17/02/2023 09:28 GMT+7

Sao không phạt công ty thuê người cưỡi ngựa quảng cáo giữa đường?

Nhiều người đặt vấn đề như vậy sau khi một thanh niên bị cảnh sát giao thông TP.HCM phạt tổng cộng 160.000 đồng do cưỡi ngựa đi quanh khu vực trung tâm TP.HCM mà theo anh này là để quảng cáo cho hãng xe công nghệ Be.

Sao không phạt công ty thuê người cưỡi ngựa quảng cáo giữa đường? - Ảnh 1.

Ảnh người đàn ông cưỡi bạch mã trên đường lan truyền trên mạng xã hội

Sự việc hy hữu trên đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ xử phạt như vậy quá nhẹ, và chỉ xử phạt người cưỡi ngựa ra đường thôi là chưa đủ, đồng thời đề nghị cần phải phạt nặng doanh nghiệp đã thuê người thực hiện hành vi vi phạm.

Có thể phạt nặng

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, đội cảnh sát giao thông tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đã lập biên bản, xử phạt hành chính D.N.T.N. (23 tuổi, ngụ TP.HCM) về hành vi cưỡi ngựa ra đường. 

Thanh niên này bị xử phạt về hai lỗi "điều khiển súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới" (điểm d, khoản 1, điều 10 nghị định 100) và "không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố" (điểm c, khoản 1, điều 10 nghị định 100), tổng cộng 160.000 đồng.

N. cho biết mình được thuê làm việc này để quảng cáo cho hãng xe công nghệ Be. Tuy nhiên khi trả lời báo chí Be Group cho biết đây không phải là tài xế của Be và hiện công ty này đang tìm hiểu sự việc.

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM), cơ quan chức năng cần làm rõ lời khai của anh N. về việc được thuê để quảng cáo cho hãng xe công nghệ Be. 

Nếu hãng xe thuê N. cưỡi ngựa ra đường để quảng cáo cho hãng thì đơn vị này cũng phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội" - theo quy định tại nghị định 38. 

Theo đó, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đối với hành vi này, thẩm quyền xử phạt là chủ tịch UBND cấp huyện hoặc giám đốc công an cấp tỉnh.

Ngoài ra, theo luật sư Nông, những hành vi quảng cáo như treo, cắt, dán, vẽ trên các cột điện, nơi công cộng cũng vi phạm pháp luật, có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và phạt từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm - theo khoản 1 điều 34 nghị định 38/2021. Cá nhân có sản phẩm được quảng cáo trên tờ rơi cũng bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Quảng cáo "lố", lợi bất cập hại

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), quảng cáo là việc giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi. Tuy nhiên, việc quảng cáo không được vi phạm vào những hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.

Tương tự, luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng một quảng cáo mà theo cảm nhận thông thường là "lố" thì nhiều khả năng đó là một hành vi vi phạm hành chính. 

Vì vậy, khi muốn quảng cáo một sản phẩm hoặc dịch vụ, các cá nhân, doanh nghiệp có sản phẩm cần quảng cáo cũng như cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo cần nghiên cứu kỹ nghị định 38/2021 để xem việc quảng cáo của mình có vi phạm pháp luật hay không.

"Quảng cáo để nhằm tiếp thị sản phẩm, hàng hóa được bán nhiều hơn. Tuy nhiên nếu vi phạm quy định pháp luật, bên cạnh việc bị chế tài thì vô hình trung sẽ gây ảnh hưởng đến thương hiệu. Đôi khi có những vi phạm nghiêm trọng có thể bị thu hồi giấy phép, để lại những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều" - luật sư Nông nói.

Vụ cưỡi ngựa dạo phố ở TP.HCM: Phạt 160.000 đồng có đủ răn đe?Vụ cưỡi ngựa dạo phố ở TP.HCM: Phạt 160.000 đồng có đủ răn đe?

Cưỡi ngựa ra đường vào giờ cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, cản trở giao thông, thanh niên bị phạt hai lỗi chỉ có 160.000 đồng. Vậy mức phạt này có đủ sức răn đe?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên