01/03/2014 13:54 GMT+7

Sài Gòn ẩm thực bao dung

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - “Sài Gòn như một bộ bách khoa về thực phẩm, ai nhớ gì thì tìm món nhớ mà ăn. Tôi cũng vì nhớ mà viết, như ăn con cá đối ở đây mà nhớ cả không gian người ta đánh lưới ở sông quê…”.

Đó là chia sẻ của nhà báo Ngữ Yên nhân dịp ra mắt tập sách Người ăn rong tại nhà sách Cá Chép vào sáng 1-3.

E0DLIGbE.jpgPhóng to
Giao lưu ra mắt tập sách Người ăn rong

Dịp này, những tâm sự về một Sài Gòn bao dung trong ẩm thực vừa được tác giả trao đổi cùng bạn bè đồng nghiệp và thân hữu cùng quan tâm.

Với tác giả, nhân duyên cho những bài viết về các món ăn rày đây mai đó khởi nguồn từ chuyên mục Ẩm thực trên báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Nhưng thực ra, vốn xuất thân từ miền Trung, Ngữ Yên viết Người ănrong chính là một cách ghi lại đời sống ẩm thực của chính mình trong bước đường làm báo.

Nói như Kim Phước – biên tập viên NXB Văn Hóa Văn Nghệ, đơn vị ấn hành tập sách – tác giả đã viết trong nỗi hoài hương giữa một Sài Gòn bao dung.

qaLgLvqU.jpg
Bìa sách Người ăn rong

Nói về sự bao dung này, Ngữ Yên đặt lại một vấn đề đã cũ: Sài Gòn có đặc sản gì? Rồi anh dẫn lại ý kiến của hai người bạn trí thức, một cho rằng đặc sản Sài Gòn là cơm tấm, một cho rằng chỉ có trà đá là đặc sản Sài Gòn.

Còn lại tất tần tật đều do cư dân các vùng miền mang đến, Sài Gòn chấp nhận tất cả, lâu ngày trở thành bản sắc. Đó là bao dung.

Người ăn rong (tập 2) bao gồm các bài viết của Ngữ Yên về các món ăn truyền thống, các món ăn Tây du nhập, những dặm đường ẩm thực qua các vùng miền, cả những dịp “ăn rong” sang tận xứ người…

Nhưng thẳm sâu trong tình cảm của tác giả là thương nhớ trân trọng và không ít tiếc nuối với những món truyền thống Việt Nam: Đi tìm nước tương ngày cũ, Ăn cơm nấu nồi điện nhớ cơm cháy, Người Việt có còn gà Việt mà ăn, Chiếc lá chùm ruột ở quê nhà, Nhái tranh bàn ăn với ếch…

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên