12/06/2004 05:01 GMT+7

Dạy nhạc kiểu mới

HOÀI HƯƠNG-UYÊN LY
HOÀI HƯƠNG-UYÊN LY

TT - Vì sao khán giả trẻ ngày nay ít mặn mà với tuồng, chèo, cải lương và những làn điệu dân tộc? Truy từ cái gốc, câu trả lời là ngay từ tuổi tiểu học trẻ em đã nên được học, được gần gũi với âm nhạc dân tộc...

gE0f9xiq.jpgPhóng to
GSTS Trần Văn Khê cùng NSƯT Thúy Hoan cho các em nhỏ thử đàn tranh - Ảnh: T.T.D.
TT - Vì sao khán giả trẻ ngày nay ít mặn mà với tuồng, chèo, cải lương và những làn điệu dân tộc? Truy từ cái gốc, câu trả lời là ngay từ tuổi tiểu học trẻ em đã nên được học, được gần gũi với âm nhạc dân tộc...

Khiếm khuyết đó hiện đang được chỉnh sửa từ những cuộc thử nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM: cho trẻ học nhạc theo kiểu mới với các nhạc cụ dân tộc.

Khóa tập huấn giáo dục âm nhạc dân tộc bậc tiểu học do Unesco hỗ trợ tổ chức lần đầu tại TP.HCM do giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê trực tiếp hướng dẫn, thử nghiệm.

Đối tượng là 20 em nhỏ tuổi từ 8-10 tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1), kéo dài từ 17-5 đến 9-6-2004, và một số giáo sinh đến từ các trường tiểu học trong thành phố nhắm đến mục đích đó...

Học mà chơi, chơi mà học…

Đầu tiên là “chơi” tiết tấu. Thầy Khê cho rằng con người ta sinh ra, lớn lên trong môi trường tiết tấu. Nhịp đập trái tim, nhịp nôi đưa, nhịp gánh gồng, nhịp chân bước... đều là tiết tấu. Trẻ em nghe tiết tấu từ trong bụng mẹ, lớn lên cùng tiết tấu từ thưở nằm nôi.

Cho nên phải cho trẻ đánh nhịp để tự tay chúng làm lại cái tiết tấu ấy, cho tai chúng nghe quen, thuộc lòng rồi mới viết thành chữ để định hình cái biết, ấy là đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng vậy.

Cách học này ngược hoàn toàn với chu trình học nốt, học bản nhạc rồi mới học tiết tấu trước đây, và nó đưa tới một bất ngờ là các em nhỏ tiếp thu nhanh…vượt mức kế hoạch.

Biết tiết tấu rồi thì chơi với những cây đàn. Kìm, cò, tì bà, đàn tranh, trống, kèn... Tì bà có bốn dây, đánh lên kêu “tồn-tang-tôn-tính”, hay “tòng- lan- mai- trúc” là bốn loài cây quen thuộc; đàn kìm có cái thùng tròn như mặt trăng nên còn gọi là đàn nguyệt; trục đàn trên đàn tranh gọi là con nhạn nhưng trên đàn nhị lại gọi là con ngựa...

Chưa có lớp học nào mà phần minh họa lại đa dạng, sinh động và chu đáo thế. Ngoài thầy Khê trực tiếp giảng dạy, sát cánh bên thầy là cô Thúy Hoan, cả một tốp các cô nhạc công chơi các nhạc cụ cho các em tận mắt thấy, có cả chú Đức Dậu, nghệ sĩ sáo nổi tiếng đến thổi sáo, đánh trống cho các em xem.

Dưới tay thầy Khê và những cô chú nhạc công, những vật dụng quen thuộc hằng ngày như thanh tre, cái chén ăn cơm, cái chung uống nước, thậm chí đến cái lá cây... cũng có thể là nhạc cụ.

Mỗi cái chén gõ vào kêu một phách, nếu chưa đúng nốt hoặc đúng rồi mà quá cao hay quá thấp, chỉ cần đổ nước vào từ từ, ấy là một cách “lên dây đàn”...

Có quá nhiều điều mới, thú vị dưới con mắt tò mò ham khám phá của các em. Rồi chúng được tự tay gõ trống, làm động tác, tự tay đàn thử…

Mục đích của tất cả những “trò vui” ấy là để cho các em “không còn xa lạ với những cây đàn dân tộc, có đủ danh từ để miêu tả, biến những nhạc cụ ấy thành người bạn, ban đầu còn ngỡ ngàng, sau dần dà thân thiết rồi chúng sẽ tìm chơi, sẽ thấy nhạc cụ dân tộc mình chơi vui, dễ, ít tốn kém mà hay, để chúng không cần phải nghĩ tới những organ với piano nữa.

Và khi dàn nhạc tấu lên, chỉ cần nghe trống biết hát bội nhịp mấy mà hát chèo nhịp mấy, lần lần chúng sẽ từ biết mà thương yêu rồi sẽ tự hào về âm nhạc VN mình”.

Học là sáng tạo

Trước mặt các trò là những thanh tre. Thầy bảo một trò lên gõ thử. Tiếng vang lạc lõng. Bốn em lần lượt gõ, mỗi thanh một nốt hò - xự - xang nghe đã thành câu nhạc...

Thầy hỏi: Các con có biết câu hát dân gian xưa: Một cây làm chẳng nên non?

Trò đồng thanh: Dạ biết. Thầy: Dân gian là ai? Trò đồng thanh: Dạ, dân gian là thầy với tụi con.

Thầy: Phải rồi. Vậy dân gian xưa sáng tác được, dân gian nay có đặt câu khác được không?

Và những cái miệng trẻ thơ ngân nga: Một cây làm chẳng nên đàn. Ba cây chụm lại nên dàn nhạc hay…

Đó chính là tinh thần mà thầy Khê nhắc đi nhắc lại với các giáo sinh tham gia lớp học: những điều cơ bản cũ học để biết nhưng là thứ dùng để ứng dụng, không phải là những khuôn thước bất di bất dịch.

Sáng tạo là điều cốt yếu nhất của sự học, và muốn làm được điều đó ở bọn trẻ thì phải cho chúng học mà chơi…

Thú vị nhất với trò và bất ngờ nhất với thầy là những lúc thầy cho trò đố nhau. Một trò nghĩ ra, hát lên câu nhạc, nhóm đàn dựa theo gõ thành âm thanh. Lại cho trò sáng tác lời theo bản nhạc.

Thầy giật mình khi dựa trên bài Long Hổ hội, có trò hát: Buồn thật buồn, vui thật vui…Vậy là, dựa trên cái cơ bản là bài bản gốc, các em có quyền sáng tác hẳn một lời hát mới của mình.

Vốn kiến thức cũ không phải là khuôn thước phải bê nguyên xi mà nắm vững rồi thì luôn có quyền vận dụng, làm mới, làm theo cách riêng. Cách học ấy uyển chuyển vô cùng, nó gợi mở, khích lệ sáng tạo và cá tính phát triển chứ không áp đặt, không tạo ra áp lực nặng nề cho con trẻ.

Tuy nhiên phương pháp này chắc chắn sẽ phải đối đầu với một thực tế là toàn bộ chương trình âm nhạc trong các trường phổ thông trước giờ chỉ được xem là phụ, đội ngũ giảng dạy cũng như cơ sở vật chất riêng cho việc giảng dạy về âm nhạc dân tộc sơ sài nếu không nói là không có…

Hỏi: Giáo sư có tin rằng công cuộc này sẽ không phải là hạt muối chìm nghỉm giữa lòng biển của quá nhiều bất cập? GSTS Trần Văn Khê: Mong muốn thì nhiều và luôn cố gắng làm hết sức mình, nhưng tôi chỉ là người gieo một chất men, một hạt giống.

Chất men ấy có nhân rộng ra hay không là do mọi người cùng quan tâm phát triển nó, từ cha mẹ học trò, nhà trường, báo đài tới Nhà nước cùng góp tay làm thì sẽ được.

Giống như hạt giống gặp được mảnh đất tốt, mưa thuận gió hòa thì nó sẽ sống và sẽ nhân rộng ra. Còn nếu ai cũng ơ hờ thản nhiên thì nó sẽ chết vậy.

Chương trình thử nghiệm giảng dạy nhạc dân tộc bậc tiểu học này sẽ được Unesco dùng làm tài liệu tham khảo cho các nước trong khu vực châu Á. Hạt giống đã được gieo.

Mong rằng trước khi lan sang các quốc gia khác, nó sẽ đâm chồi nảy lộc ngay trên quê nhà.

Ý kiến các giáo sinh tham gia lớp học

Chị Kim Lý - Trường Sư phạm thực hành Phan Đình Phùng (TP.HCM):

Tham dự là để học phương pháp của thầy Khê, nhưng bên cạnh đó chúng tôi còn học được rất nhiều kiến thức mới.

Các em và cả giáo sinh đều hiểu sâu, hiểu kỹ hơn về các loại nhạc cụ, chứ không như trước đây vì điều kiện hạn hẹp hầu như chỉ thấy mà không biết xuất xứ, cấu tạo của chúng.

Đặc biệt phương pháp hướng dẫn để học sinh tự tìm kiến thức rất hay.

Thí dụ nếu muốn học trò thuộc một bài bản thì các em sẽ hứng và sẽ thuộc hơn nếu để chúng tự sáng tác lời trên giai điệu đó.

Lối học này kích thích chất xám của các em. Tôi nghĩ giá mà giáo viên âm nhạc của các trường tiểu học trong thành phố đều được dự lớp học này sẽ rất tốt.

Chị Diệp Thị Chinh Đa - người dân tộc Khơme, Trường tiểu học Lương Hòa A (Trà Vinh) - từ Trà Vinh lên dự lớp:

Thầy Khê đã biến tiết học thành tiết chơi, mọi thứ nhạc cụ đều như biến thành đồ chơi trong tay các em, các động tác của thầy dạy khi vừa đàn, vừa hát rất ăn khớp với lời ca, ý nhạc khiến các em thuộc ngay từ lớp, chứ không cứng nhắc như những động tác tập thể dục trong các tiết nhạc trước đây.

Đặc biệt là thầy gợi cho các em sáng tạo chứ không ép các em theo mình. Điều đó rất hay.

Sau khóa học này, về trường tôi sẽ cố gắng báo cáo với trường và phòng giáo dục để tìm cách áp dụng phương pháp này.

* Đàn nhị có phải là đàn... đám ma?

HOÀI HƯƠNG-UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên