Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan khu trưng bày cây và các sản phẩm từ sâm được trồng ở Lai Châu năm 2021 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ngày 1-11, UBND tỉnh Lai Châu cho biết Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 diễn ra với chủ đề "Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa".
Đây là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh cây sâm Lai Châu và chế biến các sản phẩm từ sâm.
Hội chợ sâm có các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm Lai Châu, hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu và các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Sự kiện dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo trung ương, lãnh đạo một số địa phương, các nhà khoa học uy tín, các cá nhân có ảnh hưởng lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm đến dược liệu trên toàn quốc và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Trong khuôn khổ sự kiện, tỉnh Lai Châu sẽ có báo cáo hiện trạng, tiềm năng, định hướng phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh; công bố chỉ số và bảo hộ giống sâm Lai Châu; công bố cơ sở trồng sâm được cấp mã số; công bố bản đồ thích ứng vùng trồng sâm, phát triển vùng trồng và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh; ký kết hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội sâm Lai Châu với UBND tỉnh Lai Châu,...
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có khoảng 3,7ha diện tích trồng sâm của doanh nghiệp và người dân.
Sâm Lai Châu được phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung, lân cận huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường.
Sau nhiều năm nghiên cứu, bảo tồn, cây sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var, fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai) có nguồn gene đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, mới chỉ phát hiện duy nhất ở tỉnh Lai Châu.
Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Hàm lượng saponin trong các mẫu sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23% - 27%, hàm lượng saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi; đặc biệt hàm lượng Majonosid- R2(MR2) chiếm 4 - 6%, đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.
Đây là loài cây bản địa, rất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Để phát triển "quốc bảo" sâm Lai Châu, năm 2019 HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành nghị quyết về đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển.
Trong đó đã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống theo đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ trồng, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi liên kết…
Theo dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045 đang trình Thủ tướng phê duyệt, Lai Châu cùng với Quảng Nam, Kon Tum được định hướng là ba địa phương trọng điểm phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam ở quy mô hàng hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận