12/03/2005 16:51 GMT+7

Sách giáo khoa trực tuyến?

NGÔ QUANG HƯNGGiáo sư, khoa khoa học máy tínhĐại học bang New York ở Buffalo, USA
NGÔ QUANG HƯNGGiáo sư, khoa khoa học máy tínhĐại học bang New York ở Buffalo, USA

TTCN - Online journal (báo trực tuyến, báo trên mạng) trong thời đại chúng ta là giải pháp truyền tải thông tin hữu lý, nhất là đối với các nghiên cứu khoa học.

0aF8MDHh.jpgPhóng to

Các nhà khoa học máy tính đều để các bài báo của mình ở homepage của họ. Chỉ cần một máy chủ đơn giản và ít công bảo trì, phần cơ học của một journal đã được đảm bảo. Các công việc còn lại là biên tập và phê bình, chọn bài thì các nhà khoa học đằng nào cũng đang làm.

Bản thân tôi tin tưởng tuyệt đối rằng tri thức của nhân loại cần được đến với càng nhiều người càng tốt, giá càng rẻ càng tốt, miễn phí là lý tưởng. Tri thức được khám phá khác với các công trình sáng tạo mà chủ nhân hoàn toàn có quyền giữ bản quyền và thu lợi nhuận. Không ai có quyền mua bán phương trình sóng Maxwell, nhưng có thể bán thuốc chữa SIDA mới nhất.

Người truyền cảm hứng cho ước mơ của tôi là tiến sĩ Richard M. Stallman (thường được gọi là RMS), cha đẻ của phong trào phần mềm miễn phí thế giới. Không chỉ là bậc thầy về kỹ thuật máy tính, RMS mơ ước làm cho cả thế giới có thể dùng, sửa đổi, phân phối, thậm chí buôn bán, các phần mềm miễn phí.

Theo nhiều nghĩa, triết lý này của ông tương đồng với ý tưởng rằng tri thức nhân loại phải đến với chúng ta nhanh chóng và không tốn kém. Việc các nước chậm phát triển mua phần mềm của các tập đoàn lớn, đối với RMS, là một dạng thuộc địa hóa hiện đại. Người ta sẽ bị ràng buộc một cách rất khó chịu vào các phần mềm đắt tiền này mà lại không biết trong chúng thật sự viết gì (ví dụ có thể có phần gián điệp cài đặt vào).

RMS cũng đứng đầu phong trào chống software patents, một trong những loại patent vô lý nhất trên đời. Hai mươi năm trước, RMS bắt đầu hiện thực mơ ước của mình bằng dự án GNU. Đến nay phong trào phần mềm miễn phí vững vàng đứng trước các tập đoàn phần mềm nhiều trăm tỉ đôla.

Trông người lại nghĩ đến ta. Liệu có quá viễn vông khi mơ ước rằng một ngày nào đó các sách giáo khoa của chúng ta được để trong một trang web nào đó, cho học trò tải xuống miễn phí, để người nghèo nhất cũng có thể nhờ ai đó tải xuống và in ra (và trả ít phí cho việc này), copy lại cho nhiều học sinh khác cùng dùng?

Bộ GD-ĐT và Nhà nước ta đã tốn bao nhiêu tiền của cho việc soạn thảo sách giáo khoa, thì cách này sẽ có thể dùng tiền đó trả cho người viết sách, tiền thuê và bảo trì máy chủ. Bằng cách này chúng ta có thể loại bỏ được một lớp cản (chỉ mang mục tiêu kiếm lợi) giữa tri thức và công chúng, và tiến nhanh đến phổ cập tri thức vì đây là chiến lược sống còn của Việt Nam.

Các vấn đề thực tế

* Trong tình trạng Internet chưa được phổ cập, người không có Internet thì làm thế nào? Thử nghĩ vài giải pháp “đơn giản”.

In một số bản nhất định để phục vụ các nơi chưa có Internet, như các báo vừa có bản in vừa có bản online.

Ở những nơi có Internet nhưng chưa phổ biến, có thể lập các dịch vụ in ấn và copy địa phương. Việc phân phối này giống như phân phối/đóng gói phần mềm miễn phí. Chẳng phải ta đang có quốc sách phát triển mã nguồn mở hay sao?

Kế hoạch này hoàn toàn có thể tiến hành song song với việc phổ cập Internet, khi Internet đến được mọi nơi thì cũng đã có nhiều sách online rồi.

* Thế các tác giả sách sống thế nào? Dĩ nhiên tác giả phải được trả công xứng đáng.Với nhiều triệu lượt truy cập trên các trang sách online này, tiền quảng cáo là một nguồn lợi không nhỏ.

Giống như phần mềm mã nguồn mở, cũng có thể có nguồn đóng góp của phụ huynh, các công ty và Nhà nước.

* Khi nội dung sách được “mở” cho mọi người phê bình, vấn đề quản lý sẽ như thế nào?

Một hệ điều hành phức tạp như GNU/Linux mà còn có thể mở cho công chúng đọc nguồn, chê bai, sửa chữa, thì không có lý do gì một quyển sách không quản lý được.

Cái lợi của sách giáo khoa miễn phí thì vô cùng:

Dần dần tiết kiệm công lao động và tiền bạc chuyên chở, phân phối, giảm thiểu nạn quan liêu, tiêu cực liên quan đến xuất bản.

Các tác giả sẽ có trách nhiệm hơn khi người tiếp nhận chủ động đánh giá công trình của họ.Sách có thể được viết nháp, cho mọi người góp ý trước khi đưa vào chương trình. Vài triệu đôi mắt sẽ tốt hơn một hội đồng vài chục người, dù là chuyên gia đi nữa. Các lỗi thô thiển sẽ khó thoát khỏi quá trình này. Đây chính là cách mà các giáo sư ở nước ngoài vẫn làm khi viết sách: giao bản nháp cho bạn bè, đồng nghiệp dùng dạy qua vài năm, nhờ họ và sinh viên góp ý, sửa chữa trước khi in.

Các tài liệu, bài tập, hình ảnh, liên kết, thông tin có liên quan đến nội dung sách có thể đưa lên mạng. Cả học sinh, sinh viên lẫn thầy cô đều truy cập được. Tác giả có thể làm rõ điểm này, người dùng thắc mắc điểm kia. Học trò và phụ huynh có thể kiểm tra nếu thầy cô giáo dạy sai. Thầy cô giáo có thể dùng các thông tin liên quan giúp lớp học sinh động hơn. Ta có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập và giảng dạy chủ đề đó.

Sách có thể được cập nhật thường xuyên hơn, ví dụ như thêm/sửa một chương cho phù hợp với tình hình hiện tại. Nếu dùng sách offline thì phải chờ rất lâu mới có thể phân phối đến người dùng.

Đây cũng là cách tốt để thanh thiếu niên và cả phụ huynh có động cơ dùng Internet theo hướng tích cực, thay vì chỉ vào chat-room tán gẫu. Người chưa có Internet thì có động cơ để kết nối Internet, mua máy tính mới, thúc đẩy thị trường công nghệ cao.

Với từng cá nhân thì một máy tính, một máy in qua mười mấy năm học sẽ rẻ hơn đi mua cả trăm quyển sách giáo khoa.

Hướng về tương lai

Một viễn cảnh lớn hơn là khi các bài giảng, sách vở ở tất cả các bậc học ở Việt Nam cũng đều miễn phí. Ta sẽ có một thư viện online khổng lồ. Kiến thức sẽ đến với bất kỳ ai sau một cái click chuột. Học sinh nghèo nhất cũng có khả năng liên lạc với bậc thầy nổi tiếng nhất. Một môi trường học tập, tham khảo mà ai cũng có cơ hội tham gia, bổ túc cho nhau, học hỏi lẫn nhau. Chẳng phải đấy là mục đích tối hậu của phổ cập giáo dục. Tất cả có thể bắt đầu bằng một ước mơ - ước mơ bắt kịp phần còn lại của thế giới.

Trên thế giới ít nhất đã có bốn dự án có chung chí hướng này

Dự án thứ nhất là của nhà xuất bản kỹ thuật máy tính số một thế giới: Nhà xuất bản O’Reilly với “dự án sách mở” (Openbook project). Các quyển sách ở đây được đăng ký với vài loại license khác nhau, như GNU Free Documentation License, Open Publication License, GNU General Public License, và bản thân O’Reilly cũng có rất nhiều sách theo Creative Commons Founders’ Copyright.

Dự án thứ hai là Từ điển bách khoa toàn thư miễn phí Wikipedia. Với khoảng 300.000 đề mục, Wikipedia là từ điển bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới. (Quyển bách khoa toàn thư của Britanica có khoảng 85.000 đề mục - số liệu tháng 7-2004). Chất lượng của Wikipedia rất cao và tôi dùng nó thường xuyên. Mô hình nhiều người đóng góp mang tính phân bố (distributed contribution) của Wikipedia là mô hình đáng học tập cho việc phổ cập kiến thức.

Dự án thứ ba là dự án gnowledge của Trung tâm giáo dục khoa học Homi Bhabha của Ấn Độ do giáo sư Nagarjuna chủ xướng. Tinh thần của dự án này cũng là kiến thức miễn phí.

Dự án cuối cùng là dự án Open courseware của Viện công nghệ Massachusetts. Ở đây rất nhiều bài giảng của các giáo sư hàng đầu thế giới được để mở cho mọi người cùng truy cập.

NGÔ QUANG HƯNGGiáo sư, khoa khoa học máy tínhĐại học bang New York ở Buffalo, USA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên