28/07/2012 06:32 GMT+7

Rớt đại học, còn nhiều lựa chọn

Ông PHẠM NHƯ NGHỆ
Ông PHẠM NHƯ NGHỆ

TT - Trượt đại học đã phải điều tồi tệ nhất chưa? Và liệu còn có cơ hội học tập, cơ hội công việc khác cho những thí sinh phải dừng bước trước cổng trường đại học không?

DuYZqRL9.jpgPhóng to
Học sinh nghề thi thực hành lắp ráp và hàn linh kiện điện tử tại Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng trong hội thi “Học sinh giỏi nghề” 2012 - Ảnh: Bình Thanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Như Nghệ, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Hằng năm có khoảng 900.000 học sinh tốt nghiệp THPT, cộng thêm số đã tốt nghiệp các năm trước, tổng cộng khoảng 1,2 triệu thí sinh đăng ký dự thi vào đại học, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chỉ trên 500.000. Như vậy, chỉ dưới 50% số thí sinh có cơ hội vào đại học. Trên 50% còn lại sẽ trượt. Đây là điều các em phải biết rõ trước khi lựa chọn để đi tiếp con đường học tập của mình.

* Đó là con đường nào, thưa ông?

- Cả nước hiện có 285 trường trung cấp chuyên nghiệp, trên 200 trường cao đẳng và 30-50 trường đại học có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ riêng khối trường trung cấp chuyên nghiệp có tới trên 300 ngành, nghề đào tạo khác nhau. Quy mô đào tạo của các trường trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước là trên 700.000 học sinh, với 350.000 chỉ tiêu tuyển mới/năm. Những con đường này cũng đáng quan tâm.

pbn2GErt.jpgPhóng toẢnh: VĨNH HÀ

"Trượt đại học không phải là điều tồi tệ nhất vì còn có nhiều ngã rẽ khác. Quan trọng là các em phải sáng suốt và tìm hiểu kỹ thông tin để có quyết định lựa chọn một cơ hội học tập phù hợp với năng lực, điều kiện của mình"

* Nhưng đây là những ngã rẽ không phải thí sinh nào trượt đại học cũng muốn lựa chọn. Họ băn khoăn về chất lượng đào tạo, về cơ hội công việc sau này?

- Tâm lý chung của xã hội là coi trọng tấm bằng đại học. Các bậc phụ huynh thích khoe con học đại học nhưng ít người muốn khoe con học trung cấp. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý các em học sinh. Nhưng bất cứ quốc gia nào, thị trường lao động cũng cần cả những người tốt nghiệp đại học, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề, trong đó người ta cần nhiều “thợ” có tay nghề giỏi hơn người tốt nghiệp đại học. Những nước đang phát triển như VN, nhu cầu nhân lực tốt nghiệp trường trung cấp, trường nghề càng thiếu. Đã có một thời gian người ta tuyển dụng nhầm “thầy” để làm “thợ” và bất cứ đâu, muốn xin việc cũng phải tốt nghiệp đại học, nhưng bất cập này đang dần dần được thay đổi.

* Nhưng chính trong đào tạo ở khối trường trung cấp, trường nghề cũng có vấn đề như xa rời nhu cầu xã hội, nặng lý thuyết, yếu thực hành. Đây có phải vấn đề cần thay đổi để thu hút người học?

- Đúng vậy. Hiện nay ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, rất nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp đã bắt đầu “bắt tay” với doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Người học được thực hành tại doanh nghiệp, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp đóng góp, thẩm định. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng với trường để đào tạo người cho mình. Với những cơ sở như vậy, tỉ lệ học sinh có việc làm ổn định sau tốt nghiệp rất cao. Những người có tay nghề vững còn được hưởng mức lương khá cao.

* Theo ông, để tạo điều kiện giúp các bạn trẻ tìm được các ngã rẽ tốt, cơ quan quản lý và các nhà trường cần phải làm gì?

- Tôi nghĩ quy định của Bộ GD-ĐT hiện nay đã rất mở đối với những thí sinh muốn chọn khối trường TCCN. Các trường TCCN hiện nay không thi tuyển mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi đại học, hoặc kết quả học tập ở bậc THPT. Việc xét tuyển không khống chế theo đợt, theo nguyện vọng. Thí sinh có thể tìm kiếm thông tin trên trang web của Bộ GD-ĐT và các trường để tìm hiểu về các ngành đào tạo, điều kiện học tập và các thông tin khác.

Để tạo điều kiện cho người học, các trường TCCN hiện nay cũng linh hoạt hơn khi xây dựng chương trình đào tạo. Những học sinh học TCCN nếu vẫn còn mơ ước vào đại học vẫn có thể thực hiện mơ ước này. Hiện có khoảng 200 trường đại học đào tạo liên thông (từ bậc TCCN lên). Các em chỉ phải kéo dài con đường học tập khoảng 1-1,5 năm. Bởi với chương trình liên thông, nếu đã tốt nghiệp TCCN, các em không cần học lại từ đầu.

* Trong tương lai, theo ông, làm thế nào để thu hút nhiều người trẻ lựa chọn những ngã rẽ khác đại học?

- Tôi nghĩ việc đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực, yêu cầu của nhà tuyển dụng phải tiếp tục được đẩy mạnh. Nên để doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình, thẩm định chất lượng. Thậm chí các trường có thể mời những “thợ” giỏi của doanh nghiệp để dạy thực hành cho học viên. Học viên phải được thực tập, thực hành tại doanh nghiệp. Sự bảo đảm về cơ hội công việc phải bằng chất lượng đào tạo. Ngoài ra, quan điểm tuyển dụng lao động cũng cần thay đổi mạnh mẽ hơn, không thể bất cứ vị trí công việc nào cũng nhận người có bằng đại học. Nhà tuyển dụng cần biết “nói không” với người tốt nghiệp đại học, nếu vị trí công việc cần tuyển dụng chỉ phù hợp với người đào tạo làm thợ.

Ông PHẠM NHƯ NGHỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên