13/05/2012 07:01 GMT+7

Sa Huỳnh - vẻ đẹp gọi mời

NGUYỄN ĐẠI CHƠN (ĐH Quy Nhơn)
NGUYỄN ĐẠI CHƠN (ĐH Quy Nhơn)

AT - Mùa hạ, cái nắng như thiêu như đốt, chốn phố thị ồn ào đầy khói bụi làm ta cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Bạn sẽ đi đâu để tìm cảm giác thoải mái trong những ngày hè? Chúng ta hãy đến bãi biển Sa Huỳnh của tỉnh lẻ miền Trung vào mùa hè này để tận hưởng sự mát mẻ và yên bình nơi đây.

9G3tW2k4.jpgPhóng to
Bãi biển Sa Huỳnh

Sa Huỳnh, dường như ai cũng chỉ biết đó là quê hương của một nền văn hóa thời xa xưa. Sa Huỳnh cũng nổi tiếng là nơi có trữ lượng muối lớn của đất nước. Ít ai biết nơi đây có một bãi biển đẹp và thanh khiết, yên bình và lặng lẽ nằm sát bên con đường Bắc - Nam.

Sa Huỳnh, dấu ấn lịch sử

Sa Huỳnh là nơi gắn với việc mở mang bờ cõi của dân tộc. Năm 1471, trong cuộc Nam chinh, vua Lê Thánh Tông cùng binh lính đã dừng chân tại đây nghỉ ngơi, trước khi tiến quân đánh vào đầm Thị Nại (Quy Nhơn) và thành Đồ Bàn (Vương quốc Champa). Sa Huỳnh được biết đến lần đầu tiên với việc nhà khảo cổ người Pháp Vinet đã phát hiện nền văn hóa cổ Sa Huỳnh. Biển Sa Huỳnh tuy được phát hiện cách đây một trăm năm nhưng đến nay vẫn còn hoang sơ đến kỳ lạ. Cái tên Sa Huỳnh cũng có nhiều điều thú vị, trước đây nó từng mang tên là Sa Hoàng, nghĩa là bãi cát vàng, nhưng vì trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên phải đổi thành Sa Huỳnh.

Sa Huỳnh, vẻ đẹp thơ mộng

Bãi biển Sa Huỳnh cách thành phố Quảng Ngãi 50km về hướng nam, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Sa Huỳnh cạnh quốc lộ 1A, đi trên đường cũng có thể nghe được tiếng sóng vỗ rì rào xen lẫn vị mặn của gió biển. Những buổi sớm mai, chỉ cần đi ngang qua, du khách có thể chiêm ngưỡng được vẻ óng ánh vàng của cát biển Sa Huỳnh. Dù là đi từ miền Bắc vào hay đi từ miền Nam ra, du khách đều có thể ghé thăm Sa Huỳnh. Các bạn sẽ có những phút giây tĩnh lặng khi rảo bước trên những bãi cát trắng và thấy mình nhỏ bé giữa biển xanh bao la. Nhà thơ Xuân Diệu khi đặt chân đến nơi đây đã có hai câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của vùng biển này: “Hỏi mình biển đẹp vô ngần / Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh”.

Những rặng dương hiền hòa ngả bóng, màu biển xanh trải tới tận chân trời hòa cùng màu trời trong vắt. Biển Sa Huỳnh cũng gắn với những rạn san hô có hình thù kỳ ảo, muôn hình muôn vẻ. Tạo hóa ban cho nơi đây những ghềnh đá, những hốc đá độc đáo mà người dân vẫn hay gọi là ghềnh đá Châu Me, Hóc Mó. Những con sóng lăn tăn trên cát mang vẻ hiền hòa dịu êm bao nhiêu thì cũng có những tiếng sóng dữ dội, vang vọng bên ghềnh. Buổi chiều tà, khi mặt trời đang khuất dần trên dãy Trường Sơn, khi cơn gió cuối ngày đưa ngọn khói lam chiều đến, đứng trên những ghềnh đá này lòng ta thư thả nghe khúc nhạc của biển và đá. Sóng từ nơi nào sâu thẳm của lòng biển cuộn mình vỗ vào ghềnh tung bọt rồi quay đi, đá trơ trơ đứng đó nhìn những con sóng bạc đầu. Ta thả hồn mình theo một vệt khói chiều, ngắm những đứa trẻ nhặt ốc sò trên bờ biển, trong lòng hiện lên bao cảm xúc khó tả. Đặng Thùy Trâm trong nhật ký của mình cũng có những dòng chữ tràn đầy nỗi nhớ và tình yêu về Sa Huỳnh: “Khi nhìn về dãy núi phương Nam. Sóng biển Sa Huỳnh vẫn mặn nhớ thương. Vẫn dạt dào đêm ngày vẫy gọi. Vẫn chờ anh với chiến công chói lọi. Và hẹn ngày đất nước yên vui”.

Đến với Sa Huỳnh, chúng ta có thể tha hồ đắm mình trong làn nước xanh biếc, đặc biệt vào những ngày hè chúng ta có thể quên cái nóng nực bức bối khi đắm mình trong làn nước ấy. Bạn cũng có thể rảo bước trên ghềnh đá Châu Me, nơi có tảng đá khổng lồ được thiên nhiên xếp ngẫu hứng khiến người ta như lạc vào một thế giới thần tiên. Hay như Hóc Mó lộng lẫy, với những hốc đá đầy bí ẩn gợi cho ta nghĩ đến một thời xa xưa. Từ Hóc Mó chúng ta có thể đi thăm đảo Khỉ, tuy không còn nhiều khỉ nhưng vẫn còn lưu lại những dấu tích lạ lùng của loài thú đáng yêu này. Sau một ngày trải nghiệm về vẻ đẹp nơi đây, chúng ta lại hòa mình vào cuộc sống nơi thị trấn nhỏ. Hãy cùng ngắm ánh đèn trên những chiếc tàu đánh cá về đêm, cùng đắm mình vào khung cảnh của bầu trời lấp lánh trăng sao và điệu nhạc của sóng. Cuộc sống nơi đây thanh bình lặng lẽ nhưng không vì vậy mà buồn chán. Người dân nơi đây chân chất và hiếu khách, chúng ta có thể cùng họ ngồi bên những bếp than hồng đỏ rực nướng tôm, nướng mực và nhậu lai rai.

Sa Huỳnh và tương lai

Hiện Sa Huỳnh đang chuyển mình từng ngày với nhiều dự án du lịch nhằm đưa hình ảnh của Sa Huỳnh tới du khách trong và ngoài nước. Được sự giúp đỡ của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng khu du lịch trên diện tích 5,2ha gồm hệ thống khách sạn, siêu thị, các khu vui chơi, nghỉ dưỡng tắm biển.

Đầu năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi lập kế hoạch tôn tạo và phát huy giá trị các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Theo đó, Sa Huỳnh sẽ có nhà bảo tàng về văn hóa Sa Huỳnh quy mô quốc gia, cùng với một hội trường nhằm phục vụ hội thảo quốc tế 100 năm văn hóa Sa Huỳnh (1909-2009), có sự tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ngoài ra, nơi đây đang triển khai xây dựng dự án phim trường lớn nhất Việt Nam. Khi ấy chắc chắn Sa Huỳnh sẽ là một lời mời gọi có “sức hấp dẫn không thể chối từ”.

J58tQ3wm.jpgPhóng toÁo Trắngsố 8 ra ngày 1/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN ĐẠI CHƠN (ĐH Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên