10/03/2007 12:02 GMT+7

Rubella, tiêu chảy và thủy đậu lan nhanh

 Theo THÙY DƯƠNG - Người lao động
 Theo THÙY DƯƠNG - Người lao động

Theo Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, số ca mắc bệnh Rubella, tiêu chảy và thủy đậu hiện tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

o51XpgHT.jpgPhóng to
Khám bệnh tiêu chảy cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM (ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 8-3). Ảnh: N.HỮU

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã tăng cường giám sát bệnh ở những nơi có nhiều nguy cơ dẫn đến dịch như trường học, xí nghiệp, khu chế xuất, những tập thể đông người để phát hiện và xử lý sớm những trường hợp nhiễm bệnh.

8 ổ dịch Rubella

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay cả TP có 8 ổ dịch Rubella với trên 500 người mắc. Những năm trước, ổ dịch tập trung nhiều ở các khu công nghiệp với đối tượng mắc chủ yếu là công nhân, năm nay ổ dịch đã lan ra các trường học. Số trẻ bị bệnh Rubella bẩm sinh cũng được ghi nhận tăng hơn nhiều so với năm 2006. Tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, cả năm 2006 chỉ có 4 trẻ bị bệnh Rubella bẩm sinh, thì từ đầu năm 2007 đến ngày 7-3 tại đây đã tiếp nhận 3 ca Rubella bẩm sinh, trong đó có 1 tử vong.

Bác sĩ Trần Thị Hoa Phượng, Trưởng Khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 2, cho biết trẻ bị bệnh Rubella bẩm sinh do các bà mẹ đã mắc bệnh Rubella trong thời gian mang thai. Khác với những trường hợp Rubella mắc phải, trẻ bị bệnh Rubella bẩm sinh thường có nhiều biến chứng nặng nề như viêm phổi, bại não, đục thủy tinh thể, tổn thương gan, suy tim...

Trẻ bị Rubella bẩm sinh không có triệu chứng sốt, nổi ban như những ca bệnh Rubella mắc phải mà chỉ có tiểu cầu giảm và nhẹ cân. Bác sĩ Phượng cho biết sau điều trị, hầu hết các dị tật vẫn còn. Bác sĩ Phượng tỏ ra lo lắng vì hiện nay rất nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa có ý thức chích ngừa bệnh Rubella.

Bệnh nhân tiêu chảy tăng 30%

Ngày 8-3, tại Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy phải nằm ở hành lang. Trong phòng bệnh, nhiều bậc cha mẹ phải kê thêm ghế cho trẻ nằm. Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2, cho biết hiện có 91 trẻ mắc bệnh tiêu chảy đang nằm điều trị tại đây và ngày cao điểm lên đến 116 trẻ. So với các tháng trước Tết, số trẻ mắc bệnh tiêu chảy tăng khoảng 30%.

Ngoài nguyên nhân do siêu vi gây ra, yếu tố thời tiết nắng nóng dễ làm thức ăn ôi thiu và thói quen ăn thức ăn dự trữ sau Tết quá lâu đã làm nhiều trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Ngày 4-3, Khoa Tiêu hóa đã tiếp nhận hai chị em cùng mắc bệnh tiêu chảy do người mẹ cho ăn món chả chiên mua từ 27 Tết. Sau khi ăn khoảng 4 giờ, cả 2 cháu đều bị ói, đi tiêu phân lỏng nhiều lần.

Tại Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1, bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa, cho biết từ đầu tháng 3 đến ngày 7-3, tại khoa đã tiếp nhận 168 ca mắc bệnh tiêu chảy, tăng khoảng 15% so với những tuần trước đó.

Trước tình trạng bệnh tiêu chảy đang có xu hướng gia tăng, ngày 7-3, trong cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Sở Y tế với các quận, huyện, đại diện Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế đã nhắc lại ổ dịch tiêu chảy xảy ra ở quận 8 từ trước Tết âm lịch để các quận, huyện cảnh giác. Ổ dịch này đã có 10 ca mắc và 1 ca tử vong.

Bệnh thủy đậu tăng đột biến

53W1Z0wv.jpgPhóng to
Bé N.N.K, 22 tháng tuổi (Q. Gò Vấp, TP.HCM), đang được điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM. Ảnh: T.D
Theo tiến sĩ - bác sĩ Võ Công Đồng, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2, số trẻ mắc bệnh thủy đậu nặng phải nhập viện đã gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng ngày 8-3, Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận điều trị 6 trẻ mắc bệnh thủy đậu, trong đó có một số ca bệnh bị bội nhiễm, nhiễm trùng huyết và theo dõi biến chứng viêm não. Cùng ngày, tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 cũng có 2 trẻ mắc bệnh thủy đậu nặng nằm điều trị.

Về bệnh sốt xuất huyết (SXH), bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP, cho biết tuy thời gian này không phải là mùa của bệnh SXH nhưng trong TP vẫn tồn tại một số ổ dịch SXH tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ và một số phường của quận Bình Tân. Theo ông, ngay từ bây giờ, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ rất khó khống chế được số ca SXH trong thời gian tới.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM: Ngăn chặn để bệnh không thành dịch

Năm nay những bệnh nhiễm do virus như Rubella, tay chân miệng, tiêu chảy, quai bị... có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn năm trước nên việc phòng ngừa cần được kiểm soát chặt chẽ. Trung tâm Y tế Dự phòng đã triển khai xuống tuyến quận, huyện tăng cường giám sát bệnh ở những nơi có nhiều nguy cơ dẫn đến dịch như trường học, xí nghiệp, khu chế xuất, những tập thể đông người để phát hiện và xử lý sớm những trường hợp nhiễm bệnh. Đặc biệt, ngành y tế còn kết hợp với các công ty để giám sát bệnh lây lan thành dịch.

Triệu chứng của những bệnh này tương đối dễ phát hiện như sốt, phát ban, đau sưng ở hạch dưới háng, sốt có bóng nước ở trẻ nhỏ... Để hạn chế bệnh lây lan, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Cách tốt nhất để phòng ngừa là người dân nên tiêm vắc-xin, riêng đối với bệnh tay chân miệng, do hiện nay chưa có vắcxin chủng ngừa nên việc phòng ngừa dịch hiệu quả là giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh.

N.P

 Theo THÙY DƯƠNG - Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên