05/02/2015 21:29 GMT+7

“Ruồi trong chai nước”, đòi quyền lợi không khéo tù như chơi

TTO
TTO

TTO - Anh Võ Văn Minh đã bị CSĐT tỉnh Tiền Giang quyết định khởi tố bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản” khi phát hiện sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát có xác côn trùng. Và đây không phải là trường hợp đầu tiên.

Hình minh họa
Hình minh họa

Một vụ tương tự đã xảy ra vào giữa năm 2012 là trường hợp anh Nguyễn Quốc Tuấn (còn gọi là Lành, sinh năm 1985, làm thợ bạc, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Anh Tuấn cũng phát hiện chai trà xanh của Tân Hiệp Phát có con gián chết và đòi công ty phải “mua” chai trà với giá 50 triệu đồng. Vì việc này, anh Tuấn cũng bị khởi tố và nhận án 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Có thể thấy, các vụ việc đặt ra câu hỏi khách hàng phải làm gì để đòi được quyền lợi của mình một cách hợp pháp trong những tình huống này và đến mức nào thì việc đòi quyền lợi ấy có thể bị xem là vi phạm pháp luật.

Bị đe dọa phải đưa tiền hay giả vờ “giăng bẫy”?

Theo luật sư Trần Văn Hiếu (Văn phòng luật sư Người Nghèo), vụ việc anh Võ Văn Minh bị điều tra tội “cưỡng đoạt tài sản” 500 triệu đồng của công ty Tân Hiệp Phát có gì đó lấn cấn trong việc xác định hành vi “đe dọa” của anh Minh với công ty.

Dù anh Minh có nói sẽ đưa vụ việc cho báo chí thì đó cũng là quyền của khách hàng khi phải bỏ tiền mua sản phẩm mất vệ sinh. Sự thật nếu sản phẩm như vậy thì báo chí phản ánh cũng là việc bình thường, doanh nghiệp sai thì phải chịu trách nhiệm.

Dù có nói là sẽ đưa cho báo chí nhưng hành vi của anh Minh cũng chưa hẳn là thủ đoạn đe dọa đến mức doanh nghiệp không còn cách xử lý nào khác ngoài việc đưa đủ số tiền mà anh Minh yêu cầu.

Việc doanh nghiệp giả vờ đồng ý với yêu cầu bồi thường số tiền lớn cho khách hàng, làm căn cứ để cơ quan điều tra vào cuộc bắt quả tang, khởi tố hình sự có gì đó như là cách tạo ra cơ hội, giăng cái bẫy để cho anh Minh rơi vào tình huống bị xem là phạm pháp chăng?

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra phải đánh giá thật kỹ những chứng cứ gọi là hành vi “đe dọa” trên đây của anh Minh đối với công ty Tân Hiệp Phát.

Việc điều tra, thu thập đầy đủ các chứng cứ khách quan có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định mức độ hành vi của anh Minh có thực sự là thủ đoạn đe dọa, đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản hay không?

Nếu bất cứ khách hàng nào đòi nhà sản xuất bồi thường số tiền lớn cho việc làm sản phẩm kém chất lượng, dọa gửi cơ quan báo chí tố cáo sản phẩm kém chất lượng này cũng có thể bị kết tội cưỡng đoạt tài sản của nhà sản xuất sẽ khiến người tiêu dùng ngần ngại, không dám cương quyết đòi quyền lợi của mình khi gặp phải những sản phẩm kém chất lượng.

Phải đòi quyền lợi theo đúng quy định pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Sa Linh (đoàn luật sư TP.HCM), điều 630 Bộ luật dân sự quy định nhà sản xuất phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu kinh doanh không đảm bảo chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Vì vậy, gặp những trường hợp hàng hóa bị lỗi, thực phẩm có dị vật, côn trùng… thì khách hàng hoàn toàn có quyền đề nghị nhà sản xuất phải bồi thường.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường thiệt hại phải là những thiệt hại thực tế đã xảy ra, nên nếu đòi bồi thường thì khách hàng phải chứng minh được thiệt hại đó (như thiệt hại về sức khỏe, tinh thần do phải sử dụng sản phẩm mất vệ sinh).

Trong trường hợp chai nước ngọt đóng chai có con ruồi chết bên trong mà khách hàng như anh Minh chưa sử dụng sản phẩm đó thì việc bồi thường ngoài giá trị chai nước, sẽ phải cộng thêm với một khoản bồi thường thiệt hại cho việc phiền toái mà khách hàng phải chịu.

Với trường hợp chai nước ngọt có ruồi, dù có bồi thường thêm thiệt hại về tinh thần cho khách hàng thì cũng khó mà nói số tiền doanh nghiệp phải bồi thường có thể lên tới vài trăm triệu hoặc cả tỉ đồng.

Trừ những trường hợp doanh nghiệp sợ mất uy tín, thương hiệu của mình do sản phẩm sai sót đó mang lại nên sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền gấp nhiều lần so với giá trị chai nước ngọt để giữ kín chuyện này. Nhưng điều này phải là ý chí tự nguyện của doanh nghiệp.

Nếu khách hàng không đồng ý với khoản bồi thường của doanh nghiệp thì hoàn toàn có quyền kiện ra tòa hoặc nhờ đến các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu cùng.

Việc đưa vụ kiện đến tòa hoặc các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cách mà nhà sản xuất, doanh nghiệp phải nhìn nhận lại sai sót của mình để có thể chấp nhận mức bồi thường cao hơn giá trị sản phẩm bị lỗi.

Khi vụ việc được đưa ra tòa án, công luận thì cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng có thể vào cuộc để xử phạt hành vi sản xuất sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh này.

Người tiêu dùng không nên lợi dụng sơ xuất đó của doanh nghiệp để gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải bồi thường số tiền bất hợp lý rất dễ dẫn đến các tình huống bị xem là vi phạm pháp luật.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên