15/06/2013 06:09 GMT+7

Sân Mỹ Đình "làm giá"?

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Con số 1,5 tỉ đồng tổ chức trận đấu giữa tuyển VN - Arsenal do khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đưa ra đã khiến LĐBĐ VN (VFF), ban tổ chức trận đấu là Eximbank, HAGL phản ứng gay gắt vì mức giá vô lý...

TT - Con số 1,5 tỉ đồng tổ chức trận đấu giữa tuyển VN - Arsenal do khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đưa ra đã khiến LĐBĐ VN (VFF), ban tổ chức trận đấu là Eximbank, HAGL phản ứng gay gắt vì mức giá vô lý...

Đây không biết đã là lần thứ bao nhiêu mâu thuẫn về việc thuê sân Mỹ Đình làm địa điểm thi đấu cho đội tuyển VN xảy ra giữa VFF và khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Mâu thuẫn ngày càng gay gắt trong vài năm gần đây khi Bộ VH-TT&DL chính thức cho đơn vị này tự chủ về tài chính và mới đây bộ lại ra quyết định đưa khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình từ Tổng cục TDTT về trực thuộc bộ. VFF, Tổng cục TDTT không còn tiếng nói đối với ban quản lý khu liên hợp. Trong khi đó, vai trò quản lý của Bộ VH-TT&DL với khu liên hợp thể thao quốc gia chưa được thể hiện.

“Nhà có giỗ, bố mẹ tiếp khách cũng phải cho con cái ăn chứ”

Đó là phát biểu của ông Cấn Văn Nghĩa, giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, với báo giới trong cuộc gặp ngày 14-6 xung quanh câu chuyện khu liên hợp đòi ban tổ chức trận đấu VN - Arsenal 1,5 tỉ đồng thuê sân để tổ chức một trận đấu diễn ra tối 17-7 và một buổi đá tập của CLB Arsenal vào chiều 16-7. Dù hợp đồng giữa sân Mỹ Đình và VFF chưa được ký kết, tuy nhiên mức giá 1,5 tỉ đồng cho sự kiện này đã được đại diện sân Mỹ Đình thông báo đến tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng và phó tổng thư ký Nguyễn Minh Châu trong lần làm việc mới đây.

Ông Nghĩa cho rằng ông không quan tâm đến việc Eximbank, HAGL phải mất bao nhiêu tiền hay lỗ bao nhiêu để đưa Arsenal về VN. Ông cho rằng các nhà kinh tế siêu đẳng như HAGL, Eximbank thừa biết tính toán lỗ lãi của những trận đấu này ra sao. Ông Nghĩa cho biết không đời nào Arsenal chịu thay đổi địa điểm trận đấu. Eximbank và HAGL có vì 1,5 tỉ đồng tiền thuê sân mà hủy trận đấu ông cũng chẳng mảy may quan tâm.

Ông Nghĩa nói: “Giờ Mỹ Đình tự chủ tài chính, chúng tôi phải “bới đất, lật cỏ” mỗi năm lấy mấy chục tỉ đồng để phục vụ duy tu bảo dưỡng, trả tiền lương cho 200 nhân viên... Ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL), ông Lê Hùng Dũng (Eximbank) đang xung trận trên mặt trận xã hội hóa thừa hiểu chuyện đó. Nguyên tắc tối thiểu của một nhà tổ chức trận đấu, khi họ muốn tổ chức một sự kiện họ phải tính toán hai vấn đề: chi phí cho đối tác, chi phí cho công tác tổ chức. Thế nhưng khi tổ chức, họ không thèm hỏi chúng tôi cần gì để tổ chức trận đấu này.

Để chuẩn bị cho trận đấu, chúng tôi phải sơn lại 4.800m2 mặt trong của sân, nâng cấp cỏ, làm mới phòng chức năng... tốn hết hơn 1 tỉ đồng rồi. Những trận đấu bình thường chúng tôi chỉ thu 100-200 triệu đồng và phải gánh lỗ là chính. Thế nhưng trận đạt đỉnh như với Arsenal thì vừa là chuyên môn vừa là kinh doanh nên ban tổ chức phải chia sẻ với chúng tôi. Họ thu đến 40 tỉ đồng cả tiền bán vé, tiền bán bản quyền truyền hình, biển quảng cáo thì cũng phải chia sẻ để chúng tôi có tiền duy tu bảo dưỡng chứ. Nhà có giỗ, bố mẹ tiếp khách phải cho các con ăn chứ hay cho các con nhịn. Nếu sòng phẳng đúng nghĩa là ban tổ chức trận đấu thuê sân Mỹ Đình, lẽ ra chúng tôi còn phải được chia sẻ cả lợi nhuận, chia sẻ cả tiền bán quảng cáo. Chúng tôi nai lưng ra làm nhưng tiền không có, người khác đến sử dụng cứ như nhà không chủ thế mà được à”.

Khi được hỏi có phải chi phí cho một trận đấu với Arsenal hết 1,5 tỉ đồng không, ông Nghĩa cho rằng đó là tính cả kinh phí duy tu bảo dưỡng mặt sân, sơn cho cả kế hoạch trong năm 2013 của sân Mỹ Đình. Mấy năm mới có một trận đấu như với Arsenal nên theo ông Nghĩa, ban tổ chức trận đấu phải bỏ tiền tương xứng để giúp Mỹ Đình có tiền duy tu chứ không phải chỉ sơn, chăm sóc cỏ cho trận đấu này đã hết bấy nhiêu tiền.

Chi phí tối đa không quá 300 triệu đồng/trận

Ngày 14-6, một lãnh đạo cũ của khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã liên lạc với Tuổi Trẻ và cho biết đó là số tiền vô lý. Vị này nói: “Khi làm quản lý tại khu liên hợp, tôi và ban giám đốc khu liên hợp đã tính toán nát óc để đưa ra chi phí chi tiết cho mỗi trận đá bóng được tổ chức. Nếu tính tất cả tiền điện, nước, hóa chất, vệ sinh... mỗi trận đấu tiêu tốn không quá 300 triệu đồng. Tuy nhiên sân Mỹ Đình là sân vận động quốc gia, là tài sản nhà nước nên các trận đấu của đội tuyển đá trên sân Mỹ Đình là việc đương nhiên. Việc tạo điều kiện tốt nhất cho các trận đấu của đội tuyển là trách nhiệm của ban quản lý khu liên hợp, trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL. Không thể mang lời lãi ra để cân đo với những trận đấu quan trọng như trận tuyển VN gặp Arsenal vì đây còn là thể diện quốc gia”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, cho biết không có chuyện Eximbank và HAGL hủy trận đấu với Arsenal vì vấn đề sân bãi. Ông Dũng nói: “Đây là trận đấu mang ý nghĩa danh dự với đội tuyển VN và là niềm mong đợi của người hâm mộ VN. Eximbank và HAGL đã cố gắng hết sức để đưa Arsenal đến VN với số kinh phí rất lớn. Nếu sân Mỹ Đình cho rằng chúng tôi thu được lợi nhuận từ hoạt động này thì chúng tôi nhường lại quyền tổ chức cho sân Mỹ Đình để họ tự lo liệu, lỗ thì chịu còn lợi nhuận nếu có thì hưởng. Khu liên hợp cũng yêu cầu ban tổ chức trận đấu cung cấp 500 vé mời nhưng đã biết trận đấu này ban tổ chức muốn phát hành nhiều vé để người hâm mộ có nhu cầu đến sân. Do đó, nếu sân Mỹ Đình cần mời ai thì đưa danh sách, VFF sẽ chuyển giấy mời luôn”.

Ông Dũng cho biết thông thường một trận đấu VFF tổ chức ở Mỹ Đình giá chỉ khoảng 200 triệu đồng/trận. Nếu trận này sân Mỹ Đình lấy giá cao, ban tổ chức trận đấu có thể trả đến 600 triệu cho trận đá chính + một buổi tập của CLB Arsenal. Với giá 1,5 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần giá thông thường, theo ông Dũng, đó là điều vô lý.

Cùng ngày, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết ngày 17-6, lãnh đạo VFF sẽ có cuộc làm việc với Bộ VH-TT&DL để có ý kiến về việc sân Mỹ Đình “làm giá” với VFF. Ông Hỷ nói năm 2008 VFF cũng chỉ trả Mỹ Đình 200 triệu đồng để tổ chức trận đấu với Olympic Brazil. Cũng trong ngày, được biết đại diện Bộ VH-TT&DL đã có cuộc làm việc với khu liên hợp để có ý kiến về vấn đề này.

Mỹ Đình giảm giá thuê cho CLB

Ngược lại việc tăng giá khi cho VFF thuê sân Mỹ Đình để phục vụ đội tuyển, ban quản lý khu liên hợp lại đang giảm giá một số dịch vụ cho thuê tại đây. Một lãnh đạo CLB Hà Nội T&T - CLB đã thuê sân tập và nhà ở cho VĐV trong khuôn viên sân Mỹ Đình - cho Tuổi Trẻ biết: “Mới đây khi kinh tế khó khăn, ban quản lý khu liên hợp đã giảm 40-50% giá phòng ở của VĐV cho chúng tôi. Trước đây giá thuê hơn 200.000 đồng/phòng/ngày, giờ chỉ còn trên 100.000 đồng. Tôi cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc giảm giá cũng là chia sẻ của khu liên hợp với khách hàng”.

Sau khi ra quyết định đưa khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình từ Tổng cục TDTT về trực thuộc Bộ VH-TT&DL quản lý, theo ông Phan Đình Tân - người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, bộ đã phân công ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng, phụ trách quản lý hoạt động của khu liên hợp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ VH-TT&DL nói: “Đưa khu liên hợp về trực thuộc bộ là để phối hợp tốt hơn với ngành thể thao. Giờ bộ quản lý mà khu liên hợp không coi ngành thể thao ra gì, không làm việc được với thể thao thì bộ cũng phải xem lại việc quản lý. Sân Mỹ Đình là sân vận động quốc gia, tôi không hiểu sao người ta có thể thích thì đưa ra giá thấp, không thích thì nâng giá cho thuê cứ như sân nhà của ai đó để kinh doanh kiếm lời”.

K.XUÂN

K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên