18/10/2017 11:57 GMT+7

SCIC chào bán 48 triệu cổ phiếu Vinamilk, giá vẫn là ẩn số

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Vinamilk dự kiến có doanh thu năm 2021 hơn 3,5 tỉ USD, vì thế đợt bán hơn 48 triệu cổ phần ra thị trường lần này được giới đầu tư quan tâm. Nhưng giá bao nhiêu vẫn là ẩn số.

SCIC chào bán 48 triệu cổ phiếu Vinamilk, giá vẫn là ẩn số - Ảnh 1.

Ông Trần Chí Sơn, trưởng Bộ phận Tài chính Công ty Cổ phần sữa Vinamilk, đang giải đáp thắc mắc cho các nhà đầu tư. Ảnh: T.V.N

Sau khi công bố ở Hà Nội hai ngày trước, sáng 18-10, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tại TP.HCM.

Lần này, SCIC dự kiến bán 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, tương ứng 48.333.400 cổ phần. Nhưng mức giá khởi điểm phải đợi đến ngày 1-11 mới được công bố.

Sau đó, đến ngày 10-11, SCIC sẽ mở phiên chào bán công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE)

Bà Đặng Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban Đầu tư 3 của SCIC, cho biết mục đích của việc chào bán cổ phần nhằm cơ cấu danh mục đầu tư theo chủ trương thoái vốn đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp không cần giữ cổ phần. 

Việc chào bán cổ phần chỉ làm thay đổi tỉ lệ sở hữu trong cơ cấu cổ đông mà không làm thay đổi mức vốn điều lệ đã đăng ký của doanh nghiệp.

So với lần bán vốn đầu tiên thực hiện vào cuối năm 2016, đợt chào bán thứ hai này, theo SCIC, quy chế chào bán có nhiều điểm mới trong đó đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc bằng USD, được ký quỹ được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp phép.

Khi trúng giá tiền ký quỹ sẽ được chuyển đổi thành VND, trả cho SCIC để tính là một phần tiền thanh toán.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, nếu thành công trong phiên này, Chính phủ sẽ chỉ còn nắm 36% vốn điều lệ tại Vinamilk.

"Chủ sở hữu đích thực của Vinamilk là Chính phủ. Nếu Chính phủ quyết định vẫn muốn nắm quyền phủ quyết tại Vinamilk thì sẽ không bán tiếp. Còn nếu không, việc thoái vốn tại Vinamilk vẫn sẽ được tiếp tục sau đợt thoái vốn lần thứ hai này", ông Chi nhấn mạnh.

Cuối năm 2016, SCIC chào bán hơn 130 triệu cổ phần Vinamilk, tương được 9% vốn điều lệ. 

Hai nhà đầu tư nước ngoài là F&N Dairy Investments và F&Nbev Manufaturing (thuộc Tập đoàn Thai Beverage - Thái Lan) đăng ký mua hơn 78 triệu cổ phần với mức giá 144.000 đồng/cổ phần, bằng giá chào bán.

Giá cổ phiếu mã VNM của Vinamilk vào thời điểm 11:30 sáng 18-10 đang được giao dịch ở mức 149.400 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với phiên hôm trước.

Giới thiệu tiềm năng của Vinamilk đến nhà đầu tư, ông Trần Chí Sơn, trưởng Bộ phận Tài chính của Vinamilk, cho biết Vinamilk đặt kế hoạch tổng doanh thu đến năm 2021 đạt 80.000 tỉ đồng, tương đương 3,52 tỉ USD.

Con số này gồm 61.000 tỉ đồng từ trong nước, tức khoảng 2,684 tỉ USD.

Phần còn lại là 19.000 tỉ đồng xuất khẩu, tương ứng 836 triệu USD, chiếm 25% tổng doanh thu.

Dự kiến đến năm 2021, tổng đàn bò của Vinamilk ở mức 44.000 - 50.000 con, lượng sữa từ các trang trại của Vinamilk đạt 157.000 tấn, từ các hộ nông dân khoảng 251.000 tấn.

Theo ông Sơn, đến năm 2021, năng lực sản xuất bình quân của Vinamilk sẽ lên mức 2,8 triệu tấn sản phẩm các loại, tăng 70% so với năm 2016.

Tính đến tháng 9-2017, Vinamilk hiện chiếm 57,8% thị phần sữa tại Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm chi phối từ 40,5-81,1% nguồn cung thị trường ở sáu nhóm sản phẩm chính trong lĩnh vự sản xuất, chế biến sữa hiện nay.

SCIC chào bán 48 triệu cổ phiếu Vinamilk, giá vẫn là ẩn số - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC (trái) Nguyễn Đức Chi đang trao đổi với các nhà đầu tư. Ảnh: T.V.N

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên