02/12/2013 15:49 GMT+7

Sáng chế của sinh viên sẽ đi về đâu?

 VŨ EM (TP.HCM)
 VŨ EM (TP.HCM)

AT - Hiện nay sinh viên có nhiều sản phẩm sáng chế mang tính ứng dụng cao. Một số bạn còn giành được những giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sản phẩm sáng chế của sinh viên hầu hết chỉ dừng lại ở đồ án vì đam mê chứ chưa tính đến chuyện phát triển và thương mại sản phẩm.

GGNY9btP.jpgPhóng to
Phạm Ngọc Lời và Trần Đình Minh với robot cá

Phòng thí nghiệm robot của Open Lab thuộc Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có khá nhiều sáng chế của sinh viên như máy đóng học phí, robot công nhân, robot cá... Trong đó, robot cá của hai bạn sinh viên Phạm Ngọc Lời và Trần Đình Minh có khả năng bơi dưới nước sâu 1m để giám sát nguồn nước. Dù sản phẩm có tính ứng dụng trong cuộc sống nhưng nhóm nghiên cứu cho biết vẫn chưa tính đến việc thương mại sản phẩm. Theo bạn Phạm Ngọc Lời: “Mấy anh khóa trước nghiên cứu rồi cũng bảo vệ nhưng sau đó các anh phải đi làm nên cất sản phẩm vào kho, chứ chưa thương mại hóa nó. Nhiều sản phẩm tại Open Lab cùng các công trình có giá trị nhưng vẫn cất vào kho vì cũng chưa tính đến chuyện phát triển”.

Chất lượng thấp, khó tìm hỗ trợ

Nguyên nhân được các bạn sinh viên nhận thấy là do ít người biết đến những sáng chế của sinh viên. Bạn Trần Đình Minh, sinh viên năm 4, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Một số sản phẩm chưa được chất lượng, tụi mình là sinh viên nên còn hạn chế để phát triển. Khi một sản phẩm chưa đạt chất lượng thì nhà đầu tư rất ngại để hỗ trợ”.

Một lý do khác được bạn Phạm Ngọc Lời cho biết: “Lúc mình đầu tư nghiên cứu chỉ có đam mê thôi chứ chưa biết thương mại hóa như thế nào. Do kinh phí của sinh viên và một ít đầu tư của trường nên chất lượng rất thấp, các doanh nhân không chú ý”.

Không chỉ trường hợp của hai bạn Phạm Ngọc Lời và Trần Đình Minh, hiện nhiều sản phẩm sáng chế của sinh viên tại các trường đại học cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng bộ môn cơ điện tử ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng “Sản phẩm sáng chế của sinh viên muốn thuyết phục đầu tư của các tổ chức phải đáp ứng nhu cầu ứng dụng trong đời sống. Đề tài muốn được sống thì phải xuất phát từ cuộc sống. Tuy nhiên hiện tại đề tài của một số bạn sinh viên chỉ thỏa niềm đam mê thôi và đề tài quá bay bổng. Chúng ta cần phải có định hướng để sinh vên vừa thỏa niềm đam mê vừa đáp ứng được cuộc sống”.

Cũng có sản phẩm sáng chế từ thời sinh viên nhưng anh Đoàn Thiên Phúc đã chủ động hơn trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau khi giành giải thưởng tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ TP.HCM 2010, Đoàn Thiên Phúc cùng nhóm bạn sáng lập công ty sản xuất phần mềm thiết bị định vị và quản lý xe máy.

Theo anh Phúc: “Sinh viên khó tìm đầu ra cho sản phẩm, một phần còn là do sáng chế chưa phản ánh được nhu cầu sử dụng của người dùng. Các bạn thường rơi vào trường hợp là tạo ra sản phẩm mà các bạn rất thích nó. Tuy nhiên không phải người sử dụng nào cũng thích. Do đó, các bạn cần giải quyết được bài toán này và hoàn thiện mô hình cũ”.

XcNX41br.jpgPhóng to
Một sản phẩm của sinh viên đang cần hỗ trợ

Cần có cơ chế chuyển giao sản phẩm

Trước thực trạng này, anh Phúc cho lời khuyên khi sinh viên thấy được tương lai của sản phẩm, cần chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn để phát triển sản phẩm. “Chúng tôi thường tìm kiếm mạnh thường quân đầu tư sau cuộc thi, tìm kiếm thực hiện sản phẩm mẫu và quyết tâm định hướng phát triển sự nghiệp thật sự. Những vườn ươm doanh nghiệp hoặc trung tâm khởi nghiệp sẽ giúp các bạn sinh viên giải quyết vấn đề kinh phí”.

Từ phía sinh viên, bạn Phạm Ngọc Lời đề xuất: “Mình hi vọng là các đoàn thể tổ chức cuộc thi, triển lãm nhiều hơn nữa để mình có thể giới thiệu sản phẩm cho mọi người. Với các sản phẩm chất lượng, mình mong sẽ có doanh nghiệp hỗ trợ bọn mình để có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm trong cuộc sống”.

Ngoài ra, một giải pháp khác do PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh đưa ra là: “Các cơ quan cần hỗ trợ thêm vì sinh viên còn phải đảm bảo việc học nên khó tự thân vận động. Chúng ta cần phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học. Tuy nhiên hiện nay mối quan hệ giữa các nhà này vẫn chưa có điểm chung nên không chuyển giao được công nghệ. Cho nên chúng ta phải có một cơ chế để có thể chuyển giao các sản phẩm”.

Hằng năm nhiều sản phẩm sáng chế của sinh viên vẫn góp mặt thường xuyên trong các cuộc thi sáng tạo trẻ. Một số sản phẩm còn đoạt giải thưởng do tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Nếu không có định hướng phát triển rõ ràng, sản phẩm sáng chế của sinh viên đa phần chỉ dừng lại mức đồ án cho thỏa đam mê.

bqTBi0zg.jpg

Áo Trắng số 22 ra ngày 1/12/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 VŨ EM (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sáng tạo sáng chế