17/10/2015 13:32 GMT+7

Sách dạy nhạc: quá nhiều sai sót!

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Thực trạng giáo dục âm nhạc trong nhà trường đã được mổ xẻ tại hội thảo khoa học Giáo dục nghệ thuật ...

Nhạc sĩ Lê Mây cho biết ông đang có tập bài hát lứa tuổi mầm non, ai cần có thể liên hệ ông - Ảnh: Đức Triết
Nhạc sĩ Lê Mây (đứng) cho biết ông đang có tập bài hát lứa tuổi mầm non, ai cần có thể liên hệ ông - Ảnh: Đức Triết

Thực trạng giáo dục âm nhạc trong nhà trường đã được mổ xẻ tại hội thảo khoa học Giáo dục nghệ thuật (chuyên ngành âm nhạc) cho các trường phổ thông do Trường ĐHSP Nghệ thuật trung ương và Hội Nhạc sĩ Hà Nội phối hợp tổ chức vào sáng 16-10 tại Hà Nội.

“Hãy vào các trường phổ thông xem các giáo viên dạy nhạc như thế nào, thấy mà thương các em. Xướng âm thì sai. Dạy cho có, cho xong. Chưa có nghệ thuật giảng dạy. Hiệu trưởng các trường đào tạo về sư phạm âm nhạc nên đi thực tế để đào tạo ra đội ngũ giáo viên toàn tâm, toàn tài hơn

Nhạc sĩ Trần Ngọc

Không vòng vo, các đại biểu tham dự hội thảo gồm các nhạc sĩ, nhà giáo uy tín đã “bắt nhịp” ngay câu chuyện ở hàng loạt vấn đề về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy, giáo viên, thời gian học...

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng chính bệnh thành tích trong trường học đã khiến việc giáo dục các môn nghệ thuật trong trường học trở thành học lấy lệ. Cùng với đó, sách giáo khoa còn đóng khung và cách dạy của giáo viên cũng thường rơi vào thụ động, một chiều, ít đối thoại. “Các con tôi đã học nhạc một cách đối phó… Chúng tập đọc nốt nhạc từ khi 9-10 tuổi mà đến tuổi trưởng thành vẫn… mù nhạc, bởi các con xướng âm đâu thèm nhìn mặt nốt mà chỉ coi các chữ cái đờ-rờ-mờ bằng bút chì ghi dưới các nốt đồ - rê - mí, rồi học vẹt như thuộc lòng một lời ca vô nghĩa vậy. Thầy biết cũng mặc, miễn sao cả lớp đọc trôi chảy để toàn đạt điểm tốt” - nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ.

Nhạc sĩ Lân Cường thì tâm huyết kể câu chuyện ông đã mua bộ sách nhạc từ lớp 1 đến lớp 9 hiện nay để so sánh với sách nhạc ngày trước xem sách giáo khoa về âm nhạc có nhiều đổi mới không.

Ông ngậm ngùi chia sẻ sách ngày càng nhiều, càng đẹp nhưng sai sót thì nhiều… vô thiên lủng - về chính tả, chú thích, cách chọn bài không liên quan đến chủ đề…

“Dù sách nhạc có nở rộ đến bao nhiêu đầu sách đi chăng nữa thì ngành xuất bản giáo dục vẫn phải kiểm duyệt được chứ? Nếu không kiểm duyệt được, phụ huynh, học sinh vẫn mua, vẫn học theo thì hậu quả thế nào?” - nhạc sĩ Lân Cường đặt câu hỏi.

Là người nhiều năm cộng tác với ngành giáo dục để biên soạn sách nhạc cho học sinh, nhạc sĩ Hoàng Long nói rằng ông cũng rất thấu hiểu chuyện giáo viên cứ phải dạy mãi một cuốn sách cũng chán, vì vậy nhiều lần ông cùng ban biên soạn đề nghị Bộ GD-ĐT cho soạn chương trình mở. Thế nhưng, “bộ bảo một chương trình - một sách giáo khoa - cứ thế mà làm!”.

Năm nay đã 86 tuổi, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đến dự hội thảo. Ông đã làm hội thảo cùng lắng lại với ý kiến sâu sắc: “Các bạn đã chạm đến vấn đề rất lớn, rất quan trọng. Nhưng chúng ta cần thay đổi cách nghĩ đi chứ, đừng nói trước kia tôi làm được thế này, giờ tôi tiếp tục sửa thế kia.

Mọi người nên quan tâm đến đời sống âm nhạc của xã hội hiện nay, chứ nếu cứ nghĩ theo cái cũ thì sẽ trở thành áp đặt nhiều thứ. Quá trình hội nhập hiện nay còn đặt ra rất nhiều vấn đề, cần tham khảo cả của nước bạn nữa.

Như trung thu gần đây, tôi đến một trường nọ và thấy trường bắt học sinh hát bài cũ của tôi, nghe rất nhòe nhoẹt, nhưng khi hát bài Gangnam style thì các em nhảy tung trường. Vậy đấy, “khởi đầu là tiết tấu” - thời công nghiệp hiện đại rồi mà cứ sáng tác ê a thì trẻ con không tiếp nhận được. Áp đặt cho trẻ con chưa chắc nó tiếp thu đâu” - nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.

Thiếu hoạt động ngoại khóa

Ở góc độ lý giải vì sao bạo lực học đường ngày càng tăng, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai đã cho rằng giáo dục mới chỉ phát huy chủ yếu ở mảng chính khóa, còn mảng ngoại khóa có thể nói là rất yếu.

Nguyên nhân của thực tế ấy cũng là do áp lực học quá nhiều, không còn thời gian để học sinh tham gia ngoại khóa cho các môn học như âm nhạc để nuôi dưỡng tâm hồn biết yêu thương, biết sẻ chia của các em.

“Chúng ta không khỏi xót xa khi có những học sinh hoàn toàn vô cảm, không hề động lòng trắc ẩn, ngoảnh mặt khi thấy bạn bị đánh nhưng lại phát cuồng, khóc lóc như mưa như gió để bộc lộ tình cảm sâu đậm của mình với một thần tượng nào đó” - PGS Tố Mai nói.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên