16/12/2018 13:09 GMT+7

Sắc màu cảm hóa

THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU
THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU

TTO - Hơn 20 bạn trẻ điếc câm trở nên tự tin hòa nhập với cuộc đời, khi chính thức được Hội Mỹ thuật TP.HCM công nhận là họa sĩ, đang dần sống được bằng cây cọ. Sự thay đổi ấy khởi đầu từ một họa sĩ rất tâm huyết.

Sắc màu cảm hóa - Ảnh 1.

Họa sĩ Văn Y và họa sĩ Bích Ngân hướng dẫn các bạn điếc câm tại lớp dạy vẽ - Ảnh: THÁI LỘC

Họa sĩ Văn Y, chủ nhiệm CLB Mekong Art (Hội Mỹ thuật TP.HCM), là người thầy đã cưu mang, dìu dắt các bạn vào con đường nghệ thuật để thay đổi con người và phận số...

Với tên gọi lớp học là Âm thanh hội họa, tôi muốn các bạn dùng hội họa làm ngôn ngữ giao tiếp để xóa bỏ mặc cảm tự ti, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người thường, thậm chí vượt lên bình thường!

Họa sĩ VĂN Y

Gieo

Trụ sở CLB Mekong Art chỉ rộng chừng 50m2 nằm đầu con hẻm 776 Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) càng trở nên chật chội vào ngày thứ bảy. Hai bên bức tường dày đặc tranh treo; khoảng giữa khá hẹp là các bạn trẻ, mỗi người mỗi giá vẽ, mấy hộp sơn và bảng pha màu ngồi san sát nhau kéo ra tận lòng con hẻm... 

Các bạn vẽ trong im lặng. Thỉnh thoảng họ mới trao đổi nhau bằng cử chỉ động tác và những dòng chữ trên giấy. Đó là lớp học vẽ dành cho các bạn trẻ điếc câm đến từ nhiều tỉnh thành, diễn ra đã hai năm nay.

Họa sĩ Văn Y kể một lần tình cờ chứng kiến nhóm bạn trẻ đứng múa để xin tiền ở một công viên của TP.HCM. Những khuôn mặt ấy đều sáng sủa, tươi trẻ nhưng bị điếc câm, và họ hiểu được các dấu hiệu của ông. Ông hỏi: "Các em có thích học vẽ không?". Họ trả lời "rất thích". Thế là ông bàn với CLB Mekong Art do ông làm chủ nhiệm mở lớp dạy vẽ cho các bạn ấy.

Ban đầu có quá nhiều chuyện rất sốc xảy ra mà các họa sĩ không thể lường trước. "Mỗi lần các em đến, bày ra các họa phẩm là quậy phá tan nát hết, làm màu sắc và vật dụng vung vãi tứ tung từ đường vào nhà vệ sinh. Kèm theo đó là sự cứng đầu, rất vô tổ chức. Có những cuộc gây gổ, đánh nhau hung tợn lắm, can ngăn không nổi! 

Dần tiếp xúc và tìm hiểu, tôi nhận ra sự quậy phá tan nát ấy chính là cách các em xả stress do sự tự ti, mặc cảm ức chế dồn nén lâu ngày không biết xả vào đâu. Dù bực mình hết sức, tôi cố dằn lòng, điềm tĩnh, chịu đựng và quan sát để tìm giải pháp" - họa sĩ Văn Y kể.

"Thông thường việc học vẽ bắt đầu từ những điều căn bản như: hình khối, bố cục, đường nét... Vậy mà các em cầm cả lon màu đổ ụp tràn lan lên toan, rồi dùng tay phá, quệt và chấm... Có em cầm cọ đập qua đập lại, các mảng màu cứ thế tứ tung. Có bạn thì đổ màu ra lấy cây cọ vỗ, vỗ và vỗ, rồi đi những nét thô thành những khuôn mặt không giống ai, chưa xong thì ngồi suy tư cho đến khi cả cọ lẫn phác thảo khô cứng hết.

Tôi để các em vùng vẫy làm quen với sắc màu như thế, những hình ảnh, bố cục lần lượt hình thành trong lời khuyên của tôi: "Các em nghĩ gì, thích gì, muốn gì, có ý tưởng gì thì cứ thế mà vẽ!". Vậy là những bức tranh rất khác lạ, rất cá tính thành hình!" - họa sĩ Văn Y kể về phương pháp khác biệt của mình.

Sắc màu cảm hóa - Ảnh 3.

Bức tranh của Bảo Trân được ông Tal Ben Shlomo, người Do Thái, sưu tầm kèm theo lời khen ngợi “một tài năng hội họa” - Ảnh: MAI KIM HOANH

Và gặt

Thường ở những lớp học vẽ khác, kiểu gì trò cũng ảnh hưởng thầy, dù ít dù nhiều từ phong cách, bút pháp, cách sử dụng màu... Song ở đây, sự ngạc nhiên và thú vị thường trực luôn đến với người thầy, vì những bố cục, màu sắc, đường nét cho đến phong cách của các em không ai giống ai. 

Các ý tưởng được thể hiện đều đặc biệt, không hề lặp lại, thể hiện rõ cá tính của từng em. Họa sĩ Văn Y nói: "Vì hiểu tâm sinh lý của người điếc câm, tôi tìm cách trang bị kỹ thuật chuyên môn sao cho phù hợp, cốt khơi dòng cho được ý tưởng sáng tạo, cá tính để tận dụng cho được tiềm năng của mỗi em".

Đến nay, hơn 20 người trong số đó cơ bản trở thành những cành cọ chắc tay, có tranh rất đẹp, ấn tượng, được người mua tranh thích thú. Họ đều được Hội Mỹ thuật TP.HCM công nhận là "họa sĩ khuyết tật", có em được đánh giá có khả năng trở thành tài năng lớn. Trên hết, các em đã đi vào nền nếp, quy củ, ý thức tự giác cao và tâm lý rất tự tin hòa nhập với cuộc đời...

Những người phụ trách tìm mọi cách để các em bán được tranh thông qua giới thiệu, tham gia sự kiện, triển lãm. Có những lần họ kết nối với các hướng dẫn viên du lịch đang dẫn các đoàn khách quốc tế. Họ chọn tranh tốt, chất giá đỡ kèm lên xe, chở thêm các họa sĩ điếc câm ấy đến tận khách sạn, rồi bày ở sảnh lễ tân, mời khách xem và chọn mua. 

Nhiều cách làm đã đem lại các khoản thu nhập đáng kể, và tất nhiên khá hơn so với thu nhập từ việc đi xin hoặc làm thuê làm mướn trước đây của các em. Hơn hết cả là sự vui mừng của các em về những đồng tiền kiếm được từ sáng tạo của chính mình.

Trong quá trình duy trì khóa học, điều mà người dạy ít nói đến chính là kinh phí phải bỏ ra để duy trì suốt hơn hai năm. Ngoài họa phẩm, các em được phục vụ ăn trưa mà không tốn đồng nào. 

Vì tốn kém cả kinh phí lẫn thời gian mà việc đảm trách từ một nhóm họa sĩ nay chỉ còn lại hai người là họa sĩ Văn Y và Bích Ngân. Cũng may cả hai đều có kinh tế gia đình ổn định, con cái đủ đầy, cộng thêm vài khoản hỗ trợ của bạn bè. Và nói như họa sĩ Văn Y: "Có điều khá lạ là từ ngày đảm trách lớp học, tranh của tôi bán được nhiều hơn hẳn mới có thêm tiền lo nổi cho các em"...

Mở rộng tấm lòng

Điều mà họa sĩ Văn Y bằng lòng nhất chính là mở được "cánh cửa nhân ái bị đóng kín" của các bạn trẻ điếc câm. Ông kể về cảnh tượng ở hội trường Hội Người mù tỉnh Bình Thuận tại Phan Thiết hôm 23-11-2017. Từng bạn trẻ điếc câm dìu từng người mù lên bục rồi tận tay trao bao thư tiền của các bạn. Họ ôm chầm nhau khóc rưng rức vì đồng cảm, rồi người điếc câm lại dìu những người mù về chỗ ngồi. Số tiền trao nhau ấy trích từ tiền bán tranh nhân đợt triển lãm mỹ thuật Âm thanh hội họa diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) tháng 11-2017.

Họa sĩ Văn Y kể ông đã hội ý với các học trò điếc câm của mình về cơ cấu tiền bạc: tác giả được hưởng 50% tiền bán tác phẩm. 25% để dành đầu tư sáng tạo. 25% còn lại thì làm từ thiện. "Ban đầu các bạn phản đối dữ lắm vì cho rằng mình khuyết tật sao lại đi giúp người khác, lẽ ra phải ngược lại. Lúc đó tôi phân tích với các bạn tại sao mình cần phải giúp đỡ những người khốn khó hơn mình; tôi kể thêm những câu chuyện về đời sống những người mù mà tôi chứng kiến. Thế là các bạn vui vẻ đồng ý chia sẻ ngay".

Hễ có điều kiện là họa sĩ Văn Y khơi gợi trong lòng các bạn trẻ điếc câm về sự tự tin để làm việc, sáng tạo để tạo ra sản phẩm/tác phẩm bán được, rồi dùng số tiền đó trang trải cho cuộc sống của chính mình. Ông yêu cầu các em tránh quỵ lụy người khác, làm cho người ta rủ lòng thương cảm để xin tiền như đã từng. Rằng, những đồng tiền do chính mình tạo ra quý giá và ý nghĩa như thế nào...

Hoạn nạn giúp nhau

Tại cuộc triển lãm ở đường sách Nguyễn Văn Bình cuối tháng 11 vừa rồi, có chừng 20 bức tranh bán được, số tiền trích ra cũng được hơn 10 triệu đồng. Ông Văn Y đã liên hệ với trại phong Di Linh, Lâm Đồng lên danh sách người cần hỗ trợ. Kế hoạch sắp tới của họa sĩ Văn Y là tổ chức chuyến đi Lâm Đồng để các bạn điếc câm trao tận tay tiền quà cho những bệnh nhân phong khốn khó hơn mình. Các bạn sẽ được tham quan thành phố Đà Lạt và sáng tác trên một ngọn đồi nhìn toàn cảnh thành phố ngàn thông...

THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên