30/08/2010 06:22 GMT+7

Sawasdee và Xin chào

Theo CAO THỊ LAN PHƯƠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo CAO THỊ LAN PHƯƠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng lời chào Sawasdee hẳn phải là từ du khách hoặc người nước ngoài sinh sống, làm việc ở Thái Lan được nghe nhiều nhất. Còn ở Việt Nam thì sao?

- Sawasdee ka!- Sawasdee krub! (*)

Nó không phải là “Xin chào!”. Phải chăng vì “Xin chào” kết thúc bằng dấu huyền nên dù phát âm hao hao giống “Ciao” của người Ý mà nghe vẫn không vui tai, không nồng nhiệt? Còn “Sawasdee ka” nhờ cái âm “a” kia nên có thể ngân nga như hát, khiến người nghe chỉ nghe thôi đã thấy có cảm tình.

Nhưng nói vậy là biện minh vì người Việt ta vẫn quen nói “Chào anh!”, “Chào chị!” và cũng có thể nhấn nhá, lên xuống giọng đầy biểu cảm, nhất là khi thêm “ạ” vào cuối câu: “Chào anh ạ!”, “Chào chị ạ!”. Chữ “ạ” ở đây không thể hiện sự khúm núm, hạ thấp mình, mà biểu thị sự chân thành, lòng hiếu khách rất Việt Nam.

yyv4KJHO.jpgPhóng to
Du khách học kiểu chào của người Thái

Mạo muội đem ngữ âm học ra đây để phân tích cũng chỉ để chuyện phiếm, chứ bản thân cách phát âm đâu có làm nên tội, quan trọng là cái lòng của người nói khi thốt ra câu chữ. “Sawasdee krub” kết thúc bằng phụ âm “b”, nhưng người Thái vẫn cứ ngân ra thật dài, như một cách mở đầu câu chuyện thật khó chối từ. Đố ai đến Thái Lan mà nghe được một câu “Sawasdee ka!” cụt lủn, máy móc.

Người Thái làm du lịch giỏi. Điều này chẳng có gì nghi ngờ. Mà cái hay nhất của họ chính là tiếp thị được cả tiếng nói của mình. Tiếng Thái không dễ đọc, viết lại càng khó, thế nhưng “Sawasdee ka”, “Sawasdee krub” thì chắc người nước ngoài nào cũng nói được. Cái âm thanh vui như bật ra tự trái tim khiến cho người ta bỗng quên đi tiếng mẹ đẻ của mình để vui vẻ đáp ngay lại: “Sawasdee ka!”.

Tôi nhớ một lần quyết định ở nhà trọ, phòng không có cửa sổ hơi bức bí mà cô bạn cùng đi có thói quen ngủ nướng nên cứ mỗi sáng tôi lại lẻn ra khỏi phòng, ngồi thu lu trong chiếc ghế nhựa trước cửa đọc sách. Một sáng nọ, cô lao công đã khá đứng tuổi, đi từ lầu dưới lên nhìn thấy tôi liền chào “Sawasdee ka!” rồi tuôn thêm một tràng tiếng Thái khiến tôi chỉ biết tròn mắt nhìn rồi cười trừ.

Cô đặt chiếc giỏ đựng đồ giặt xuống rồi nắm tay tôi, giải thích (lần này là bằng tiếng Anh, dẫu tiếng Anh của cô rất xoàng) rằng cô vừa hỏi tôi có khỏe không. Cô lặp đi lặp lại câu hỏi thăm sức khỏe bằng tiếng Thái này giúp tôi nhớ rồi mới tiếp tục đi thu dọn vệ sinh. Khó quá, tôi lẩm bẩm lặp đi lặp lại để nhớ mà đến lúc ăn sáng xong vẫn cứ bị quên mất, nhưng cái cách cô ta hết sức tự nhiên chào hỏi tôi bằng tiếng mẹ đẻ khiến tôi bị ấn tượng mãi.

6yxa7tpP.jpgPhóng to
Tấm bảng menu trước cửa quán nhỏ trên chùa Gold Mount, Bangkok, với dòng chữ Kob kun ka quen thuộc

Về Việt Nam, bước vào các nhà hàng sang trọng ở khu trung tâm, may mắn đi cùng một nhóm bạn người Việt còn được nghe “Chào anh!” hay “Chào chị!”, chứ nếu đi cùng bạn nước ngoài thì chỉ được nghe “Welcome!”, “Good evening!”. Ăn xong ra về cũng nghe “Thank you!”. Cười đáp lại cho phải phép mà thấy buồn.

Ở những cửa hàng lưu niệm cũng vậy, đứng xem hàng mà cứ phải nghe “Hello! Can I help you?”. Ở Sài Gòn là thế, đến Hội An ghé phố cổ xem lồng đèn và áo lụa cũng thấy các o, các bạn trẻ chào khách “Hello!”, ra đến Hà Nội, lang thang phố cổ cũng khó lòng nghe được tiếng “Xin chào!”.

Văn hóa luôn gắn liền với du lịch. Thiếu đi yếu tố văn hóa thì có lẽ quốc gia nào cũng như nhau. Bãi biển đẹp nước nào chẳng có. Nha Trang, Phú Quốc của Việt Nam đẹp kém gì Phuket của Thái Lan, hay Bali của Indonesia, thế nhưng tại sao Phuket và Bali vẫn được nhắc đến nhiều hơn? Ắt hẳn phải do cái văn hóa sống, văn hóa giao tiếp của con người bản địa, những thứ không bao giờ bị cuốn phăng theo dòng lũ công nghiệp hóa, toàn cầu hóa?

Người Singapore dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống nhưng vẫn nhất định giữ cái đuôi “lah” mỗi cuối câu, chẳng hạn “Thank you lah!”, “See you lah!”. Người Pháp vẫn học tiếng Anh đấy, nhưng họ tự hào với cái tiếng Anh giọng Pháp của mình, còn người Thái thì vẫn “Kob kun ka”, “Kob kun krub” với hai tay chắp trước ngực chứ không “Thank you!”.

Lại nói đến những cái tên. Khó trách các nhà hàng, khách sạn thường chọn cho mình một cái tên tiếng Anh vì như thế du khách sẽ dễ nhớ hơn (và nhiều khả năng sẽ chọn hoặc quay lại hơn chăng?), thế nhưng món ăn dẫu ngon đến mấy vẫn cứ thấy tiếc vì tên nhà hàng bị ghép nối khiên cưỡng quá, kiểu như “Huế xưa - Ancient Huế”. Tại sao không cứ là “Huế xưa” thôi, mà phải gồng gánh theo “Ancient Huế”, đọc vừa đánh lưỡi đến mỏi, vừa thấy buồn.

Tiếng Việt không dễ đọc, thế nhưng khách nước ngoài khi đến Việt Nam vẫn cố học nói cho được một đôi câu thông dụng. Họ thích thú, phấn khởi khi gọi “Anh ơi!”, “Chị ơi!”, “Cảm ơn!”. Thế tại sao không để cho họ cố nhớ “Huế xưa”? Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam lâu năm còn tự đặt cho mình một cái tên tiếng Việt vì theo họ, tiếng Việt rất hay, có ý nghĩa, như Tâm, Minh chẳng hạn. Ấy vậy mà gần đây, những cái tên của chính người Việt Nam nghe lại không còn “thuần Việt” nữa, nào Trang Trần, Thanh Nguyễn, hay Katryna Nguyễn...

eTHiRQoU.jpgPhóng to
Diễn viên múa Thái Lan chào du khách

Nhớ lại những lần tham quan bảo tàng ở Thái Lan hay Singapore đúng dịp triển lãm có tác phẩm của họa sĩ Việt Nam hay đọc tin trên báo địa phương về những sự kiện giao lưu văn hóa, thấy tên của các nghệ nhân, họa sĩ Việt Nam luôn được in đầy đủ, đúng thứ tự tiếng Việt, ví dụ Lê Huy Tiệp vẫn là Le Huy Tiep chứ không phải Tiep Le hay Tiep Huy Le. Không rõ đấy là do đại diện từ phía Việt Nam đăng ký hay thế nào, nhưng rõ ràng họ không yêu cầu mình phải theo thứ tự tên họ của người phương Tây cho dễ hiểu.

Vậy mà khi chỉ có người Việt Nam với nhau, không có yếu tố “giao lưu” gì mà sao Nguyễn Thị Lan lại thành ra Lan Nguyễn, Trần Văn Nam thành ra Nam Trần? Phải chăng họ “đón trước vận hội”?

Gần mười lần đến Thái Lan nhưng tôi chưa từng nhớ đã nghe người dân bản địa chào “Hello!” hoặc “Hi!” với mình. Có lẽ tình yêu, niềm tự hào về đất nước thông qua ngôn ngữ và một nụ cười tươi tắn rất Thái đã giúp họ ghi điểm với bạn bè quốc tế.

Phải chăng cũng chính vì thế mà sau mỗi đợt bất ổn vì khủng hoảng chính trị, Thái Lan vẫn nhanh chóng lấy lại đà phát triển du lịch? Một ngày nào đó, khi tiếng “Xin chào!” trở nên “phổ thông” hơn, biết đâu Việt Nam cũng sẽ trở thành một trong những điểm đến được yêu thích và nhớ nhất.

(*) Chào chị!

Chào anh!

Theo CAO THỊ LAN PHƯƠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên