![]() |
Nguyễn Lâm Vinh Cường và Lã Ngọc Đức kiểm tra mô hình robot nhện trước khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp chiều 24-1 - Ảnh: Như Hùng |
Đáng lưu ý hơn là không chỉ dừng lại ở các sản phẩm robot phục vụ nghiên cứu khoa học hay tham dự các cuộc thi, nhiều bạn trẻ đã thâm nhập cuộc sống qua những sản phẩm robot phục vụ đời sống con người rất thiết thực.
Trăm hoa đua nở
Mới học lớp 12 nhưng “Robot đa năng phục vụ nông nghiệp” của Nguyễn Văn Hòa, Trường THPT Hiệp Hòa 2, tỉnh Bắc Giang, khiến nhiều người phải thán phục. Robot của Hòa có thể giúp nông dân phun thuốc trừ sâu, tưới nước, hái lượm... những chức năng tưởng như rất đơn giản nhưng vô cùng đắc lực với những nông dân vốn luôn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mỗi ngày.
Với sản phẩm này, Hòa đã đoạt giải đặc biệt của cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc thứ 6-2010 và được trao huy chương bạc tại triển lãm quốc tế Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ năm 2010.
Tại liên hoan Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ TP.HCM vừa diễn ra đầu tháng 1-2011, người xem được chiêm ngưỡng robot nhện của hai sinh viên năm cuối khoa khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là Nguyễn Lâm Vinh Cường và Lã Ngọc Đức.
Cần có định hướng PGS.TS Lê Hoài Quốc cho rằng sinh viên nên thả sức sáng tạo. Tuy nhiên không nên làm theo những thứ nước ngoài đã có. Theo tiến sĩ Quốc, việc phát triển sáng tạo khoa học trong giới trẻ nhất thiết phải có sự định hướng. “Định hướng ở đây không phải là ép buộc các bạn trẻ phải nằm trong một khuôn khổ nào đó, mà là giúp các bạn trẻ sáng tạo chứ không bắt chước người khác. Các hoạt động định hướng không thể do chính các bạn sinh viên hô hào được mà phải do các chuyên gia am hiểu sâu và có thông tin đầy đủ mới thực hiện. Nếu cứ theo kiểu trăm hoa đua nở sẽ không đi đến đâu cả, sẽ chẳng giúp mình tiếng tăm gì về mặt chất lượng khoa học cũng như ứng dụng thực tiễn” - tiến sĩ Quốc giải thích. |
Robot này có hình thù giống con nhện chỉ với sáu chân nên có thể di chuyển dễ dàng trên những địa hình phức tạp. Mục đích tạo ra robot nhằm phục vụ những công việc như thám hiểm các địa hình phức tạp nhờ gắn camera quan sát trên thân robot...
Ngoài ra còn có robot hoa có thể đóng mở cánh hoa, đung đưa thân, lá và “nhảy múa” theo nhạc... hay robot cá có thể lặn sâu hơn 1.000m để thám hiểm, tìm kiếm, cứu hộ dưới lòng sông, đáy biển...
Một nhóm sinh viên năm cuối khác gồm Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Minh Tuấn và Cao Việt Dũng cũng của khoa khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) vừa chế tạo robot có thể nhận diện được chữ in và cả chữ viết tay, đồng thời phát âm chữ viết đó.
Hay như robot có khả năng chơi cờ cùng con người với hệ số trận thắng 7/10 người chơi của Trần Ngọc Hiếu, sinh viên năm 3 khoa cơ khí Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Robot của Hiếu có hình dạng như một cánh tay, cử động linh hoạt... Và nhiều sản phẩm robot của các sinh viên khác.
Ở mức độ sinh viên
Đánh giá sự phát triển mạnh phong trào sáng tạo của tuổi trẻ thời gian vừa qua, anh Nguyễn Công Tĩnh, giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM, cho biết: “Thời gian qua trung tâm đã tổ chức khá nhiều cuộc thi cho các đối tượng thanh thiếu niên quan tâm đến lĩnh vực thiết kế, chế tạo kỹ thuật: cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi, cuộc thi ý tưởng sáng tạo trẻ, liên hoan sáng tạo khoa học công nghệ trẻ. Đối với các học sinh, những thiết kế robot vẫn còn khá đơn sơ nhưng đã thể hiện sự phát triển mạnh của phong trào. Đối với các bạn sinh viên, giảng viên trẻ ở các trường ĐH, những thiết kế đa dạng hơn và thể hiện tính khoa học, công nghệ cao hơn”. Tuy nhiên anh Tĩnh thừa nhận: “Sự phát triển của phong trào mới chỉ diễn ra ở mức độ sinh viên. Các sản phẩm cần phải được trau chuốt, nâng chất hơn về công nghệ”.
Để nâng chất hơn nữa các hoạt động sáng tạo trong trường học, theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM: “Các trường ĐH nên tổ chức các câu lạc bộ, ở đó có các diễn đàn để trao đổi thông tin. Trước khi muốn làm điều gì đó, sinh viên có thể đưa ra ý tưởng để mọi người cùng trao đổi, phản biện, đánh giá... từ đó giúp các bạn mài giũa khả năng sáng tạo hơn nữa. Cần có những tiếng nói phản biện để người chủ ý tưởng biết được nên làm thế nào, phải đạt được cái gì, khắc phục những nhược điểm gì để có thể nâng chất và tăng chiều sâu khoa học. Nếu có thể tiến đến ứng dụng thực tiễn thì quá tuyệt vời”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận