22/01/2022 08:59 GMT+7

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 3: Những thiên đường xinê bình dân

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Lứa chúng tôi - trang lứa 6X - phần đông là dân các xóm lao động. Tuy ít nhiều từng chạm đến những rạp xinê lộng lẫy như Rex, Eden, Đại Nam, Quốc Tế, nhưng chúng tôi quen thuộc nhất vẫn là các rạp xinê bình dân.

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 3: Những thiên đường xinê bình dân - Ảnh 1.

Rạp Long Vân ở khu vực Ngã Bảy những năm 1960 - Ảnh tư liệu

Rạp bình dân có gì vui lạ?

Những ai ở xóm Bàn Cờ không xa lạ với các rạp Đại Đồng, Long Vân, Nam Quang. Dân các xóm chợ Thái Bình và khu Cống Quỳnh thường đi các rạp Khải Hoàn, Hưng Đạo, Olympic, Quốc Thanh...

Bà con vùng Bà Chiểu thích vào rạp Huỳnh Long, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng - Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long). Dân Phú Nhuận là khách quen của rạp Văn Cầm và Cẩm Vân. Dân Hòa Hưng - Cống Bà Xếp có rạp Thanh Vân. Đi tiếp nữa, khu Ông Tạ có thêm rạp Đại Lợi.

Dân ở xa xa như quận 11 và miệt Cây Gõ có rạp Quốc Thái và rạp Tân Bình (Minh Phụng). Về phía Chợ Lớn, dân Sài Gòn khắp nơi tha hồ lui tới một chục rạp chuyên chiếu phim Hong Kong trên đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo, quận 5) và Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm).

Sài Gòn thời xưa hầu như quận nào cũng có các rạp bình dân lớn nhỏ, vừa là nơi hát bóng, hát cải lương, thoại kịch. Và kể cả đại nhạc hội với đủ loại hình văn nghệ thập cẩm.

Cái thú xem phim "rạp xoàng" có được trước nhất là do vé rẻ bằng phân nửa hay một phần ba so với "rạp sang". Mặt khác, khách được thưởng thức liên tiếp hai phim, thông thường một phim Tây, một phim Tàu, coi như du lịch hai lục địa!

Chỉ vào các ngày Tết, các rạp bình dân mới chiếu một phim và là phim chọn lọc, nhất là phim hài cho khách xem "lấy hên". Các rạp này chiếu "pẹc-ma-năng" - vào xem lúc nào cũng được. Càng khoái hơn nữa, trẻ em đi kèm người lớn thường được miễn mua vé!

Vào rạp, khách muốn ngồi đâu cũng được, vé thường không có số ghế. Trước rạp thường để hai ba khung căng tranh vẽ quảng cáo cho phim với nhiều hình ảnh và nét vẽ, câu chữ ngộ nghĩnh và hấp dẫn. Tùy tay nghề và cảm hứng của họa sĩ từng rạp mà tranh quảng cáo mỗi nơi mỗi khác. T

rước các rạp lại có đủ các quầy thuốc lá-kẹo-thịt bò khô và đủ loại thức ăn vặt để cầm vào nhâm nhi trong lúc xem phim. Ngoài ra, còn có các xe sinh tố-trái cây xay, trái cây tươi, bánh mứt, chè, nước dừa, nước ngọt. Chưa kể các hàng cơm tấm, bánh mì thịt, xôi gà. Cái "trung tâm ăn uống" đầy ắp vỉa hè đó hiếm có ở trước các rạp "thượng lưu"!

Song đã "bình dân" thì khách phải chịu xem phim cũ đã chiếu ở các rạp lớn từ nhiều tháng trước. Tuy vậy, có nhiều phim nổi tiếng "Tây Tàu" rất hay, được xem trễ cả năm vẫn đỡ ghiền lắm lắm.

Phim cũ, máy chiếu phim cũ, lâu lâu phim đang chiếu bỗng ngừng ngang. Lắm lúc, do cùng một phim mà "chạy" hai ba rạp, người đưa phim vì lý do xe cộ gì đó đến trễ thì khán giả tha hồ chờ để... nghe nhạc và ăn vặt!

Nhạc trong rạp vào lúc phim chưa chiếu thường là "tân nhạc", đủ loại từ nhạc tình dìu dặt như Ngậm ngùi, Dư âm, Mộng dưới hoa đến "kích động nhạc" khuấy động bởi cặp Hùng Cường - Mai Lệ Huyền. Cổ nhạc với những câu vọng cổ ngọt ngào trong những tuồng tích lâm ly kiểu Lan và Điệp hoặc bi hài như Tình chú Thoòng, cũng được phát tùy theo "gu" khách của từng địa phương.

Phần lớn các "rạp xoàng" đều trang bị ghế gỗ, ngồi lâu ê cả mông, xui xẻo thì dính thêm rệp!

Dưới chân ghế, khách vào thấy xả rác vô tội vạ còn trên ghế thì phải dòm chừng có bã kẹo sơ-vin-gôm hay không. Thỉnh thoảng đang xem phim ngon ơ, khách bỗng giật mình vì có mấy "chú tí"... chơi rượt bắt chạy ào qua chân, có khi còn đau điếng vì lũ chuột đói cắn vào ngón chân.

Các rạp bình dân thường chỉ xài quạt máy gắn sẵn trên cao, đồng thời có thêm quạt máy đứng to đùng. Một số rạp trang bị máy lạnh hẳn hoi nhưng là máy cũ, khi chạy nghe tiếng máy rì rì và chỉ lạnh vừa vừa. Riêng chuyện nhà vệ sinh thì ôi thôi, nhiều hình ảnh hãi hùng, không nên nhắc tới...

Rạp bình dân là vậy song dẫu sao vì rẻ tiền và gần nhà nên vẫn là thiên đường trong tầm tay cho người dân các xóm lao động và chợ búa.

Dân buôn thúng bán bưng hay xích lô hoặc trăm nghề tự do còn tìm đến rạp bình dân để vừa xem phim vừa... ngủ hay "giải sầu" đôi ba tiếng. Các cặp bồ bịch có bóp ví "lép kẹp" xem đây là nơi hò hẹn thoải mái. Còn giới học trò "nhất quỷ nhì ma" có thêm chốn tụ tập vui chơi khi có giờ trống, thậm chí "cúp cua" trốn học!

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 3: Những thiên đường xinê bình dân - Ảnh 2.

Các tờ quảng cáo phim rạp Đại Đồng, Thanh Vân, Khải Hoàn, Thanh Bình - Ảnh sưu tầm của Huỳnh Minh Hiệp

Những rạp xinê đầu đời

Với bọn nhóc ngày ấy, có lẽ rạp xinê đầu đời không phải là nhà lầu to bự hay cao ốc nguy nga. Tôi không quên được nơi xem phim lần đầu lại là chiếc "xe thùng hát bóng" trước cửa Trường tiểu học Phan Đình Phùng khu Bàn Cờ.

Thuở những năm 1950 - 1960, loại xe chiếu phim lưu động này có mặt ở đủ các xóm nghèo của Sài Gòn. Đó đúng là một thùng sắt kín mít, gắn sau đuôi xe đạp hay xe gắn máy. Thùng đủ to, hai bên nhô ra khoảng bốn năm cái "ống nhìn" như kiểu ống nhòm nhưng có một miếng kim loại che chắn, gọi là màn trập.

Bọn nhỏ trả tiền năm mười cắc gì đó - chắc khoảng 500 hay 1.000 đồng hiện tại, thì được ghé mắt vào "ống nhìn". Và rồi cái màn trập mở ra, thế là được bước vào cái rạp xinê tí hon, trông thấy nơi màn hình bên trong hiện lên phim trong vòng mươi phút.

Nào là Sạc-lô hay Tạc-zăng, nào là Zô-rô là những phim con nít ưa thích. Ngoài ra, còn có phim hoạt họa như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Vịt Đô-nan. Ngạc nhiên và thích thú, có cả phim hoạt họa về giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa vi trùng là phim tuyên truyền của ngành y tế.

Máy chiếu trên xe thùng là loại máy chiếu phim 8 li dùng cho gia đình, kêu rè rè. Còn phim, có lẽ là các đoạn phim nhặt nhạnh từ nhiều nguồn. Cố nhà văn Lê Văn Nghĩa có một tiểu thuyết rất cảm động, nhắc nhiều kỷ niệm lý thú về chiếc "xe thùng hát bóng" của "chú Hai Ngon". Riêng tôi, còn có kỷ niệm về một chiếc xe "hát bóng" khác.

Chiếc xe này nhỏ hơn, không chiếu phim mà chiếu... ảnh, bây giờ gọi là slides hay đèn chiếu. Khi chiếu các ảnh về các xứ sở năm châu bốn biển, cảnh sắc rực rỡ, phong tục lạ kỳ, ông già chiếu phim làm luôn chuyện "thuyết minh" bằng chất giọng khàn khàn nhưng trầm bổng quyến rũ. Lạ hơn nữa, ông cụt một tay nhưng vừa điều khiển máy, vừa nói rất nhịp nhàng, thuần thục.

Hai rạp xinê thực thụ đầu tiên tôi được gia đình cho đi là Đại Đồng và Long Vân, cách khu chợ Bàn Cờ chưa đầy 10 phút đi bộ. Rạp Đại Đồng nằm trên đường Cao Thắng khá bề thế, hai bên hông có bãi giữ xe và lối thoát hiểm to rộng. Hai chữ Đại Đồng được đúc bằng ximăng, cao nghệu, đặt trên nóc rạp, trông rất "oai phong".

Bên trong rạp để lấy ánh sáng tự nhiên vào giờ giải lao (tiết kiệm điện) thường có một đám nhóc tì chuyên đi đóng mở các cửa sổ trên tầng lầu. Trong khi ấy, rạp Long Vân ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) gần vòng xoay Ngã Bảy có phần to lớn hơn và lịch sự hơn. Mặt ngoài rạp là một tòa nhà bốn năm tầng, bên trong rạp có máy lạnh. Khách vào xem có cả bình dân và trung lưu.

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 2: “Vương quốc” xinê một thời Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 2: “Vương quốc” xinê một thời

TTO - Các rạp Rex, Eden và Quốc Tế đều là "rạp hạng nhứt", phần lớn chiếu phim mới nhất, độc quyền và không để trùng nhau. Đi xem phim tại các "rạp sang" là thú vui đắt tiền hiếm hoi cho nhiều gia đình.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên