Sau bão số 3, bên cạnh những trường hợp "trời ơi đất hỡi", "phông bạt", cộng đồng cũng được biết đến nhiều câu chuyện cảm động, dễ thương, truyền đi năng lượng tích cực.
Đen Vâu, Nguyễn Tuân, cả Y Phương đều xuất hiện
Nhờ sao kê đầy tranh cãi, người ta cũng ấm lòng thấy thông tin kiểu như tập thể lái đò Tràng An (Ninh Bình) ủng hộ thầm lặng 300 triệu đồng. Trước đó, câu chuyện bà con lái đò chùa Hương trắng đêm đẩy đò từ Ninh Bình lên Thái Nguyên cứu trợ đồng bào cũng gây xúc động với cộng đồng mạng.
Dân mạng nói vui "xưa có người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, nay có người lái đò chùa Hương góp sức, người lái đò Sào Khê góp tiền".
Vào những ngày cả nước cùng chung tay hướng về miền Bắc, những bản rap của Đen Vâu cũng viral trở lại:
"Nếu mỗi người cho ta một ngàn/ Là ta sẽ có ngay một tỉ đồng/ Lấy tiền đó lên vùng xa/ Xây được mấy cái lớp học vỡ lòng" (bài Một triệu like).
Ở đây không đề cập tới những ồn ào và tranh cãi liên quan đến con số ủng hộ 1.000 đồng/mỗi ly nước bán ra của một thương hiệu đồ uống mà phản ứng của cộng đồng có phần thái quá, câu của rapper Đen nhắc mỗi người nhớ lại câu cha ông hay nói: "Góp gió thành bão".
MV Một triệu like - Đen ft. Thành Đồng
Rõ ràng những ngày qua có bao chuyện đáng yêu, dễ thương theo tinh thần đó. Nói như diễn viên Thúy Diễm, khi tới báo Tuổi Trẻ gửi tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc là "góp theo sức mình, mong bà con sau bão ổn định cuộc sống".
Miễn sao chân thành, không "phông bạt", không "làm màu".
Một câu khác trong bài Một triệu like của rapper Đen Vâu cũng được nhắc đó là:
"Nhiều khi tao thấy tiếc/ Niềm thân ái mà tao đã vội trao/ Tụi nó sẽ không xuất hiện/ Khi không thấy một chút lợi nào" được dân mạng sử dụng để lên án những hành động trục lợi đồng bào, lợi dụng niềm tin người khác vào dịp này.
Trên fanpage "trích diễm" có hơn 300.000 lượt theo dõi, câu thơ "Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục" của cố nhà thơ Y Phương trong Nói với con nhận về 7.600 lượt like và hơn 600 lượt chia sẻ.
Y Phương viết Nói với con vào đầu thập niên 1980 khi đất nước mới hòa bình, thống nhất nhưng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Bình luận dưới bài đăng, một người dùng mạng xã hội viết "xưa sợ bài này lắm vì thơ tự do, nhiều chỗ không hiểu, bây giờ thì thấm từng chữ rồi nhưng mà đau lòng quá".
Tâm hồn Việt hiện diện
Một bài thơ khác, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ cũng được nhiều người truyền nhau đọc lại.
"Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục/ Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh/ Những mối tình trong bão tìm nhau".
"Thấm quá, thương quá", "Những ngày tháng 9-2024 muốn đọc bài thơ này hơn bao giờ hết", "Mong đất nước bình yên"... là chia sẻ của dân mạng khi đọc bài thơ này.
Bạn Thanh HO Thu viết: "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Mưa miền Bắc, miền Trung lạnh, miền Nam thổn thức!".
Dân mạng còn "đào" lại bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của nhà thơ Đặng Hiển. "Hôm nay mình cũng lẩm nhẩm bài thơ này, cầu cho nhà nhà bình an qua cơn bão", "hôm bão Yagi vừa đọc lại vì vẫn thuộc", "bão về, nhớ bài này", "từ hôm có bão, ngày nào bài thơ cũng chạy từng chữ trong đầu"... là các chia sẻ.
Thậm chí một bài thơ không được đại chúng biết đến nhiều của cụ Nguyễn Trãi là Dạy con ở cho có đức cũng được dân mạng "mò" ra.
Trong đó có đoạn như ghim vào tâm trí khi nghĩ về nghĩa đồng bào của người Việt Nam những ngày này: "Tiếng rằng, ngày đói tháng đông/ Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho/ Miếng khi đói, gói khi no/ Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng". Chí tình chí lý quá!
Hóa ra những đẹp đẽ lẫn ồn ào trong những ngày qua đều có hết trong thơ văn và ca nhạc các thế hệ. Văn hóa văn nghệ hiện diện và "sống trải" trong tâm hồn người Việt đầy bất ngờ như thế. Để những ngày bão lụt, lẩm nhẩm một câu thơ, một bài hát cũ cũng thấy ấm lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận