![]() |
Lão ngư Đặng Văn Ô nói: “Dàn triêng câu này đã đánh bắt hàng trăm cá mập” |
Cứ thế, bố truyền nghề cho con, ông dạy cháu cách câu mập, tìm luồng cá, “đọc” lòng biển. Đến hôm nay tàu được trang bị máy móc hiện đại, những thanh niên trai tráng làng chài ấy tiếp tục với những chuyến dọc ngang trên đại dương...
Kỳ 1: 10 giờ quần nhau với... “cọp biển”
Săn “cọp” giữa biển Đông
Từ bán đảo Cam Ranh, chúng tôi vượt gần 90 hải lý để ra huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Biển động cấp 6, những con sóng bạc đầu nhấn tàu hụp xuống rồi lại trồi lên. Gió quăng quật con tàu sang trái rồi nghiêng phải.
Sau mỗi lần mũi tàu chúi xuống, chân vịt máy lại phành phạch quạt vào khoảng không đầy gió, thân tàu rung lên phần phật. Ruột gan trong bụng lộn nhào, tôi nôn thốc từng chập. “Ngư anh” Đặng Văn Hữu tại thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý, mới 22 tuổi nhưng đã có hơn bảy năm theo tàu đi săn cá mập, vỗ vai tôi cười to: “Ông anh say sóng thế này làm sao đi câu cá mập cùng chúng tôi được!”. Nói rồi Hữu cười to hơn, tiếp: “Giỡn chút chơi, những ngày đầu em theo tàu cũng y chang anh vậy nhưng hết thời kỳ say sóng là đến lúc “say”, thích và yêu biển, không rời xa được...”.
![]() |
Lưỡi câu mập làm bằng inox 6 li |
Theo lời lão ngư Ô, ông và các chủ thuyền buồm khác chỉ có đồng hồ để tính giờ từ lúc giong buồm từ đất liền ra biển khoảng mấy giờ, gặp các rạn và buông dây trỏ đo độ nông sâu của biển rồi thả câu. Việc tầm ngư chỉ dựa vào kinh nghiệm để đoán luồng mập đi.
Gần 50 năm đi biển, ông Ô đúc kết đầy kinh nghiệm: “Mập thường theo luồng cá nhỏ lao đi kiếm mồi. Theo hướng bắc, từ eo biển Đài Loan đổ về và hướng nam từ Singapore chếch sang, cứ thả câu giữa hai luồng đó ắt sẽ có nhiều cá mập”. Sau này dù có máy móc hiện đại, ông Ô cho biết mình vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính. “Như năm 2007 có nhiều chuyến chỉ sau hai ba đêm buông câu tôi đã bắt được vài chục con mập, thu về hàng trăm triệu đồng là chuyện thường” - ông Ô đưa tay vuốt mái tóc bạc trắng bộc bạch.
Thế nhưng nguồn cá mập ngày càng ít đi, nên hiện nay đội tàu vài chục chiếc tại thôn Quý Hải ngoài việc săn bắt cá mập còn kèm thêm nghề câu cá ngừ. Vì phải đi xa vài trăm hải lý mới gặp luồng cá, nên mỗi chuyến ra khơi của ngư dân kéo dài cả tháng trời.
Ông Đặng Một, thôn Quý Thạnh, chủ tàu 98876 BTH, nhớ lại: “Ngày trước sau khi ăn Tết Nguyên đán, độ mồng 3, mồng 4 là cả làng chài náo nức ra khơi. Cả một đoàn tàu kéo còi hừng hực lao đi, náo động cả một vùng trời, vùng biển. Mấy năm gần đây cá ít, mập chỉ còn những con nặng khoảng 1 tạ. Vì thế tình hình đánh bắt, câu mập trầm lắng hơn. Nhiều người đã bán tàu, chuyển nghề”.
Nghề câu cũng lắm công phu
![]() |
Ông Trần Sin giới thiệu dụng cụ săn mập gồm cây lao và hai móc khấu |
Ngư ông Trần Quảng Lạc, ngụ khu phố 3, phường Phước Hội, kể: “Những năm 1980 mập nhiều vô kể. Chúng tôi chỉ cần giong tàu ra khơi 7-8 hải lý là buông câu bắt mập được rồi. Nào là rạn Mập Xanh (vì mập nổi xanh cả mặt nước), Mập Lộng, Hồng Phèn, Hồng Chó, Dù, Hải Đăng, Trường Sinh, Ông Thế, Bà Le... với từng đàn mập trắng, mập xà bông, bông đất, mập búa, mập nhọn, mập xà… đi ăn kín cả mặt nước”.
Mùa đánh bắt mập kéo dài khoảng tháng 3-11 nhưng càng về sau những tháng có bão, biển động mập càng về nhiều. “Vì khi biển động, những đàn cá con xô vào nhau tránh bão. Lợi dụng điểm này, mập lao vút trong làn nước săn mồi” - ông Lạc lý giải. Và những ngư dân làng săn mập Phước Hội khi ấy cũng bất chấp biển thét gào, vượt lên những con sóng cao bằng cả tòa nhà, phóng tàu ra khơi đánh bắt cá mập.
Cả đoàn tàu, các ngư dân, những đàn cá mập cùng quần nhau trên biển đông đang ầm ào dậy sóng. “Có tham gia săn mập anh mới thấy được khung cảnh lúc ấy thật kỳ vĩ nhưng cũng đầy bất trắc. Không ít người bạn của tôi do bị sóng quăng xuống biển hoặc lưỡi câu móc vào tay, mập kéo đi mất, mãi mãi gửi mình dưới biển sâu” - lão ngư Lạc trầm ngâm, nói.
Theo anh Đỗ Minh Thông - cán bộ phụ trách thủy hải sản phường Phước Hội, hiện toàn phường có gần 50 tàu lớn nhỏ chuyên hành nghề câu khơi, săn bắt cá mập. Dàn dây triêng mỗi tàu dài khoảng 10 hải lý.
Ông Trần Sin - khu phố 4, phường Phước Hội, một ngư dân giàu kinh nghiệm câu mập - giải thích: Triêng là sợi cước 180 li và cứ cách 36 sải tay (khoảng 60m) một đoạn cước 22 li, dài khoảng 7 sải tay được cột dính vào gọi là thẻo câu. Dưới cùng của thẻo câu là đoạn kẽm inox gồm ba sợi bện vào nhau dài hơn 1m (gọi là dây đờn), sau cùng lưỡi câu cũng làm bằng inox 6 li được đeo khoen vào đoạn dây đờn.
Ngày xưa các ngư dân phải tự làm lưỡi câu. Ngồi cả ngày mài, cắt giũa, bẻ ngạnh, uốn khoen…, một thanh niên khỏe mạnh làm liên tục mới xong được 10 lưỡi câu. Mồi câu mập là những loại cá có máu nhiều, đặc biệt phải tanh như cá chuồn xanh, ngừ, cam, thu... và đôi khi ngư dân bắt cả cá heo để xẻ thịt làm mồi câu mập. “Mỗi loài mập có tính cách khác nhau như mập xà bông ăn dưới tầng nước sâu khoảng 10m. Đây là loài rất tinh khôn, khi dính câu nó luôn cuộn mình chui vào dưới gầm tàu, do đó rất khó phóng lao hoặc móc khấu. Nó là loài ăn tạp, thậm chí ăn cả thịt động vật trên cạn, nhất là thịt người. Thường khi bắt được loài mập này chúng tôi phải để nó quay đầu ra biển, đập túi bụi vào người để nó xả hết mùi hôi từ trong bụng” - ngư ông Trần Sin nói đầy vẻ kinh nghiệm.
Ông kể tiếp: “Còn loài cá mập búa luôn trồi lên mớn nước ghe, mập nhọn quặn mình rất gắt, mập bông uốn mình qua lại… Muốn câu được mập, người câu phải thuộc tính từng loài như những đứa con trong nhà vậy…”.
______________
Câu cá mập là nghề nguy hiểm nhất trong những nghề đi biển. Nhiều ngư dân phải bỏ mạng ngoài khơi xa vì bão hoặc do cá mập kéo mất thi thể. Có khi mổ bụng mập ra, các ngư dân gặp nguyên cả một cánh tay, cẳng chân người...
Kỳ tới: Ký ức biển khơi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận