20/12/2021 10:18 GMT+7

Rối nước kết duyên hát bội, rối bóng, kịch nói

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Lần đầu tiên Nhà hát nghệ thuật Phương Nam dựng vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực kết hợp các hình thức hát bội, rối bóng, kịch nói… Vở này vừa được phúc khảo 'để dành' lưu diễn khi học sinh được trở lại trường.

Rối nước kết duyên hát bội, rối bóng, kịch nói - Ảnh 1.

Cảnh trong vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực - Ảnh: LINH ĐOAN

Vở diễn kể về cuộc đời anh hùng Nguyễn Trung Trực trải dài từ thuở bé thơ khi còn là cậu bé Chơn (Nguyễn Trung Trực) đi chăn trâu cùng chúng bạn.

Mong muốn "giữ chân" khán giả nhí

Sông nước Nam Bộ mênh mang với những cánh sen, bụi dừa nước, những trò chơi dân gian, thuyền ghe trĩu nặng cây trái cùng những câu hò mướt rượt bên mé sông. Nhưng những cảnh thanh bình đó bị phá vỡ bởi đạn pháo, chiến tranh.

Đau lòng trước cảnh quê hương bị giày xéo, anh thanh niên Lịch (tên thật của Nguyễn Trung Trực) lên đường chống giặc Tây. Vở tái hiện hai cột mốc ghi dấu ấn của Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân là sự kiện đốt cháy tàu L’Espérance của Pháp nơi vàm Nhật Tảo và đánh úp đồn Kiên Giang.

Ông Lê Diễn - giám đốc nhà hát - chia sẻ: "Trẻ con hiếu động nên dễ lo ra khi sân khấu hơi tĩnh, vì vậy chúng tôi suy nghĩ đến việc thực hiện Anh hùng Nguyễn Trung Trực kết hợp nhiều loại hình. Thứ nhất, đây là câu chuyện lịch sử của dân tộc được kể thông qua một vở diễn. 

Thứ hai, có thêm nhiều loại hình, trong đó có hát bội và múa rối bóng, như vậy các bạn nhỏ có thể cùng lúc biết được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và không khí vở diễn cũng trở nên sinh động thu hút các em hơn".

Thử thách để nâng cao tay nghề

Một "đột phá" khác là nhà hát quyết định giao cho 2 diễn viên Thu Thủy - Ngọc Hải lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò đạo diễn. Hơn 50 con rối trong vở cũng được diễn viên mày mò tạo hình trong mấy tháng mùa dịch. Tất cả diễn viên rối cạn, rối nước của đội rối Rồng Phương Nam đều được huy động tham gia trong vở diễn. Nói nôm na là vở lần này đúng nghĩa sản phẩm "cây nhà, lá vườn". 

Và theo ông Lê Diễn thông qua vở diễn: "Chúng tôi trao cho anh em những thách thức, khó khăn để họ tự tìm tòi vượt qua, để sau mỗi vở diễn hy vọng tay nghề của diễn viên sẽ được nâng lên".

Có thể với những thách thức đó nên dù Anh hùng Nguyễn Trung Trực mang hình thức khá mới mẻ nhưng về tổng thể, êkip cần trau chuốt thêm để khi chính thức ra mắt sẽ khiến người xem thích thú.

Việc đưa hát bội và múa rối bóng vào vở khá phù hợp. Đạo diễn đã có xử lý thông minh khi biến tấm màn che ở mặt trước thủy đình thành bức màn thể hiện múa rối bóng trong cảnh mô tả trận tấn công đồn Kiên Giang. 

Thế nhưng, cả phần hát bội và múa rối bóng nên làm gọn và chắt lọc để tạo điểm nhấn, nhất là cảnh tấn công đồn dài lê thê mà những động tác trên màn hình lại đơn điệu. Cảnh đốt tàu L’Espérance cũng nên được đầu tư kỹ hơn để tạo khí thế hừng hực. 

Nhân vật Nguyễn Trung Trực từ hình ảnh rối nước đến người thể hiện trên sân khấu không tạo cảm giác đồng nhất. Tạo hình con rối cũng chưa thật sự đẹp…

Quan trọng hơn, đây là vở múa rối nước dù thử nghiệm đưa nhiều loại hình vào để tạo nét mới nhưng múa rối nước vẫn là chủ đạo, nếu đưa các loại hình khác vào mà múa rối nước bị lu mờ thì thật đáng tiếc.

Tuy nhiên, việc dám thay đổi, dám thử nghiệm cái mới là điều cần khuyến khích. Mong rằng từ bản dựng này, êkip sẽ nhìn lại để vở diễn là cú đột phá, được khán giả, đặc biệt khán giả nhí, đón nhận.

Trước đây, trong vở Sông nước Phương Nam do NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng, nhà hát đã ứng dụng sân khấu 2 tầng, một tầng cho rối nước và một tầng cho rối cạn, nghĩa là có kết hợp múa rối nước và kịch nói.

Lần này, ngoài kịch nói (diễn viên xuất hiện ở hai bên cánh sân khấu), Anh hùng Nguyễn Trung Trực (tác giả: Mai Thắm, đạo diễn: Thu Thủy - Ngọc Hải, cố vấn nghệ thuật: NSND Triệu Trung Kiên) còn có một lớp diễn hát bội và múa rối bóng.

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn

TTO - Trong 4 ngày 12, 13, 14 và 16-4, các em học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) đã có những buổi xem và tìm hiểu biểu diễn múa rối nước ngay tại sân trường.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên