22/07/2007 06:05 GMT+7

Săn bắt cướp ngày nay: Không thể vừa phóng xe vừa bắn súng 5

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Gặp gỡ báo chí sáng 21-7, đại tá Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết nếu suôn sẻ thì tháng tám lực lượng săn bắt cướp (SBC) sẽ ra đời. Hoạt động của lực lượng này có nhiều điểm khác với những người hùng SBC trước đây.

FAF1yMFc.jpgPhóng to
Hiện trường xảy ra vụ cướp tiệm vàng Ngọc Châu (Q.7, TP.HCM) tháng 6-2007- Ảnh: M.Luận
TT - Gặp gỡ báo chí sáng 21-7, đại tá Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết nếu suôn sẻ thì tháng tám lực lượng săn bắt cướp (SBC) sẽ ra đời. Hoạt động của lực lượng này có nhiều điểm khác với những người hùng SBC trước đây.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đại tá Phan Anh Minh cho biết Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã đồng ý về nguyên tắc cho TP.HCM thành lập Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh và đội SBC.

Riêng về lực lượng SBC, Bộ Công an và UBND TP đã cho phép Công an TP triển khai ngay chứ không đợi đến khi có quyết định chính thức. Thực tế, Công an TP đã trưng dụng các chiến sĩ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 14) và chiến sĩ hình sự của các quận huyện để đưa vào lực lượng này.

Dù đã được cấp trên cho phép nhưng việc triển khai thành lập lực lượng SBC vẫn còn chậm. Theo dự kiến, nếu mọi việc suôn sẻ thì khoảng tháng tám, Công an TP sẽ ra mắt lực lượng này. Đại tá Phan Anh Minh thừa nhận việc cho ra đời lực lượng SBC lần này như là một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, do tình hình mới, điều kiện và các qui định pháp luật khác trước nên hoạt động của lực lượng này sẽ khác với SBC trước đây.

Vì vậy có thể SBC sẽ thay đổi tên gọi, có thể sau khi thành lập lực lượng này sẽ được đặt tên là “hình sự đặc nhiệm” hoặc “đội chống cướp lưu động”. Cá nhân ông Minh muốn đặt tên cho lực lượng này là “hình sự đặc nhiệm”. Lực lượng này có chức năng, nhiệm vụ trinh sát đeo bám theo dõi, ngăn chặn đối tượng, chống cướp giật trên đường phố và chống bạo hành nơi công cộng.

Súng bắn hai loại đạn

IAzUz3RK.jpgPhóng to
Đại tá Phan Anh Minh
Ông Minh nói rằng do đặc điểm tình hình đường sá TP hiện nay đông người, nên hoạt động của hình sự đặc nhiệm ngày nay cũng khác SBC trước đây. Hình sự đặc nhiệm không thể vừa phóng xe đuổi bắt vừa bắn súng trên phố như SBC ngày xưa nữa, mà cách tốt nhất là phát hiện và chặn bắt đối tượng. Vì vậy, việc trang bị phương tiện thông tin liên lạc hiện đại cho hình sự đặc nhiệm được xem là trang bị quan trọng nhất.

Theo ông Minh, vũ khí mà hình sự đặc nhiệm dùng phải nhỏ gọn, đa năng. Có thể họ sẽ được trang bị một loại súng ngắn bắn được cả đạn đồng và đạn cao su. Khi đuổi bắt trên đường phố, hình sự đặc nhiệm sẽ bắn đạn cao su nhằm tránh gây thương tích cho nhân dân nếu xảy ra lạc đạn và sẽ bắn đạn đồng nếu đối tượng chống cự, tấn công.

Về các vụ cướp có súng xảy ra gần đây, đại tá Phan Anh Minh nói: “Các vụ trọng án gia tăng trong năm đều đã được dự báo trước. Lỗi của chúng tôi là không ngăn chặn được và không điều tra kịp thời”. Cụ thể, sáu tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm sử dụng hàng “nóng” liên tục xảy ra với bốn vụ cướp tiệm vàng, một vụ cướp nhằm vào tiền ngân hàng trên đường vận chuyển, hai vụ bắn người cướp xe SH. Nguyên nhân của các vụ cướp, nhất là cướp tiệm vàng, một phần do chính những khổ chủ vẫn còn hời hợt, xem thường công tác phòng ngừa dù đã được cảnh báo từ trước.

Đau đầu với hàng “nóng”

Việc quản lý vũ khí quân dụng cũng làm đau đầu ngành công an. Với địa bàn phức tạp, TP.HCM trở thành tâm điểm cho bọn tội phạm sử dụng hàng “nóng” hoạt động. Hầu hết các loại vũ khí gây án đều có nguồn gốc từ Campuchia, vì chỉ cần một vài triệu đồng những kẻ tội phạm đã có thể sở hữu những loại vũ khí giết người, kể cả súng AK. Theo đại tá Phan Anh Minh, hiện Công an TP xác định được khoảng 10 băng nhóm bên kia biên giới đang sở hữu hàng “nóng”.

Một nguồn hàng “nóng” khác là nguồn vũ khí còn sót lại từ các cựu chiến binh, quân nhân lưu giữ như vật kỷ niệm sau khi trở về từ chiến trường. Ông Minh nói: “Qua làm việc với quân đội, chúng tôi biết có nhiều cụ hiện vẫn còn cất giữ những loại vũ khí là súng được tặng, được bạn bè quốc tế cho hoặc chiến lợi phẩm như một vật kỷ niệm. Đã có trường hợp sĩ quan cấp tá về hưu, sau khi qua đời con cháu cụ đã dùng vũ khí gây án mà Công an TP phát hiện”. Ông Minh bức xúc: “Khi các vị này về hưu, việc quản lý vũ khí của họ thuộc về trách nhiệm của công an nhưng công an thì không thể vận động họ giao nộp vũ khí, mà để làm tốt nhiệm vụ này chỉ có ngành quân đội và hội cựu chiến binh. Nguồn vũ khí này là một nguy cơ tiềm ẩn đáng lo ngại”.

Hớ hênh gợi lòng tham

Theo đại tá Phan Anh Minh, vụ cướp tiệm vàng Kim Nên (quốc lộ 22, ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi) ngày 13-7 là một minh chứng cho thấy các tiệm vàng rất coi thường việc phòng ngừa cướp giật dù chủ tiệm vàng này có con rể là phó công an xã. Tủ nữ trang trưng bày ngay ven đường nhưng không có camera, hệ thống báo động và chỉ có một phụ nữ trông coi, dù trước đó báo chí liên tục đưa tin cảnh báo về các vụ cướp tiệm vàng. Lời khai của hai kẻ cướp Đỗ Thanh Tuấn và Huỳnh Thanh Tùng (đã bị bắt giữ) cho thấy chính sự hớ hênh này của tiệm vàng Kim Nên đã giục chúng nảy lòng tham và liều lĩnh hành động.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận