Một chuyên gia khí tượng tại Nhật Bản nhấn mạnh rằng không có cơ sở khoa học nào cho cái gọi là "mây động đất" và kêu gọi mọi người thận trọng, không nên lan truyền thông tin sai lệch.
Trước đó, sau trận động đất độ lớn 7,1 ngoài khơi tỉnh Miyazaki, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất tại rãnh Nankai.
Có nhiều tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội như: "Tôi nghe nói rằng mây động đất xuất hiện trước động đất" hay "Có ba hàng mây động đất".
Kentaro Araki, một chuyên gia về mây và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu khí tượng của JMA, khẳng định không thể xác định ảnh hưởng của động đất bằng cách nhìn vào mây.
Theo chuyên gia Araki, mây được phân thành 10 loại, trong đó có đám mây cirrus, đám mây stratus và đám mây cumulonimbus, dựa trên độ cao, hình dạng và các yếu tố khác, và có hơn 400 loại nếu được phân chia theo độ trong suốt và các yếu tố khác.
Trong số đó mây máy bay và mây sóng sọc rõ ràng thường bị nhầm lẫn với "mây động đất", nhưng ông khẳng định "khí tượng học có thể giải thích hình dạng và điều kiện của tất cả các đám mây thường được gọi là mây động đất".
Chuyên gia Araki cũng đăng trên tài khoản X ngày 8-8 rằng: "Mây không thể là dấu hiệu báo trước động đất".
"Mây động đất" đã trở thành một chủ đề mỗi khi xảy ra một trận động đất lớn. Từ năm 1983, sau trận động đất ngoài khơi tỉnh Akita, những tin đồn như vậy đã lan truyền, và báo Mainichi Shimbun khi đó đưa tin rằng JMA tuyên bố không có cơ sở cho những đám mây như vậy.
Cơ quan này khẳng định rằng "không có lời giải thích khoa học nào ủng hộ việc mây địa chấn xuất hiện liên quan đến động đất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận