TT - Từng là cái nôi náo nhiệt của bóng đá phong trào và học đường để cho ra đời nhiều danh thủ như Trương Tấn Bửu, Tam Lang, Phan Hữu Phát...,nhưng giờ đây sân Lam Sơn (đường Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM) bị chia cắt và hoạt động rất manh mún.
Quay về quá khứ, sân Lam Sơn vốn được người Pháp xây dựng trong khuôn viên Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) với diện tích hơn 1,5ha. Sau năm 1975, UBND Q.5 giải tỏa người dân lấn chiếm để phục hồi sân và giao sân cho Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Q.5 quản lý từ năm 1978. Tuy nhiên, tranh chấp “chủ quyền” sân đã nổ ra giữa Trường Lê Hồng Phong và Trung tâm TDTT Q.5 khiến các hoạt động thể thao ở sân Lam Sơn dần trở nên manh mún.
Sân Lam Sơn từng hoang phế vì tranh chấp
Năm 1992, Trung tâm TDTT Q.5 xây dựng hồ bơi Lam Sơn trong khuôn viên sân và hoàn thành vào năm 1994. Hoạt động chưa bao lâu thì Trường THPT Lê Hồng Phong kiến nghị đây là đất thuộc quyền sử dụng của trường nên đòi lại. Cuộc tranh chấp này khiến sân Lam Sơn một thời gian dài giống như bãi đất bị bỏ hoang, tất cả hoạt động phong trào, nhất là môn bóng đá, gần như lụi tàn.
Trong hoàn cảnh này, UBND TP.HCM đã vào cuộc và ra quyết định (ngày 4-6-1999) chia sân Lam Sơn thành ba khu đất nhỏ: khu hồ bơi tiếp tục do Trung tâm TDTT Q.5 quản lý (5.717m2), hơn 1/2 sân bóng cũ giao lại Trường Lê Hồng Phong (8.679m2), còn phần mặt tiền do Hợp tác xã mua bán Q.5 khai thác (1.157m2).
Chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước hoạt động thể thao đìu hiu thời điểm hiện tại khi dạo một vòng quanh sân Lam Sơn. Trường Lê Hồng Phong vừa cho xây dựng bốn sân bóng mini cỏ nhân tạo để phục vụ học sinh và cho thuê đá bóng (từ tháng 6-2012). Tuy nhiên, bốn sân này đã bị khuất đằng sau quán nhậu, người chơi bóng muốn vào cụm sân này phải đi vào một con hẻm nhỏ.
Nếu không để ý, người đi đường không thể nhận ra hồ bơi Lam Sơn bởi các cửa hàng dụng cụ TDTT, quán nhậu chiếm toàn bộ vị trí mặt tiền. Con đường vào hồ bơi Lam Sơn (22x80m) bị bó hẹp chỉ còn khoảng 8m bởi nó được cho thuê kinh doanh các hoạt động như mở quán cà phê vỉa hè, buôn bán dụng cụ TDTT, làm bãi giữ xe máy và ôtô rất tạm bợ. Ông Quốc Hùng - giám đốc Trung tâm TDTT Q.5 - cho biết: “Ngoài khu vực hồ bơi, chúng tôi được UBND Q.5 cho phép kêu gọi đầu tư từ nhiều năm qua. Trắc trở nằm ở chỗ kinh tế khủng hoảng nên chưa thể tìm được đối tác để xây dựng, nâng cấp thành cơ sở TDTT có tầm cỡ để phục vụ nhu cầu rèn luyện thể thao cho quần chúng và học sinh”.
Nỗi buồn thể thao TP.HCM
Ở đây, chúng tôi không bàn chuyện ai đúng ai sai mà chỉ thấy đau trước thực trạng TP.HCM đang ngày càng thiếu những sân bãi dành cho hoạt động thể thao, thì một chỗ quá đẹp như sân Lam Sơn lại bị chia năm xẻ bảy. Vì diện tích bị chia cắt thành nhiều phần nhỏ, sân Lam Sơn không còn duy trì được hoạt động thể thao phong trào phong phú. Thật đáng buồn khi nơi đây từng là nguồn cung cấp cầu thủ cho nhiều đội bóng hàng đầu TP.HCM (chỉ thua Tao Đàn), nhưng giờ đây không có nổi đội bóng phong trào cho ra hồn. Các đội năng khiếu Q.5 từ lâu đã bị giải tán vì sân Lam Sơn “đóng băng” theo cuộc tranh chấp nói trên.
Cựu danh thủ bóng đá Phạm Huỳnh Tam Lang tâm sự: “Tôi xuất thân từ sân bóng đá Lam Sơn rồi may mắn có được căn hộ nhỏ nằm gần sân này. Nhưng giờ thì tôi không còn nhận ra được đó là nơi mình từng mải mê rượt đuổi theo quả bóng tròn bất kể thời gian. Thật đáng buồn khi cái sân bóng đầy ắp kỷ niệm ngày nào đã biến dạng hoàn toàn...”.
Tâm sự của ông Tam Lang cũng chính là câu chuyện buồn của sân Lam Sơn nói riêng và thể thao TP.HCM nói chung.
SĨ HUYÊN - TẤN PHÚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận