![]() |
Kim Oanh đã có thâm niên 15 năm ca hát |
Trót mang nghiệp dĩ
Năm lên 7 tuổi, Thái Thanh Hải đoạt giải nhất Tiếng hát thiếu nhi huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cậu bé có “giọng hát vàng” ấy thường xuyên xuất hiện trong những chương trình văn nghệ quần chúng của huyện. Năm 1989, nhà hát tỉnh An Giang mở cuộc thi Tiếng hát người Hoa, Hải nhờ một thầy người Hoa hướng dẫn anh cách phát âm và giai điệu bài hát tiếng Hoa Chú ve nhớ mẹ. Vượt qua nhiều đối thủ rất sõi tiếng Hoa khác, anh đoạt giải nhất trong lần thi đó.
Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, Hải chạy sô mỏi cả chân vì nhiều tụ điểm ca nhạc ở TP Long Xuyên mời anh hát. Giọng ca nam trung cùng lối trình diễn sinh động đầy biến hóa của Thái Thanh Hải đã làm các sân khấu ca nhạc mini sôi lên. Bao giờ anh và Phong Cầm cũng là người hát chủ chốt của chương trình. Nếu Phong Cầm hát mở màn để “kích” không khí lên thì Hải là người “bao sân”. Mỗi ca sĩ lúc đó chỉ hát hai bài nhưng trước sự tán thưởng của khán giả, Hải thường phải hát tới 4-5 bài, có đêm hơn thế nữa.
Giọng ca của anh đã vượt qua ranh giới của tỉnh nhà nên thỉnh thoảng được những tụ điểm ca nhạc ở TP.HCM mời lên hát, và Hải đã từng được thu album bài Tức Dụp lá chắn anh hùng. Chất lượng giọng hát và niềm đam mê ánh đèn màu sân khấu của giọng ca miền Tây này luôn song hành nhau. Nhạc sĩ Thanh Tầm, tác giả bài Tức Dụp lá chắn anh hùng, nhận xét: “Khi Hải hát, sân khấu như rực lửa bởi cách trình diễn nhiệt tình của y”. Chẳng thế mà anh được bạn bè tặng danh hiệu “ca sĩ của dòng đời”.
![]() |
Thái Thanh Hải, “ca sĩ của dòng đời” |
Đến năm 2002, Oanh chọn Vũng Tàu làm nơi gắn bó với nghiệp cầm ca chứ không phải đất Sài Gòn như phần lớn các đồng nghiệp ở tỉnh. Chính ở vùng đất biển, tên tuổi của Oanh càng được khẳng định khi cô đoạt giải nhì Tiếng hát phát thanh truyền hình Vũng Tàu năm 2003. Từ đó lịch hát của cô cứ ken dày… Song sau hai năm sống xa nhà hát ở thành phố biển cô lại về hát cho khán giả Tây đô. Đã có thâm niên 15 năm gắn bó với âm nhạc, trong khi nhiều người hát cùng thời với Oanh đã rẽ sang con đường khác, riêng cô vẫn bám trụ như cô tâm sự “đã trót mang lấy nghiệp vào thân”…
Vĩnh Thiện là một giọng ca trẻ mới nổi ở Tây đô. Năm 2000 sau khi lấy được bằng tú tài, Thiện bắt đầu khởi nghiệp ở những CLB hát với nhau của TP Cần Thơ dù chỉ là cộng tác viên, nghĩa là catsê không có, chỉ có một ly nước giải khát sau khi hát! Thấy không thể tiến xa hơn nữa nếu cứ tiếp tục hát “chùa” như thế, năm 2004 Thiện lên Sài Gòn để tìm cơ hội đột phá trên con đường mình đã chọn.
Thiện đến Nhà văn hóa Thanh niên học thanh nhạc, rồi học ký xướng âm, vũ đạo… với những thầy cô nổi tiếng khác. Sau một năm khổ luyện, giọng hát cũng như phong cách trình diễn của Thiện được nâng lên rõ rệt. Chàng trai giọng tenor này bắt đầu có mặt ở các quán bar nhỏ. Nhưng rồi Thiện chợt nhận ra vùng đất hứa này không thích hợp với mình nên anh quay về Cần Thơ, đầu quân cho ban nhạc sống Eden; vừa làm MC cho các chương trình của ban nhạc vừa là ca sĩ với những ca khúc nổi tiếng Hotel California, Hello, Careless whispers…
Đa số các giọng ca miền Tây tìm đến với ánh đèn sân khấu chỉ bằng niềm đam mê nhưng không đủ điều kiện để qua trường lớp chính qui nào cả. Minh Hiếu, một cộng tác viên ở quán Eden, là một ví dụ. Hiếu luyện giọng bằng cách nghe đi nghe lại băng đĩa của những ca sĩ có tên tuổi hoặc nhờ các bậc đàn anh đi trước, thậm chí cả các nhạc công chỉ dẫn. Kim Điệp ở Bạc Liêu, Khánh Hồng ở Cà Mau cũng chỉ luyện giọng tại gia như thế. Họ thu giọng mình vào băng đĩa rồi nghe tới nghe lui, tỉa tót cho tròn dần…
Giấc mộng nơi đất khách
![]() |
Vĩnh Thiện đang nổi với những ca khúc quốc tế |
Nhiều ca sĩ miền Tây đã ghi vào lý lịch ca sĩ của mình đủ những giải thưởng lớn, nhỏ mà không phải ca sĩ chuyên nghiệp nào ở TP.HCM cũng đạt được, và dù có chất giọng chưa chắc đã thua kém một số ngôi sao ca nhạc nhưng họ không vượt qua nổi số phận “bắt phong trần phải phong trần”; sau một thời gian “bơi” từ phòng trà này sang tụ điểm ca nhạc khác của Sài thành, họ đành ngậm ngùi rút về quê gửi lại giấc mộng nơi miền đất khách.
Trong khi những Kim Oanh, Tuấn Kiệt, Vĩnh Thiện… chỉ hát ở quán Eden, quán Anh Thy, du thuyền sông Hậu với giá bèo thì các sao từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long hát với catsê bạc triệu, lại được đưa đón rình rang, băngrôn quảng cáo treo đầy đường. Có đến với những đêm nhạc ở các CLB hát với nhau của Tây đô rồi đến sân khấu của các sao luôn có lượng người xem gấp hàng trăm lần mà thương cho những ca sĩ miền Tây!
Cũng vậy, đến Long Xuyên giờ muốn tìm một tụ điểm nghe nhạc sống đỏ cả mắt. Theo nhạc sĩ Phan Thành Phước, thập niên 1980 là thời vàng son của nhạc sống nơi đây nhưng đến giữa thập niên 1990 thì tàn lụi dần. Ca sĩ không có sân khấu để hát nên nghề ngày càng bị mai một.
Kim Oanh cứ nhớ hoài hai năm hát ở Vũng Tàu của mình: “Đó là thời hoàng kim trong 15 năm ca hát của Oanh. Ở đó vào những tối thứ năm đến thứ bảy khách rất đông. Có thể nói đó là một phố nhạc sống trải dọc theo bãi biển. Mỗi phòng trà là một loại nhạc, vì thế ca sĩ có thể chọn tụ điểm nào phù hợp với chất giọng của mình để hát; khách cũng thế, thích ca sĩ và nhạc sĩ nào thì cứ nhìn bảng xếp lịch mà đến. Ca sĩ có thể sống thoải mái với nghề bởi tiền catsê khá cao, giúp họ đầu tư quần áo, mỹ phẩm và dành tất cả thời gian cho việc luyện giọng... Giờ hồi tưởng lại, Oanh thèm được hát trong không khí như thế quá!” .
Giới yêu âm nhạc ở miền Tây đang cần lắm những sân khấu ca nhạc đích thực ở miền Tây, nơi gặp gỡ của ca sĩ, nhạc sĩ và người thưởng thức, nơi tổ chức những đêm nhạc với những “gu” khác nhau nhắm đến nhiều tầng lớp khán giả. Và qua đó ca sĩ sống được bằng chính nghề ca hát của mình. Ai sẽ là người làm việc đó?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận