Robot Curiosity đáp xuống sao Hỏa
Phóng to |
Niềm vui vỡ òa của nhân viên NASA trước giây phút chứng kiến cuộc đổ bộ thành công của robot Curiosity xuống bề mặt sao Hỏa - Ảnh: Reuters |
AFP mô tả niềm vui sướng vỡ òa tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion ở Pasadena (bang California), phía đông Los Angeles, lúc 12g32 ngày 6-8 (giờ VN). Các thành viên dự án Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa (MSL) phấn khích nhảy múa, vỗ tay, ôm nhau reo mừng vì việc hạ cánh của Curiosity diễn ra chính xác như dự kiến.
Tín hiệu gửi từ robot Curiosity qua vệ tinh Odyssey về Trái đất cho thấy Curiosity đã đáp xuống một miệng núi lửa gần đường xích đạo sao Hỏa.
“Sự kiện này đánh dấu một thành tựu công nghệ chưa từng có và là niềm tự hào quốc gia trong nhiều năm tới” - Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố.
Giám đốc NASA Charles Bolden mô tả đây là “một ngày vĩ đại đối với nước Mỹ, một ngày vĩ đại đối với những thành viên của chúng ta đã đóng góp các thiết bị cho Curiosity và là một ngày vĩ đại cho nhân dân Mỹ”.
“Đây là tín hiệu cho thấy nước Mỹ có năng lực để thực hiện những mục tiêu lớn lao - giáo sư Carol Paty thuộc Trường Khoa học khí quyển và Trái đất khẳng định - Chúng ta không thể nào không háo hức”.
Phóng to |
Một trong những bức ảnh đầu tiên Curiosity gửi về Trái đất - Ảnh: Reuters |
7 phút kinh hoàng
Báo New York Times cho biết tàu vũ trụ chở robot Curiosity đã bay hơn tám tháng, vượt qua hơn 566 triệu km không gian kể từ khi cất cánh từ căn cứ Canaveral, Florida vào ngày 26-11-2011 để đến sao Hỏa. Nhưng phần khó khăn nhất chính là việc hạ cánh. Hai robot tự hành Spirit và Opportunity của NASA đáp xuống bề mặt sao Hỏa năm 2004 nhờ đệm túi khí. Túi khí này đã nảy tưng tưng trên bề mặt sao Hỏa trước khi dừng lại. Nhưng Curiosity nặng tới 1 tấn, việc sử dụng túi khí không thể được.
Các chuyên gia NASA mô tả khoảng thời gian từ lúc Curiosity đi vào bầu khí quyển sao Hỏa đến khi nó hạ cánh là “7 phút kinh hoàng”. Khi đến gần bầu khí quyển, tàu chở Curiosity bay với vận tốc lên đến 21.240 km/g. Nó tự tách các bộ phận chở bình nhiên liệu và ăngten, sau đó đâm vào bầu khí quyển sao Hỏa. Trong khoảng bốn phút rơi xuống, tốc độ của tàu chở Curiosity vẫn còn là 1.600 km/g. Một chiếc dù có đường kính 21m giúp giảm tốc độ rơi của tàu, rồi một cần cẩu không gian gắn trên tàu bung dây hạ Curiosity xuống ở tốc độ 2,73 km/g. Cả sáu bánh xe của Curiosity đã chạm bề mặt sao Hỏa.
Đây là lần đầu tiên NASA thực hiện một cú đáp phức tạp như vậy. Khi hạ cánh, Curiosity đã lập tức chụp ảnh bề mặt sao Hỏa và gửi về Trái đất. Những bức ảnh đầu tiên đen trắng, có độ phân giải thấp cho thấy các bánh xe của Curiosity trên bề mặt sao Hỏa và cái bóng của nó. Trong vài ngày tới, NASA sẽ tiếp nhận các bức ảnh màu có độ phân giải cao về môi trường xung quanh khu vực Curiosity đáp xuống.
Cố vấn khoa học của ông Obama là John Hodren khẳng định cú hạ cánh của Curiosity “là bước tiến to lớn trong nỗ lực khám phá các hành tinh”. Ông cho biết robot này lớn hơn và hiện đại hơn nhiều so với các robot tự hành trước đó của NASA. Do đó cú hạ cánh an toàn là một thành tựu phi thường.
Theo trang Live Science, máy phát điện chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ cung cấp đủ điện năng cho robot Curiosity có kích cỡ một chiếc xe hơi hoạt động trong ít nhất 14 năm. Nó được trang bị 17 máy quay, các dụng cụ để khoan, xúc, phủi, phân loại và trữ các mẫu đá. Trong hai năm tới, Curiosity sẽ nghiên cứu môi trường bên trong miệng núi lửa Gale, cao hơn 5km. Các chuyên gia NASA lựa chọn địa điểm này bởi khu vực gần xích đạo sao Hỏa có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của nước.
Nước và sự sống trên sao Hỏa?
Giới khoa học đương nhiên không hi vọng Curiosity sẽ tìm ra người sao Hỏa. Theo CNN, NASA tuyên bố mục tiêu của dự án trị giá 2,5 tỉ USD này là đánh giá xem liệu sao Hỏa từng có môi trường hỗ trợ sự sống hay không, liệu cuộc sống có từng tồn tại trên hành tinh đỏ này không vào thời thanh xuân của nó cách nay 4 tỉ năm. Curiosity sẽ nghiên cứu đất, đá trên bề mặt sao Hỏa để phát hiện các dấu hiệu của sự sống, ví dụ như phân tử hữu cơ. Ngoài ra, dự án của NASA cũng là bước chuẩn bị cho một sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa trong tương lai không xa.
Giám đốc chương trình sao Hỏa Doug McCuistion của NASA khẳng định việc tìm hiểu tại sao sao Hỏa biến đổi từ một hành tinh ẩm ướt trở thành một thế giới khô khốc là cực kỳ quan trọng đối với khoa học và loài người. Giáo sư James Wray thuộc Viện Công nghệ Georgia cho biết việc tìm ra các phân tử hữu cơ có thể giúp giới khoa học trả lời những câu hỏi như “Liệu sao Hỏa từng có môi trường thuận lợi để sự sống tồn tại?”. Giới chuyên gia cho biết đây sẽ là một sứ mệnh lâu dài và Curiosity sẽ có rất nhiều thời gian để tìm hiểu và trả lời.
Theo kế hoạch của NASA, robot Curiosity sẽ hoạt động trong hai năm. Tuy nhiên, với nguồn năng lượng dồi dào, dự kiến Curiosity sẽ cư trú trên bề mặt sao Hỏa trong ít nhất một thập niên. Hai robot Spirit và Opportunity ban đầu chỉ có nhiệm vụ hoạt động trong 90 ngày, nhưng Spirit chỉ ngừng liên lạc với NASA vào năm 2010 do bị kẹt trong cát, còn Opportunity hiện vẫn đang hoạt động
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận