26/02/2014 07:00 GMT+7

"Sản phẩm giáo dục có chi tiết lỗi"!

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Câu chuyện thầy giáo tát tai học trò trên bục giảng và bị học trò tấn công chưa dứt thì lại thêm vụ thầy giáo khác tát học sinh đến thủng màng nhĩ phải nhập viện. Câu chuyện buồn ấy có lẽ không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Thầy - trò đánh nhau, đạo lý trôi về đâu?Học sinh lớp 8 bị thầy giáo đánh thủng màng nhĩ"Sốt" với clip thầy trò đánh nhau trên bục giảng

tdBXKXBH.jpgPhóng to
Trang bị kỹ năng cho sinh viên đã và tiếp tục được tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên tập trung trong thời gian tới. Trong ảnh: các sinh viên tham gia trại huấn luyện kỹ năng do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Q.L.

Toàn thầy giáo còn rất trẻ. Người ta dễ đặt câu hỏi: phải chăng vì non tay nghề, yếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng nên mới hành xử như vậy? Và vì các thầy còn trẻ quá nên dư luận cũng dễ cảm thông, gác lại để chừa cho các thầy con đường trở về.

Ai cũng nhìn nhận chuyện thầy đánh trò, trò bật lại thầy là không đúng, phản sư phạm. Ai cũng biết chẳng có nhà trường nào dạy những nhà giáo tương lai suốt bốn năm trên giảng đường kiểu hành xử không chỉ là thiếu kiềm chế mà còn có phần... thô lỗ như thế. Và bất kể là thầy, cô nào dù có nhận ra lỗi của mình sau khi đã xuống tay thì đó cũng mãi là vết hằn trong cuộc đời làm thầy của mình mà không dễ gì quên được.

Thầy giáo ấy đã tự nhận hình thức kỷ luật sa thải và quyết định cũng đã được đưa ra. Nhưng ở đây câu chuyện cũng nóng không kém khi một luồng ý kiến của không ít người đang làm công việc đào tạo ra những nhà giáo lại lên án hành động của thầy giáo trẻ nọ. Sự lên án biểu thị thái độ không đồng tình là đương nhiên. Song nếu tĩnh lại một chút, liệu chính những người đang nhận nhiệm vụ đào tạo ra những thầy cô giáo tương lai có thấy phần trách nhiệm của mình trong hành vi đánh học trò của thầy giáo ấy?

Giảng viên một trường đại học sư phạm bảo rằng chị day dứt vô cùng khi xem clip ấy. Chị bảo đừng đổ lỗi do thiếu kiềm chế, cũng đừng nói mới ra trường ít kinh nghiệm và càng không thể đẩy hết trách nhiệm rằng tại trò hư. Điều khiến chị bức xúc hơn là nhiều đồng nghiệp của chị cùng đồng loạt lên án thầy giáo kia, mà không mấy ai nhận ra mình cũng có trách nhiệm khi đã vô tình cung cấp cho xã hội một “sản phẩm giáo dục có chi tiết lỗi”. Theo chị, phải nhìn câu chuyện này như lời cảnh tỉnh cần thiết, để xem lại trong tổng thể khung chương trình đào tạo cho ra đời một nhà giáo, để không còn những câu chuyện đau lòng tương tự.

Đúng là không thể đổ lỗi hết cho người làm công tác đào tạo của trường sư phạm. Song ở đây không gì khác ngoài câu chuyện của kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống. Điều này không chỉ ở nơi đào tạo ra giáo viên mà trong rất nhiều môi trường đào tạo khác cũng đang trống, trống khá nhiều. Bằng chứng rõ nhất chính là những lời ta thán của nhà tuyển dụng, là việc vuột mất cơ hội của chính ứng viên chỉ vì họ thiếu kỹ năng, trong khi chuyên môn là điều không cần bàn. Mà thiếu kỹ năng thì hoàn toàn có cách để lấp đầy, có phải là gì quá khó đâu!

Để không còn những “sản phẩm giáo dục có chi tiết lỗi” thì không chỉ là lên án, biện minh mà phải hành động và thay đổi ngay khung chương trình, chí ít là phải cập nhật một số kỹ năng cần thiết như môn học tất yếu, không chỉ dành cho đào tạo nhà giáo mà phải cho cả các ngành nghề khác. Mà điều này đã nói rất nhiều rồi, giờ là lúc phải làm thôi.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên