Đêm trước đổi mới
Sản phẩm tiết kiệm <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Phóng to |
Trước hết là bì thư tiết kiệm. Bưu điện ban đầu có bán bì thư nhưng rồi sau đó hiếm thấy. Mọi người viết thư cho nhau phải tự tạo lấy bì thư, vì vậy nhân viên bưu điện gặp đủ kiểu, đủ dạng phong bì, sắp xếp đóng dấu mất nhiều thời gian. Nhiều bì thư dùng giấy đã viết 1 mặt. Các cơ quan thì tận dụng giấy báo, giấy đã in cả 2 mặt làm phong bì rồi cắt một miếng giấy trắng nhỏ để ghi nơi gửi, nơi nhận. Cô văn thư vụng tay hoặc do vội, nên có nhiều chiếc bì méo mó, chẳng đẹp chút nào.
Vải rất hiếm, nên có những thứ trong cửa hàng bách hóa của mậu dịch được gắn thêm 2 chữ “tiết kiệm” vào phía sau: Mền bông tiết kiệm, vỏ chăn tiết kiệm, vỏ gối tiết kiệm...
Mền bông tiết kiệm màu đen đen, nâu nâu, xanh xanh lẫn lộn, chứ không trắng như mền bông thông thường. Nó do vải vụn được làm tơi trở lại thành bông. Mền này không đẹp thì đã rõ, lại mau xẹp. Tuy nhiên, có nó cũng xua bớt cái rét trong mùa đông giá lạnh.
Những miếng vải vụn còn được cắt thành hình tam giác đều nhau rồi dùng máy khâu ghép lại thành hình vuông cũng đều nhau, và may ghép tiếp thành tấm vỏ chăn để bọc ngoài những tấm mền tiết kiệm kể trên. Đắp vỏ chăn này thì ấm lắm, nhưng rất nặng. Ai yếu tim thì dễ bị bóng đè. Giặt vỏ chăn này thật khó, nó ngấm nước vào, nặng trình trịch, phải nhờ người khỏe tay giúp sức mới vắt được, và phải chọn dịp nắng to.
Cũng loại vải tiết kiệm này, người ta còn tạo ra vỏ gối, túi xách tay giản đơn. Bỏ cuốn sổ công tác vào túi, đeo vào tay lái xe đạp, đi họp, trông cũng xinh xinh (!).
Lại còn có đồ gỗ đóng bằng gỗ tiết kiệm nữa. Đó là những bộ bàn ghế, những chiếc giường có một số bộ phận được ghép bằng những thanh gỗ nhỏ đầu thừa khi sản xuất các vật dụng khác. Có cả những bộ “xa-lông” đóng theo cách này. Các “trang bị nội thất” loại này giá vừa rẻ, lại bán tự do, không phải xin phân phối! Còn nhiều thứ hàng tiết kiệm khác nữa.
Giá như những thứ hàng tiết kiệm kể trên được đưa vào bảo tàng về thời bao cấp, để cười vui và để nhắc nhở mọi người đừng vung tay xa hoa lãng phí quá mức như hiện nay.
VĂN TIẾU (Lào Cai)
Con bò kéo xe
Hồi đó 5, 6 xã mới có 1 bưu điện trung tâm, và chỉ bưu điện ấy mới có điện đài để liên lạc đường dài, được gọi là đánh dây thép hoặc đánh điện tín. Chỉ khi có việc phải gọi người thân đi xa về gấp, hoặc gọi người nhà đến nơi người thân đi xa gấp, người ta mới đánh điện tín. Điện tín được phân làm 2 loại: điện khẩn và điện thường. Nhưng điện nào cũng đi theo một con đường giống nhau. Một nửa đi theo đường điện tín đến các bưu điện trung tâm. Nửa chặng đường còn lại đi theo đường... bộ. Đường bộ lại được chia làm nhiều chặng. Chặng từ bưu điện trung tâm về xã do cán bộ xã đảm trách, từ xã về xóm do cán bộ xóm đảm trách. Cán bộ xóm lại nói ông không biết đọc điện tín, nên có khi ông ngâm vài ngày mới đưa cho chủ nhân của nó.
Thông thường, điện tín khẩn, nhanh nhất cũng mất 2 ngày mới đến tay người nhận. Công việc lỡ có qua rồi, người nhận điện chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay, chứ chẳng dám trách ai. Chả biết tác giả dân gian nào đã “đẻ” ra bài đồng dao vui vui để an ủi những người lỡ nhận được điện tín rùa bò thời đó.
Tôi xin chép lại bài đồng dao đó để bạn đọc thời truyền thông kỹ thuật số hiểu nỗi khổ của ông cha ta thời truyền thông “căng hải” (hai cẳng):
Bố mày chết trên cầu Việt Trì
Đêm 30 đánh điện về nhà Gọi cả nhà mày đi đám ma
Ò í e, con bò kéo xe...
“Con bò kéo xe” là thực trạng của điện tín thời truyền thông “đô bị” (đi bộ) đấy!
ĐINH HUYỀN CHIÊNS (Ninh Bình)
Phóng to
Tuổi Trẻ Cười số 345(ra ngày 1-12-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận