02/02/2009 21:21 GMT+7

Săn cá mập - Kỳ cuối: Biển "bạc"

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
NGUYỄN ĐỨC TUYÊN

TT - “Biển nay cạn kiệt rồi” - rất nhiều ngư dân đã than như vậy với chúng tôi. Ngày xưa biển Đông nhiều cá mập, nay biển thiếu hẳn bóng những đoàn tàu câu nằm, câu khơi ầm ào vượt sóng đánh bắt cá như những thập niên 1970-1980. Biển cho bạc cho vàng nhưng giờ cũng “bạc như vôi” vì con người đối xử tệ với biển. Đó là hồi ức và cũng là trăn trở của những lão ngư câu cá mập phơ phơ đầu bạc mà chúng tôi đã có dịp gặp.

leGDJD8J.jpgPhóng to

Các ngư dân này cho biết luôn phải giong tàu ra khơi tận vùng biển giáp ranh các nước như Indonesia, Malaysia mới mong đánh bắt được nhiều cá - Ảnh: Đ.T.

TT - “Biển nay cạn kiệt rồi” - rất nhiều ngư dân đã than như vậy với chúng tôi. Ngày xưa biển Đông nhiều cá mập, nay biển thiếu hẳn bóng những đoàn tàu câu nằm, câu khơi ầm ào vượt sóng đánh bắt cá như những thập niên 1970-1980. Biển cho bạc cho vàng nhưng giờ cũng “bạc như vôi” vì con người đối xử tệ với biển. Đó là hồi ức và cũng là trăn trở của những lão ngư câu cá mập phơ phơ đầu bạc mà chúng tôi đã có dịp gặp.

Kỳ 1: 10 giờ quần nhau với... “cọp biển” Kỳ 2: Làng săn cá mập Kỳ 3: Ký ức biển khơi

Có tội với biển

Ông Trần Quảng Lạc, ngụ khu phố 3, phường Phước Hội, thị xã La Gi, đã có một thời tung hoành săn bắt cá mập. Thế nhưng ông Lạc cho biết nay ông đã bán tàu, không còn hành nghề một phần vì nguồn cá mập khu vực biển Bình Thuận đã giảm quá nhiều so với trước. Ông Lạc nói ông cũng tự cảm thấy lòng mình áy náy mỗi khi săn bắt mập cắt vi bỏ thây. “Giờ ngồi nhớ lại những năm 1970 săn mập mà còn rợn da gà. Lúc ấy mập nhiều, chỉ cần ra khỏi bờ 6-7 hải lý là thấy mập nên nhà nhà đua nhau đánh bắt. Mình đã làm biển nghèo đi thấy rõ. Nay có chạy tàu ra cả 7 hải lý cũng chỉ câu được bịch nilông là cùng” - ông Lạc trầm tư nói.

Một số loài cá mập, hay còn gọi cá nhám, có tên trong Sách đỏ VN (xuất bản năm 2000) cần được bảo vệ:

- Cá mập trắng (thuộc bộ cá nhám chuột) thường sống tại vùng biển gần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Bình Thuận và Côn Đảo.

- Cá nhám voi có ở các vùng biển như Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa, Bình Thuận và Vũng Tàu.

- Cá nhám đuôi dài có ở vùng vịnh Bắc bộ.

- Cá nhám lông nhung (ngư dân quen gọi mập xà bông) phân bố tại các vùng biển Bình Định, Bình Thuận.

- Cá nhám nâu có ở vùng biển vịnh Bắc bộ và các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận…

Cũng như ông Lạc, nhiều ngư dân làng chài thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý đã chia tay với nghề câu mập. Ngư dân Đặng Văn Ô với hơn 40 năm hành nghề đi biển tại Quý Thạnh cũng đang kêu bán hai chiếc tàu đã gắn bó với mình bao năm.

Chúng tôi hỏi vì sao không theo nghề câu mập nữa, ông Ô trả lời với vẻ đầy tâm trạng: “Cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, mình đánh bắt mập tàn bạo quá nên nay chúng đã giảm đi nhiều. Lúc ấy, chẳng thấy ai cấm hay khuyến cáo không được đánh bắt mập. Ngư dân chúng tôi cứ nghĩ chúng như những loài cá khác, cho nguồn lợi kinh tế lớn, thế là ào ạt đánh bắt. Giờ biết chúng cần được bảo vệ, mình cũng thấy có tội với biển”.

Bao năm đi biển ông Ô cũng nghiệm ra một điều: nghề biển là một trong những nghề cực khổ nhất. Biển cho tôm cho cá nhưng cũng chẳng biết sẽ lấy đi cả gia tài và tính mạng khi nào. Dù hai người con trai cũng rất yêu biển nhưng ông Ô nhất quyết bắt phải đến trường. Nay cả hai người con đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và đang học tiếp cao học. Ông Ô nói ông rất vui vì “mình đã chọn cho con con đường đúng”.

Song không phải ai cũng nghĩ như lão ngư Ô. Nhiều ngư dân ở làng chài Phước Hội, thị xã La Gi mà chúng tôi gặp hiện nay ngoài hành nghề câu khơi, đánh bắt cá ngừ, họ cũng tranh thủ câu cá mập. Một phần vì giá trị vi cá mập quá lớn, một phần do các ngư dân chưa ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi từ biển và họ đã phải trả giá cho việc làm này.

Trả giá đắt

wpJPQqKd.jpgPhóng to

“Bị tịch thu cả hai chiếc tàu, đó là cả gia tài của gia đình tôi. Một cái giá quá đắt cho nghề đi biển” - ông Nguyễn Rằn nói - Ảnh: Đ.T.

Cái giá phải trả của việc câu mập một thời là nguồn thu sau mỗi chuyến đi biển của ngư dân hiện nay giảm đi rất nhiều so với trước. Ông Nguyễn Đình Sáng, chủ tịch UBND phường Phước Hội, nhận xét: “Năm 2008 biển “đói” lắm. Thu nhập bình quân đội tàu của phường chỉ khoảng 6 triệu đồng/tàu/năm, giảm hơn 50% so với những năm trước. Biển nghèo là do những chiếc tàu đánh giả cào bay, việc đánh bắt hải sản chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn cá con giảm thì cá mập chẳng còn thức ăn, đành đi tìm vùng biển khác mà sống”.

Cũng theo ông Sáng, có một điều nguy hiểm là hiện nay nhiều ngư dân do say mồi nên đuổi theo đàn cá ngừ, cá mập mà xâm phạm cả vào lãnh hải của các nước bạn. Chỉ tính riêng tại phường Phước Hội, trong năm 2008 đã có trên mười tàu đánh cá bị các lực lượng bảo vệ biển của Indonesia và Malaysia bắt giam và xử lý. “Mặc dù chúng tôi cũng như các đơn vị hải quân, biên phòng... đóng trên địa bàn thường xuyên mở lớp tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo không được xâm lấn lãnh hải của các nước, thế nhưng đôi khi vì miếng cơm manh áo mà một số ngư dân đã bất chấp...” - ông Sáng nói thêm.

Nhiều ngư dân phân trần: vì vùng biển gần bờ đã cạn kiệt nguồn cá nên phải giong tàu ra xa, ngay sát vùng hải phận các nước để đánh bắt mới mong gỡ gạc được chi phí. Tại làng chài Phước Hội, nhiều ngư dân đã tán gia bại sản vì tàu bị tịch thu. Ngư dân Nguyễn Rằn có hai chiếc tàu câu khơi và săn bắt cá mập đều đã bị các lực lượng bảo vệ vùng biển của Malaysia và Indonesia bắt, tịch thu. Ông Rằn cho biết hai chiếc tàu trị giá hơn 1 tỉ đồng. Cả tài sản gia đình ông đã đổ vào đấy.

Hôm chúng tôi đến ông Rằn buồn xo, than: “Coi như năm nay gia đình tôi không ăn tết vì nợ nần còn chồng chất. Chỉ tiền dầu tôi còn nợ 120 triệu đồng, đó là chưa kể các món nợ lặt vặt khác. Chủ nợ cũng đến nhà siết luôn sổ đỏ rồi. Không biết ngày mai ra sao...”. Bỏ lửng câu nói, ông Rằn rít sâu một hơi thuốc rồi nói tiếp với anh Thông - cán bộ phụ trách hải sản phường Phước Hội: “Tiền vé máy bay cả của tôi và bảy người đi bạn hôm được phía Malaysia thả về nước hết khoảng 30 triệu đồng, nhờ chú nói với phường cho tôi khất. Thật chua chát, lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay cũng là lần đi tù ra, khổ!...”.

Biển là vậy, rất giàu có và luôn hào phóng ban tặng con người nguồn lợi từ lòng mình. Nhưng biển cũng rất sòng phẳng, không còn hiến dâng, thậm chí lấy lại mọi thứ đã ban tặng khi các ngư dân đối xử tệ với biển. Ấy là bài học mà rất ít ngư dân nhận ra như lão ngư Đặng Văn Ô từng chiêm nghiệm.

Số tới, khởi đăng những câu chuyện cảm động:

Gà trống nuôi con

“Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”. Nhưng những người con trong loạt bài này đã không phải “liếm lá đầu đường”, mà trưởng thành, thành đạt nhờ vòng tay đùm bọc yêu thương của những người cha hi sinh trọn đời mình để vừa làm cha, vừa làm mẹ vẹn toàn.

Người khiếm thị, người bại liệt, người quét rác..., song họ che chở cả đàn con. Họ làm núi Thái Sơn để đưa các con đi tới.

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên