04/09/2003 11:54 GMT+7

Saudi Arabia - Nga: cuộc gặp gỡ của hai người khổng lồ dầu khí

DUY VĂN
DUY VĂN

TT - Không hẹn mà các hãng tin Ả Rập lẫn Nga đều cho rằng hôm 2-9, quan hệ giữa hai nhà cung ứng dầu hỏa lớn nhất thế giới Saudi Arabia và Nga đã chuyển sang một trang mới. Đó là ngày thái tử Abdullah tới Moscow nhằm tìm kiếm quan hệ hợp tác sau hơn 70 năm (lần thăm cuối cùng một thái tử tới Nga là vào năm 1932).

uA9U7zWQ.jpgPhóng to
Cú bắt tay ngày 2-9 của thái tử Abdullah (trái) và Tổng thống Putin đưa hai nước vào một thời kỳ hợp tác mới, đồng thời có thể làm thay đổi tấm bản đồ quyền lực dầu khí toàn cầu
TT - Không hẹn mà các hãng tin Ả Rập lẫn Nga đều cho rằng hôm 2-9, quan hệ giữa hai nhà cung ứng dầu hỏa lớn nhất thế giới Saudi Arabia và Nga đã chuyển sang một trang mới. Đó là ngày thái tử Abdullah tới Moscow nhằm tìm kiếm quan hệ hợp tác sau hơn 70 năm (lần thăm cuối cùng một thái tử tới Nga là vào năm 1932).

Các vụ tấn công ngày 11-9-2001 vào Mỹ không chỉ làm sụp đổ tòa tháp đôi WTC, mà còn làm sụp đổ một số ưu tiên trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia. Thậm chí trong một báo cáo của Lầu Năm Góc hậu 11-9, cái tên Saudi Arabia đã được nhắc tới trong số “các kẻ thù tiềm tàng” của Mỹ.

Chính quyền Bush quyết định quay lưng khỏi đồng minh chiến lược lớn nhất ở Trung Đông và tìm kiếm những nguồn dầu đối trọng khác. Về phía Saudi Arabia, những người lạc quan nhất cũng hiểu tình thế đã khác, và không nước nào khác ngoài Iraq sẽ là “tiền đồn” của Mỹ ở vịnh Persic và Trung Đông.

Theo Arab News, có hai lý do khiến Saudi Arabia quay sang người Nga: 1. Làn sóng “bài Saudi” ở Mỹ với cáo buộc các thành viên Al Qaeda đang trú ẩn ở vương quốc này và rằng có mối liên hệ tài chính giữa một số quan chức Saudi với một vài tên không tặc ngày 11-9. 2. Nga, giống như Saudi Arabia, chống lại cuộc chiến Iraq do Mỹ và Anh khởi xướng.

Sự liên kết của hai cường quốc dầu khí (bằng một thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí năm năm ký kết ngày 2-9 và thỏa thuận phối hợp điều chỉnh việc xuất các tàu dầu ra thị trường nước ngoài) mở ra một triển vọng tác động vào thị trường dầu khí thế giới. Saudi Arabia (50% trữ lượng thế giới) và Nga (14% trữ lượng) một khi hợp tác thành công sẽ nắm chìa khóa giá cả và tăng trưởng kinh tế thế giới.

Đến cuối tháng 8-2003, Nga sản xuất 8,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Saudi Arabia sản xuất 8,73 triệu thùng/ngày.

(Nguồn: Arab News, New York Times 3-9)

Do cả hai nước đều dựa vào xuất khẩu dầu như nguồn lợi chính của quốc gia (70 - 80% tổng thu nhập của Saudi Arabia và 25-30% thu nhập của Nga), việc tích cực hợp tác sẽ mang lợi ích kinh tế cho cả hai: dầu sẽ giúp Nga lấy lại vị thế địa chính trị đã mất, trong khi Saudi Arabia sẽ giải quyết được các vấn đề kinh tế, ổn định chính trị đối nội và vị thế quốc tế.

Ngoài ra, Nga còn kỳ vọng sẽ thu hút được không nhỏ trong số 200 tỉ USD vốn mà các doanh nhân Saudi Arabia rút khỏi Mỹ sau cuộc khủng hoảng 11-9 (các kế hoạch hợp tác giữa vốn của Saudi Arabia với công nghệ cao của Nga đã được thảo luận trong các cuộc làm việc của các ủy ban liên chính phủ hai nước trước đó).

Về chiến lược chính trị, từ chuyến thăm Malaysia tháng trước, Tổng thống Nga V. Putin đã tuyên bố ý định Nga (với 23 triệu người Nga là tín đồ Hồi giáo, chiếm 1/7 dân số) muốn tham gia Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, và thái tử Saudi Arabia đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Nga. Việc Nga tham gia OIC và tiếng nói của Saudi Arabia có thể giúp Nga giải quyết vấn đề Chechnya.

Một số nhà phân tích đã nhìn thấy trong sự hợp tác Nga - Saudi Arabia triển vọng về một “trung tâm quyền lực mới, có thể đưa thế giới tới một trật tự lưỡng cực” (Kommersant 2-9). Có thể vì thế mà trước khi gặp thái tử Abdullah, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ý S. Berlusconi, nổi tiếng không chỉ với vị thế chính trị (chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu) mà còn với các quan hệ kinh doanh và thương trường.

Và tiếp sau chuyến làm việc với thái tử Abdullah, tổng thống Nga còn dự kiến gặp Tổng thống Mỹ G. Bush. Chắc hẳn Washington cần được trấn an rằng những cuộc thương lượng giữa Nga và Saudi Arabia không đi ngược lại lợi ích Mỹ.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên