đồm, áp đặt, nặng về “xin - cho” của kinh tế kế hoạch. Điều này dẫn đến Nhà nước “đá lộn sân” trên nhiều lĩnh vực. Chúng khá phổ biến ở các ngành, các cấp.

Thứ hai, thủ tục hành chính là vấn đề gắn liền với người có thẩm quyền. Trong không ít trường hợp, thực hiện cải cách thủ tục hành chính là tự cắt bỏ lợi ích do thủ tục hành chính hiện hành mang lại.

Thứ ba, có bộ, ngành cũng như địa phương chưa nhất quán thực hiện cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Nguyên nhân nữa khiến ngay cả khi phát hiện những GP, ĐKKD bất hợp lý rồi cũng không thể bãi bỏ ngay được bởi các GP đó đã được các bộ ngành đưa vào luật, như muốn bỏ GP xây dựng thì phải sửa Luật xây dựng, muốn bỏ GP

về hướng dẫn viên du lịch phải sửa Luật Du lịch... Chính phủ không thể ban hành nghị định để sửa luật được.

nxob7oPo.jpgPhóng to

* Cái khó nhất mà Ban chỉ đạo cải cách hành chính vấp phải khi tiến hành chỉ đạo cải cách là gì, thưa ông? Có phải cái tư duy trong bộ máy của chúng ta?

- Cái đó đúng. Nếu có tư duy “nên bỏ” thì việc bãi bỏ các thủ tục không có gì là khó, bởi chúng đều được chính chúng ta tạo nên. Nhưng tư duy không thoáng thì bỏ cực khó. Như trước đây chúng tôi đã làm việc với Bộ Văn hóa Thông tin về việc bỏ bớt các GP biểu diễn nghệ thuật.

Hiện muốn tổ chức một buổi biểu diễn phải xin phép rất nhiều, phải thông qua người quản lý về địa điểm, đơn vị quản lý về nội dung và nơi quản lý ca sĩ. Chúng tôi cho rằng không cần thiết phải như thế. Nhưng khi làm việc với các đơn vị cụ thể cấp phép thì đơn vị nào cũng thấy GP của mình là cần, có bỏ thì bỏ GP của đơn vị khác! Họ không biết rằng quyền của dân là tối thượng.

* Thưa ông, trước thực trạng doanh nghiệp vừa được khuyến khích, lại vừa bị hạn chế bởi các GP và ĐKKD, Ban chỉ đạo cải cách hành chính cần phải làm gì?

- Thúc đẩy việc tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý nhà nước. Vai trò nhà nước trong kinh tế thị trường nên được nhận thức lại. Nhà nước sẽ không quản lý tất cả mà chỉ là một chủ thể, giữ vai trò điều phối. Phải khắc phục tình trạng Nhà nước “đá lộn sân” trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong quản lý kinh tế.

Trước mắt, chúng ta đã dần chuyển pháp luật từ “xin - cho” sang “cấm - buộc”. Tức là người dân, doanh nghiệp thay vì phải đi xin thì sẽ thấy ngay được những điều mình bị cấm, còn lại được làm. Phía cơ quan quản lý nhà nước thì từ vai trò đi cho thì khi người dân hội đủ những tiêu chí luật định sẽ buộc phải cấp theo thời hạn nhất định.

* Phải làm gì để buộc các cơ quan hành chính phải gỡ khổ cho dân?

- Đúng là nếu hiện nay các bộ không vào cuộc thì Thủ tướng cũng không làm gì được bởi việc quản lý ngành đã được giao về các bộ. Nên Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho triển khai đề án “Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010” (gọi tắt là đề án 30). Theo kế hoạch, đề án sẽ xây dựng và trình Chính phủ dự án luật “đơn giản hóa thủ tục hành chính” để sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp được qui định trong các luật, pháp lệnh. Khi có luật rồi thì các cơ quan nhà nước phải vào cuộc.

- Vậy, việc đơn giản hóa GP và ĐKKD liệu có cần một luật không, thưa ông?

- Tiểu đề án 2 của của đề án 30 sẽ thống kê, tập hợp các ĐKKD, bao gồm: GP kinh doanh, giấy chứng nhận đủ ĐKKD, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác...

Từ thống kê đó sẽ tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể từng loại ĐKKD trên các mặt: qui định pháp luật; tính phù hợp, khả thi; những khó khăn, vướng mắc đối với người dân và doanh nghiệp, những vấn đề khác có liên quan.

Dự định, đề án cũng sẽ xây dựng và trình Chính phủ dự thảo “nghị định về đơn giản hóa ĐKKD” để sửa đổi, bãi bỏ các ĐKKD không phù hợp thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nghị định mới sẽ xây dựng hệ thống ĐKKD minh bạch, hợp lý, thống nhất vừa đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước, vừa bảo đảm yêu cầu thông thoáng, giảm chi phí về thời gian, vật chất cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để hạn chế GP xuất hiện tràn lan, luật “đơn giản hóa thủ tục hành chính” sẽ qui định ai được phép ban hành GP, ĐKKD và các cơ quan muốn ban hành các qui định hạn chế quyền của dân thì phải qua những bước nào, như thế nào thì không được làm.

* Bao giờ thì những “dự thảo” đó mới thành hiện thực?

- Theo chương trình thì đề án 30 sẽ hoàn thành và đương nhiên những văn bản luật của đề án cũng sẽ sẵn sàng vào ngày 31-12-2008.

Doanh nghiệp nên khởi kiện các hành vi can thiệp bất hợp lý

TS Nguyễn Quang A

Theo tôi, Nhà nước chỉ cần làm bốn loại công việc:

1. Duy trì quân đội, công an để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

2. Quản lý y tế, giáo dục, thu thuế để đảm bảo an sinh và tiền đề cho sự phát triển.

3. Ban hành hệ thống chính sách pháp luật, duy trì bộ máy tòa án để đảm bảo công bằng, tránh sự lạm quyền và lộng quyền trong các cơ quan nhà nước.

4. Duy trì chức năng kiểm tra giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật mà mình đề ra nhằm chấn chỉnh xã hội đi đúng hướng.

Ngoài bốn loại việc trên, còn lại Nhà nước nên chuyển quyền quản lý cho các tổ chức dân sự, mở rộng quyền giám sát của các tổ chức này và của người dân, chứ không nên cái gì cũng muốn quản, rồi quản khó thì đặt ra các GP, ĐKKD để hạn chế.

Hiện tại, đã có qui định công chức có hành vi trái luật, cản trở, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì phải bồi thường. Các doanh nghiệp bị xâm phạm phải mạnh dạn tận dụng pháp luật, để đứng ra khởi kiện các quan chức để tạo tiền lệ tốt, xóa bỏ dần thói quen “hành” dân của một bộ phận công chức trong các cơ quan hành chính.

Phải có "bộ lọc" giấy phép, điều kiện kinh doanh

Ông VŨ DUY THÁI, chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội

Bên cạnh yêu cầu nâng cao khả năng ra chính sách và thực thi chính sách của các bộ ngành, rất cần tạo ra một bộ lọc các GP, ĐKKD. Bộ lọc này phải nằm độc lập, ngoài các bộ, ngành, thậm chí nằm ngoài Văn phòng Chính phủ, có quyền giám sát các văn bản qui phạm pháp luật, đưa ra kiến nghị bỏ những điều khoản có thể phát sinh GP trong các văn bản, dự án luật của các bộ, ngành. Có như thế mới có thể giảm GP, ĐKKD được.

anhhong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên