26/05/2017 07:30 GMT+7

Sau 'Người phán xử', Việt Anh quyết định 'Sống chung với mẹ chồng'

Hoàng Lê
Hoàng Lê

TTO - Anh chàng công tử Cao Thanh Lâm trong 'Chạy án' đã lui vào dĩ vãng. Giờ đây nhắc đến Việt Anh là phải nhắc đến 'thái tử' Phan Hải, con trai cả của ông trùm trong phim 'Người phán xử'.

Việt Anh vào vai Phan Hải trong phim Người Phán xử -Ảnh: ĐPCC
Việt Anh vào vai Phan Hải trong phim Người phán xử - Ảnh: ĐPCC

 Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Việt Anh không giấu giếm: “Tôi thật sự hạnh phúc về điều này”.

* Xem ra Việt Anh xuất hiện trên truyền hình ở thời điểm này hơi nhiều.

Ngoài Người phán xử, Việt Anh còn là ông bố độc thân trong phim sitcom Những cư dân thông thái trên VTV6. 

Một anh chàng đầy bí hiểm xuất hiện trong Sống chung với mẹ chồng (VTV1). Sự đổ bộ này chỉ là tình cờ hay có sự tính toán?

- Tình cờ thôi. Tôi không thích xuất hiện nhiều đâu vì sẽ khiến hình ảnh mình bị loãng. Nhưng biết làm sao được, điều tiết lịch phát sóng nằm ngoài khả năng của tôi. Các phim này tôi tham gia trong thời điểm khác nhau nhưng lại lên sóng cùng lúc.

Cũng may là các nhân vật không giống nhau lắm.

Ví dụ như ông bố trong Những cư dân thông thái là nhân vật không quá khó để diễn nhưng khá thú vị: một người đàn ông lâm cảnh gà trống nuôi con. Anh chàng này thích phụ nữ nhưng vì sống khép kín và khó tính nên không bộc lộ sở thích ra ngoài.

Còn trong Sống chung với mẹ chồng thì vai của tôi sẽ xuất hiện nhiều hơn ở những tập cuối và là nhân vật quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới của nàng dâu tội nghiệp.

Việt Anh cảm thấy hạnh phúc vì được gọi là Phan Hải - Ảnh: T.L
Việt Anh cảm thấy hạnh phúc vì được gọi là Phan Hải - Ảnh: T.L

* Trở lại với Người phán xử, Phan Hải khiến người xem ngỡ ngàng vì một cách diễn rất khác của Việt Anh. Anh đã đầu tư vai diễn này như thế nào?

- So với Cao Thanh Lâm của Chạy án trước đây thì nhân vật Phan Hải trong Người phán xử tính cách phức tạp hơn rất nhiều. 

Cao Thanh Lâm là công tử ăn chơi, có học thức, còn Phan Hải lại là tay anh chị sống bằng bản năng và... không có cái đầu trí tuệ. Chính đó lại là điểm nhấn của nhân vật này. 

Để tập trung cho nhân vật Phan Hải, tôi đầu tư cũng nhiều lắm. Khi đọc kịch bản, tôi phân tích và cố gắng tạo sự khác biệt cho nhân vật bằng nhiều màu sắc, cá tính riêng.

Phan Hải là nhân vật phản diện nhưng lại đáng yêu vì thật ra anh ta cũng có nghĩa khí, ra dáng đàn ông và sống thật với tính cách của mình. Nhân vật này làm dịu bớt sự căng thẳng mà một phim hình sự mang lại.

Người phán xử là bộ phim đầu tiên mà tôi thu tiếng trực tiếp. Cũng có ý kiến của khán giả nói nhân vật Phan Hải nói nhanh quá, khó nghe. Nhưng đây là chủ đích của tôi.

Tôi muốn thoại phải sôi động, phải nhanh để gây chú ý. Phan Hải luôn là người vội vàng, hành động đi trước suy nghĩ nên thoại cũng phải nhanh, lẹ...

Bật mí chút nhé. Tôi đã thuê hẳn một stylist để cho Phan Hải ra dáng một "thái tử" xã hội đen. Số tiền chi ra cho trang phục cũng kha khá. Không biết tiền cátsê có đủ không nữa! (cười).

- Phim Người phán xử khi lồng giọng miền Nam đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của khán giả. Bản thân Việt Anh thấy điều đó như thế nào?

- Tôi từng có thời gian đóng phim và làm việc ở TP.HCM và nghe nhiều ý kiến của người miền Nam nói rằng phim miền Bắc sản xuất thoại khó nghe vì nói nhanh quá.

Một số phim nước ngoài khi phát sóng ở miền Nam cũng phải lồng giọng miền Nam cho phù hợp với phong cách của người miền Nam.

Vì thế bản thân tôi cho rằng việc lồng giọng miền Nam cho Người phán xử là cần thiết. Chỉ đáng tiếc là việc lồng giọng này làm hơi chậm, từ tập thứ 16 nên với những khán giả quen với thoại của diễn viên thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy hụt hẫng.

* Cảm ơn Việt Anh.

Việt Anh -  Phan Hải trong phim Người phán xử - Ảnh: T.L
Việt Anh - Phan Hải trong phim Người phán xử - Ảnh: T.L

 

Tăng giờ phát sóng cho đỡ sôi máu”

Cơn sốt Người phán xử đến tập 18 vẫn còn nóng và Phan Hải đang "vươn lên" để trở thành một trong những nhân vật gây được sự chú ý với khán giả. Từ tập 19, Phan Hải có những hành động chống đối ông trùm vì cho rằng cách điều hành của bố đã quá cũ...

Cùng nóng theo phim, từ ngày 3-5, đơn giá quảng cáo trong khung giờ phim Người phán xử tăng: từ 80 triệu cho spot quảng cáo 10 giây, đến 160 triệu cho spot quảng cáo 30 giây.

Dù vậy, lượng quảng cáo nhảy vào trong khung giờ này tăng... mệt nghỉ.

Trên trang fanpage của Người phán xử, nickname Cô Nấm viết: "Tôi tha thiết yêu cầu và đề nghị tăng lên một tuần chiếu ba tập giống phim Sống chung với mẹ chồng cho đỡ sôi máu. Quảng cáo nhiều quá làm phim chiếu chẳng được bao nhiêu".

Việc VTV quyết định thực hiện thêm phiên bản giọng miền Nam cho Người phán xử để phát sóng ở khu vực miền Nam cũng là một nguyên nhân khiến bộ phim này nóng theo chiều hướng... bất lợi.

Phần đông ý kiến của khán giả cho rằng việc làm này là hoàn toàn không cần thiết. 

 

Hoàng Lê
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên