03/05/2008 06:04 GMT+7

Rủ nhau đi học MBA

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Người học cao học quản trị kinh doanh (MBA) có thể là những sinh viên vừa mới đi làm một vài năm hay cũng có thể là những ông chủ, bà chủ dạn dày kinh nghiệm. Doanh nhân hay nhân viên văn phòng, thậm chí cả công chức cũng đi học MBA!

KYnOrFe2.jpgPhóng to

Các tân thạc sĩ quản trị kinh doanh chương trình đào tạo Pháp - Việt tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM trong ngày nhận bằng

TT - Người học cao học quản trị kinh doanh (MBA) có thể là những sinh viên vừa mới đi làm một vài năm hay cũng có thể là những ông chủ, bà chủ dạn dày kinh nghiệm. Doanh nhân hay nhân viên văn phòng, thậm chí cả công chức cũng đi học MBA!
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Gặp chúng tôi trong buổi lễ khai giảng chương trình MBA do một trường ĐH tại TP.HCM liên kết với một trường ĐH của Bỉ tổ chức, N.T.A., một học viên còn khá trẻ, chia sẻ: "Mình theo học chương trình này để chuẩn bị cho tương lai vì hiện tại chưa cần dùng đến". Trong khi đó, chị H., giám đốc một công ty may khá nổi tiếng tại TP.HCM, cho hay: "Công việc kinh doanh của mình cần được bổ sung, cập nhật những kiến thức mới nên phải theo học mới làm việc được".

Người người đi học

Theo khảo sát của chúng tôi, học phí các chương trình liên kết đào tạo MBA hiện nay từ 6.000 - 15.000 USD/khóa. Phổ biến nhất là mức học phí 8.000 - 9.000 USD.

Phần lớn chương trình cho phép những người đã tốt nghiệp ĐH, có vài ba năm kinh nghiệm làm việc là được tham gia dự tuyển.

Lớp học của chị H. có khoảng 40 người thì có hơn 90% là người đứng tuổi. Chỉ một số ít trong đó tuổi dưới 30. Thế nhưng, không có sự phân biệt già trẻ, khi giảng viên đưa ra một vấn đề, tất cả đều tranh luận hết sức thoải mái. Một học viên trẻ cho hay anh đã học được khá nhiều không những từ giảng viên mà còn từ chính những học viên "gạo cội" của lớp.

Theo Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG), trong khóa tuyển MBA mới nhất của họ, tuổi trung bình của học viên là 27. Phần lớn họ đang làm việc cho các doanh nghiệp ngành ngân hàng, các công ty bảo hiểm, công ty dịch vụ... Nhiều người làm cùng công ty, cùng bộ phận rủ nhau cùng đi học. Chị N.T.T., nhân viên một ngân hàng, cho hay phòng của chị có năm người thì có đến ba người rủ nhau đi học MBA.

Xuất phát điểm của học viên khá khác nhau, tốt nghiệp từ nhiều trường ĐH và công việc cũng khá đa dạng. Nhưng khi đã theo học, phần lớn trong số họ đều tìm thấy một sự hứng thú. Anh N.N.C., người vừa mới tốt nghiệp MBA, đang điều hành một công ty kinh doanh địa ốc, nhận xét chương trình MBA đã trang bị cho anh rất nhiều điều bổ ích. Anh nói: "MBA là chương trình học đặt ra khá nhiều tình huống cụ thể để giải quyết, nên khi vào công việc tôi đưa ra cách giải quyết khá dễ dàng". Anh T.N., một học viên mới theo học MBA được hơn bốn tháng, khẳng định: "Chương trình học rất xứng đáng với học phí bỏ ra. Tuần vừa rồi nhờ kiến thức được học, tôi đã thương thảo thành công một hợp đồng rất hời".

Trường trường mở lớp

Đáp ứng nhu cầu "người người đi học MBA", hàng loạt chương trình liên kết đào tạo đã mở ra. Có thể khẳng định vào thời điểm này, hầu hết các trường ĐH lớn trên địa bàn TP.HCM đều có chương trình liên kết với các trường nước ngoài đào tạo MBA. Một trong những nơi đi đầu trong việc đào tạo MBA phải kể đến CFVG (tại TP.HCM được ĐH Kinh tế và Phòng Công nghiệp Paris thực hiện), từ năm 1992 đến nay đã có 900 học viên được đào tạo về quản lý tại đây, trong đó chủ yếu là MBA.

Để đào tạo MBA, Trường ĐH Mở TP.HCM liên kết với trường ĐH của Bỉ; Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) liên kết với ĐH của Đức, Mỹ...; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM liên kết với nhiều trường đại học như Pomona (Mỹ), Quebec (Canada)...; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) liên kết với United Business Institutes (Bỉ) để đào tạo MBA. Bên cạnh đó là các chương trình liên kết với một số ĐH Mỹ của Trung tâm Phát triển hệ thống (ĐHQG TP.HCM) cơ sở tại TP.HCM hay chương trình MBA của Trường ĐH quốc tế RMIT Việt Nam.

Dù số lượng đơn vị đào tạo tăng lên nhưng số người học ở từng cơ sở vẫn tăng đều đặn. Hầu hết các lớp MBA đều có sĩ số lớn, thông thường khoảng 40 hoặc trên 40 học viên. Riêng CFVG trong khóa tuyển mới đây đã tuyển đến 269 học viên, tăng khoảng 22% so với năm trước. Đây là số học viên tuyển được trong gần 700 người dự tuyển.

Một giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng thuận lợi về thời gian học là yếu tố giúp ngày càng có nhiều người theo học MBA hơn. Hầu hết các chương trình liên kết đào tạo MBA tại VN hiện nay được tổ chức theo hình thức bán thời gian. Người học được học vào buổi tối hoặc các ngày nghỉ cuối tuần. Vì vậy, họ vẫn có thể sắp xếp công việc để theo học.

Tuy nhiên, cũng có một số người không khỏi lo ngại về chất lượng thật sự của MBA. Một tiến sĩ đang giảng dạy tại một trường có đào tạo MBA cho rằng MBA không phải là khóa học cung cấp đầy đủ kiến thức về quản lý và hoạch định chiến lược kinh doanh.

Vì thế, nếu cần trải nghiệm thực tế kinh doanh thì những sinh viên mới tốt nghiệp nên lao vào công việc trước đã. Khi đã đạt được những thành công bước đầu và được đề bạt vào một vị trí quản lý nào đó thì việc học MBA mới thật sự hiệu quả. Tiến sĩ này còn nhận định rằng việc những lớp học MBA có quá nhiều học viên có thể là một nguyên nhân khiến chất lượng học tập nhiều nơi không cao.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên