Nhà khoa học ấy đã dừng cuộc rong chơi trần thế ở tuổi 39 vì ung thư máu. Lại là căn bệnh mà một đồng nghiệp đàn anh của Đào Nguyên Khôi bảo là "trời kêu ai nấy dạ". Anh ra đi khi đang là trưởng khoa Môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Còn nhớ năm 2019, năm mà Khôi nói mình "được mùa" khi vừa nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng dành cho nhà khoa học xuất sắc 35 tuổi trở xuống, vừa trở thành phó giáo sư trẻ nhất nước trong đợt phong học hàm này.
Khi tôi liên hệ để viết bài, Khôi từ chối liền vì "em bình thường lắm, không có gì để viết" dù khi ấy anh đã được chọn là một trong những Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2019.
Phải qua nhiều tác động, cả tìm hiểu từ nhiều nguồn khác, cuối cùng mới có bức ghép về chân dung nhà khoa học trẻ say mê với các nghiên cứu về môi trường vốn thời sự không chỉ ở thời điểm đó mà hiện nay vẫn thế.
Anh không quên dặn với theo "viết về em nhẹ nhàng thôi nhé" khi tiễn khách. Và tôi đã gửi cho anh xem bản thảo trước khi bài báo đến với bạn đọc.
Khôi kiệm lời, ngại nói về mình, chỉ có nụ cười luôn tươi với nét mặt hiền lành. Thế nhưng khi nói về con đường theo khoa học của mình, Khôi như khác hẳn, nhắc ngay hai cái tên anh gọi là người thầy đầu tiên truyền lửa đam mê và mở ra con đường khoa học cho anh.
Đó là GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (hiện là phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TP.HCM) và PGS.TS Nguyễn Thị Bảy (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM).
Bởi vào học ngành môi trường với Khôi là cơ duyên. Nếu đúng định hướng của gia đình, Khôi sẽ theo ngành an ninh và cũng trúng tuyển ngành này rồi nhưng lại chọn cú rẽ đầy bất ngờ. Cậu sinh viên môi trường ấy không quá nổi bật suốt thời sinh viên và ở lại trường làm nghiên cứu viên phòng nghiên cứu chứ không phải vai trò giảng viên.
Cho đến khi anh gặp được những người thầy đánh thức "con người khoa học" trong mình, mọi thứ thay đổi hẳn. Anh nhận học bổng làm nghiên cứu sinh tại Nhật và quyết định quay về ngay khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vì nhìn thấy Việt Nam còn nhiều cơ hội.
Minh chứng rõ nhất chắc không cần nói gì thêm qua 60 bài báo khoa học đã công bố, mà 23 bài trong số ấy xuất bản trên các tạp chí uy tín quốc tế. Và cả những học trò được anh hướng dẫn nay đã là tiến sĩ, thạc sĩ.
Có người trách cuộc sống quá bất công với anh. Bao tiếc nuối cho một tài năng khoa học ở độ tuổi chín muồi. Cũng có người nói Khôi đã đến, cống hiến và nay hoàn thành sứ mệnh ở cuộc đời này để được đón về một thế giới khác, an nhàn nghỉ ngơi.
Khôi về với đất mẹ, sẽ không còn đau đớn nữa, đã có thể buông bỏ số phận nghiệt ngã của đời mình. Nhưng thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè, bao học trò và cả những người chưa từng quen vẫn cứ tiếc thương "Sao đi vội thế, Khôi ơi!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận