01/06/2021 13:52 GMT+7

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Ngay năm đầu của thời sinh viên, hoàn cảnh thiếu thốn khiến tôi loay hoay với những tính toán thực tế nhiều hơn là chăm chút cho sự lãng mạn.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói - Ảnh 1.

Một lối đi dưới tán thông trong khuôn viên Đại học Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Ngày ấy, khuôn viên Trường đại học Đà Lạt có dốc đồi, rừng thông, sương khói, lối mòn quanh co như một Đà Lạt thu nhỏ. Điều đầu tiên mà những tân sinh viên cần rèn luyện là làm sao cho thùy đỉnh của não định vị được chính xác nơi chốn các giảng đường để không bị lạc lối.

Từ giấc mơ rơi xuống

Sau cơn mưa dài của một buổi chiều cuối tháng 6, "thành phố buồn" ẩm ướt, ủ dột và thụ động. Trên con đường quanh co đi qua các khu giảng đường, có một cậu thí sinh ốm nhom, ướt lạnh, bước đi liêu xiêu. Tâm trí cậu đang băn khoăn với câu hỏi nếu được đậu vào trường đại học này thì sẽ nằm trên đồi cỏ nào để đọc sách, chọn ghế đá nào để hẹn hò? Tuyệt nhiên viễn cảnh ấy không có chỗ cho áp lực của học phần, tín chỉ phải hoàn thành, cũng không có chỗ cho cái đói mãn tính sẽ xảy đến.

Tôi bỏ giấc mơ thi vào Nhạc viện và khoa báo chí tại TP.HCM để chỉ đánh cược tương lai cho kỳ thi vào sư phạm Đại học Đà Lạt. Hay không bằng hên, tôi vừa đủ điểm đậu trong khi ngành sư phạm chính quy được hưởng chế độ miễn giảm học phí, hứa hẹn có việc khi ra trường nên thí sinh các tỉnh nghèo miền Trung thi vào rất đông, tỉ lệ chọi rất cao.

Tôi không sao quên được cảm giác lâng lâng hạnh phúc trong cái buổi sáng mùa thu mát dịu, cánh cổng sơn xanh được mở ra, phía trước là vùng trời trong, con đường trải nhựa sạch sẽ len dưới hai hàng tùng và liễu rũ thẳng tắp như đội lễ binh hoàng gia đón chào các tân sinh viên bước vào ngôi giảng đường trầm mặc. 

Khung cảnh buổi khai trường ở một đại học xứ cao nguyên như một thánh đường được điểm tô thêm bởi những rào hoa hồng tỉ muội nở rộ từng chùm ven lối đi, những bờ dã quỳ thắp lên những đóa vàng tươi đầu tiên cho một mùa thu mới. 

Dưới những tán thông cổ thụ, tôi nghe những giọng nói sinh viên từ các vùng miền làm quen, hỏi thăm, những lời mời mọc chia nhau một suất phòng ký túc xá, những lời rủ rê chia nhau một gian phòng trọ...

Trong nỗi vui, cái lãng mạn của buổi sáng đầu tiên ở giảng đường, đã nhen nhóm những lo âu áo cơm thực tế của bốn năm đèn sách.

Chúng tôi thuộc thế hệ sinh cuối thập niên 1970 khi chiến tranh đã đi qua, ngày ấu thơ đa phần còi cọc trong đói kém của thời bao cấp, thời trưởng thành trong sự trở mình của đổi mới và còn biết bao dịch biến phía thời cuộc trước, nhưng chung quy mỗi người được hoàn cảnh bù đắp cho một năng lực cao trong thích ứng, xoay xở để sinh tồn.

Ngay năm đầu của thời sinh viên, hoàn cảnh thiếu thốn khiến tôi loay hoay với những tính toán thực tế nhiều hơn là chăm chút cho sự lãng mạn. Khi "gói viện trợ" gia đình ngày càng eo hẹp, tôi thường xuyên đến giảng đường trong tình trạng bụng rỗng. 

Nhiều bạn bè đến từ các tỉnh nghèo miền Trung cũng chung số phận. Tóc dài không dám cắt vì cái ăn thì quan trọng hơn vẻ bề ngoài. Buổi sáng nhịn ăn sáng (cho nên mùi bánh mì xíu mại Đà Lạt thơm đến tận giấc mơ tôi hôm nay), buổi trưa khẩu phần cơm không có gì ngoài rau trộn và canh "đại dương" (nước nhiều hơn cái), buổi tối có mì tôm Miliket lót dạ đã là sang, thế mà theo đuổi mộng văn chương.

Tôi phải cắt xén giờ học để đạp xe đi lấy tin cộng tác cho các báo Sài Gòn kiếm thêm thu nhập. Cứ mười tin gửi đi chỉ được đăng một. Các bạn tôi, đứa dạy thêm (tìm được chỗ dạy thêm là may mắn), đứa gói nông sản cho các công ty thu mua (nhiều bạn gái ngâm tay trong nước lạnh nhiều giờ, đến lóc cả móng), đứa chạy bàn cho quán cà phê...

Tất cả là để những buổi chiều đi học về không đói đến mức phải lén lút leo rào đi nhổ cà rốt, bắp cải hay hái su su... của những nhà vườn ăn cho qua bữa.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói - Ảnh 2.

Bút nhóm Phượng Tím đi đóng phim - Ảnh tư liệu

Thư viện, giảng đường, yêu đương

Tôi né tránh các cô gái học cùng khoa. Con gái học văn với tôi thì quá "rắc rối", không nên dây vào. Vậy là những ghế đá, bãi cỏ dưới tán thông bên các giảng đường đã chứng kiến bao cuộc hẹn giữa một cậu sinh viên khoa văn lãng đãng với những tiểu thư Đà Lạt đến từ khoa quản trị kinh doanh hay ngoại ngữ (phải nói là nữ sinh hai khoa này hồi ấy đa phần là đẹp và hiện đại!). 

Các cuộc hẹn hò thường là kết quả của một quá trình thăm dò theo môtíp truyền thống: "chung một đường kẻ trước người sau" khá lâu mới đi đến gặp gỡ chuyện trò. Nhưng buồn thay, hầu hết thì không thể có cuộc hẹn thứ hai, chỉ vì nam chính trong câu chuyện chẳng có gì chinh phục người đẹp ngoài những bài thơ cắt ra từ trang báo. 

Chỉ biết tự an ủi rằng thôi thì trước đó, mỗi bài thơ tình đã làm xong sứ mệnh: nhuận bút đủ trả một tháng phòng trọ ở ghép hay nửa tháng tiền bánh mì xíu mại buổi sáng.

Trong cái thế giới được phủ lên bởi sự lãng mạn, đầy khát vọng và có chút hoang tưởng của những sinh viên khoa văn thời đó, không thể không nhắc đến sinh hoạt của những bút nhóm. Một phần cũng bởi chẳng có gì phân tán tâm trí chúng tôi ngoài việc học, đọc sách, tập tành viết lách và tìm hội nhóm để cùng nhau chia sẻ đam mê.

Khung cảnh thơ mộng, cuộc sống bình lặng, các sinh viên yêu văn chương Đà Lạt ưa thích tụ tập trong các bút nhóm nho nhỏ. Ngày đó, trong sinh viên ngữ văn có bút nhóm Phượng Tím. Tôi rón rén dò tìm địa chỉ và gửi... đơn xin gia nhập, được trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất và các chị rất cưng. 

Mỗi tuần chúng tôi tụ họp ở bãi cỏ trước khu giảng đường trung tâm A25 để đọc những bài thơ, truyện ngắn mới, khoe những bài đăng báo hoặc ra quán cà phê nói chuyện văn chương say sưa mặc cho quyển... sổ ký nợ của chủ quán dày lên từng ngày.

Riêng việc đọc sách thư viện thì vào cuối thập niên 1990, thế hệ chúng tôi vẫn còn được thừa hưởng khá nhiều sách cũ từ thư viện Viện Đại học Đà Lạt trước 1975. Ngoài đói ăn, sinh viên Đà Lạt còn lo đói sách. Tôi cứ chực chờ những cuốn sách văn chương gây dư luận thời ấy được về tới thư viện và đến lượt mình mở ra đọc ngấu nghiến. 

Sau những giờ học văn chương và sư phạm với những bộ giáo trình gây buồn ngủ đến muồi người, thì thật may, một thư viện sách báo phong phú đã cho tôi hình dung về thế giới sống động bên ngoài.

Tôi đã không để cho mình rơi vào cơn đói sách và đói thông tin.

Ngày ngày, trụ tháp chuông cao 38m hình khối tam giác với khu giảng đường trung tâm theo lối kiến trúc tân kỳ, những khu nhà khối ngũ giác như những viên kim cương đính trên những ngọn đồi xanh đổ bóng lên cuộc sống của một lũ sinh viên thiếu thốn, ảo tưởng và ngác ngơ khát vọng. Câu chuyện về cây thập tự ẩn trong ngôi sao của tháp trung tâm, hình ảnh vệt sơn ở giảng đường Thống Nhất hay bánh xe tri thức của Viện đại học Thụ Nhân trước 1975 còn lại... là những dấu vết tiền thân của một thời kỳ giáo dục vàng son đã qua. Chúng lặng lẽ dẫn dắt những cuộc khám phá về phần lai lịch bị lãng quên của ngôi trường và thành phố.

Hơi thở trong trẻo và cả vẻ u hoài của chúng đã âm thầm thắp lên trong chúng tôi ngọn lửa ấm áp, vô tư và nhiệt huyết của lòng hiếu tri, định hình tương lai của những kẻ vào đời với giấc mộng văn chương trỗi vượt trên những đời riêng thiếu thốn...

Niềm vui ngắn ngủi

May mắn, có lúc cả bút nhóm được mấy ông đạo diễn Sài Gòn lên rủ rê đi đóng vai quần chúng trong các bộ phim. Ít ai biết rằng chúng tôi, những cô cậu sinh viên ốm đói nhưng thừa mơ mộng của khoa văn, từng góp mặt trong các phim như: Những đứa con thành phố, Mùa phượng tím... Cátsê đủ một phiếu cơm tháng và có khi vinh dự được mấy ông chủ nhiệm phim từ Sài Gòn lên đãi đi ăn nhà hàng hay gặp gỡ những diễn viên nổi tiếng. Rồi đâu vào đó, nền điện ảnh đã gọi tên và bỏ rơi chúng tôi như thế.

---------------------------

Ai cũng có quê nhà, ai cũng có trường học đầu tiên. Nhưng mấy ai có được niềm vui ngỡ ngàng khi thấy những ngôi trường đầu đời của mình sau hơn 50 năm bể dâu vẫn còn đó.

Kỳ tới: Trường làng trong phố

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 5: Những Sân trường kỷ niệm - Kỳ 5: Những 'lớp học treo' ngày đầu hòa bình

TTO - Tháng 4-1972, tỉnh Quảng Trị chỉ mới giải phóng đến Thành cổ Quảng Trị, còn phía nam tỉnh, huyện Hải Lăng vẫn thuộc chính quyền Sài Gòn.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên