Phóng to |
Du khách ghé ngang đoạn giáp giới xã Trà Phú và Trà Xuân, huyện Trà Bồng mua rau ranh, ốc đá |
Từ TP Quảng Ngãi về huyện miền núi Trà Bồng, ngang đoạn giáp giới giữa xã Trà Phú và Trà Xuân, nếu để ý bạn sẽ thấy nhiều người kê bàn hoặc mang sọt bán mớ rau ranh tươi và ốc đá còn sống bên vệ đường. Muốn thưởng thức tại chỗ, vào các quán cơm ở thị trấn Trà Xuân hầu hết đều có bán món ốc đá luộc sả ớt hoặc món canh rau ranh, ốc đá.
Du khách sang hèn đều khoái khẩu món ăn dân dã đầy phong vị miền núi này. Gọi vài tô ốc luộc bốc khói rồi bốc từng con đưa lên miệng hút nhẹ là ruột ốc béo ngậy cộng với hương vị cay xè của ớt và mùi thơm của sả đã "chạy" ngay vào miệng. Thực khách trẻ tuổi đến quán gọi tô ốc đá thường kêu thêm xị rượu để nhấm nháp đưa cay. Hút chán, gọi bát canh rau ranh ốc đá cũng nghi ngút khói lên ăn với cơm. Bát canh rau ranh mềm mại nhai nghe bùi bùi, cộng với ốc đá béo ngậy.
Canh rau ranh ốc đá bao giờ cũng có ít đậu xanh sền sệt nên ăn vào vừa mát vừa bổ dưỡng. Mùa nắng nóng, ăn bát canh rau ranh ốc đá xuất mồ hôi thấy nhẹ cả người. Tô ốc đá chỉ 3.000-4.000 đồng, còn bát canh rau ranh ốc đá thường tính kèm với các món ăn trong bữa cơm nhưng quá lắm cũng chỉ vài ba ngàn đồng.
Phóng to |
Ốc đá còn sống được bày bán |
Để có tô ốc, bát canh rau ranh hài lòng thực khách là câu chuyện dài.
Ở huyện miền núi Trà Bồng có nhiều loại cây rừng. Cây rau ranh có đặc điểm thân thẳng, lá dài giống lá mảng cầu xiêm nhưng mỏng hơn. Loài cây này mọc trên những đồi thấp ven dòng suối, có cây cao chừng vài mét, đường kính gốc cây dài hơn 1dm. Trong thời điểm chớm mùa mùa mưa hay mùa xuân về cây mọc lá non nhiều nên nếu còn nhỏ thì đồng bào dùng tay bẻ cành non, cao to thì dùng rựa đốn hạ rồi bẻ lấy đọt non đem về.
Trên huyện miền núi này có nhiều sông, suối đổ ra sông Trà Khúc hoặc sông Trà Bồng. Đây chính là chỗ trú ngụ sinh sôi nảy nở của ốc đá. Ốc có màu đá đen đùng đục chuyên bám vào đá nên gọi là ốc đá. Trong thời điểm tháng tám, tháng chín hằng năm khi trời mưa dông, ốc đá xuất hiện càng nhiều.
Phóng to |
Mớ rau ranh |
Rau ranh, ốc đá từ lâu đời là món ăn quen của đồng bào dân tộc Cor nên ở Quảng Ngãi lưu truyền câu ca:
“Rau ranh, ốc đáLà cá nậu (người) nguồn”
Muốn bắt ốc người ta thường mang rổ đi dọc dòng suối gỡ từng con bám vào vách đá hoặc lấy tay lùa bắt. Ốc bắt xong đem về rửa sạch, bán cho hàng quán hoặc báncho thực khách mang về chế biến thức ăn.
Để chế biến ốc, người ta thường giã ớt tươi hoặc lấy nhúm ớt khô bỏ vào chậu ốc đổ nước, quậy đều để chừng mươi phút thì toàn bộ nhớt và đất cát trong ốc thoát ra ngoài. Sau đó, rửa sạch rồi dùng kềm để bấm hoặc kê thớt chặt đuôi ốc. Làm như thế sau khi luộc chín mới hút được ốc.
Khi ốc được chặt đuôi xong, người ta bắt chảo lên bếp đổ dầu đun cho dầu chín rồi đổ ốc vào tao qua chừng năm phút mới đổ nước xâm xấp nồi và bỏ ớt, sả vào luộc sôi chừng vài chục phút, ốc chín đem ra dùng.
Còn món canh rau ranh, ốc đá thì sau khi ốc được chặt đuôi xong bỏ vào nồi thêm nhúm gạo, đậu xanh rồi bắc lên bếp nấu vài chục phút. Sau đó,lấy lá rau ranh non vò nhẹ bỏ vào cho sôi rồi mới nêm nếm cho vừa miệng thì múc ra tô. Thông thường người ta ăn bát canh rau ranh ốc đá có đầy đủ vị ngọt, bùi rồi mới bốc từng con ốc đưa lên miệng hút.
Món rau ranh, ốc đá dân dã cây nhà, lá vườn này lâu nay không chỉ là món ăn quen của người dân địa phương mà còn hấp dẫn nhiều du khách. Và trong thời buổi "thịt cá đủ đầy" thì món ăn quê này lại được nâng lên hàng đặc sản nên khi đi xa về nó lại trở thành món quà quý mà nhiều du khách dùng tặng người thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận