11/04/2016 08:58 GMT+7

Rao bán tên lửa trên Facebook

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Tại nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới hiện nay, việc mua một khẩu tên lửa vác vai chưa bao giờ dễ dàng như thế với sự trợ giúp của mạng xã hội Facebook!

Quảng cáo tên lửa chống tăng trên trang Facebook ở Syria -  Ảnh chụp màn hình
Quảng cáo tên lửa chống tăng trên trang Facebook ở Syria - Ảnh chụp màn hình

Facebook ngày nay đã trở thành một “xã hội” thực thụ trong không gian ảo với cả tỉ công dân chăm chỉ “check in” mỗi ngày.

Điều trớ trêu là nếu như làm quen với một người xa lạ dễ bao nhiêu thì việc một tên khủng bố tìm mua súng cũng dễ chừng ấy!

Từ súng ngắn, lựu đạn, súng chống tăng, súng máy hạng nặng, thậm chí cả tên lửa tầm nhiệt... được rao bán đầy trên các chợ vũ khí trực tuyến, đặc biệt ở các khu vực đang có xung đột vũ trang.

Dựa trên một báo cáo của Hãng tư vấn về vũ khí Armament Research Services (ARES), tuần vừa qua hai nhật báo The New York Times của Mỹ và The Times của Anh đăng tải các phóng sự điều tra vạch trần nhiều giao dịch mờ ám mua bán vũ khí qua mạng xã hội tại Libya, Syria, Iraq, Yemen - một thực tế gây không ít ngạc nhiên.

Mua súng như mua... rau

Không khó để nhận ra các chợ vũ khí trực tuyến xuất hiện nhiều nhất ở các khu vực nơi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có sự hiện diện mạnh mẽ; Syria, Iraq... là những địa danh quen thuộc trên mặt báo.

Điều tra của New York Times cho thấy có nhiều bằng chứng của việc rao bán vũ khí quân dụng quy mô lớn, vốn được bọn khủng bố và phiến quân thèm khát, đang diễn ra thông qua các bài viết trên Facebook.

Trong số vũ khí này có một lượng lớn vốn do Mỹ cung cấp cho các lực lượng an ninh, quân nổi dậy và đồng minh ở Trung Đông.

Facebook có một tính năng khá hữu dụng đối với những người yêu thích sự bí mật là các hội nhóm kín (closed group). Nhiều vụ giao dịch vũ khí được tiến hành chính trong những nhóm này; người sở hữu “hàng nóng” đăng hình ảnh quảng cáo vào nhóm và người có nhu cầu sẽ liên lạc với họ.

Đây có thể xem là một hình thức quảng cáo điện tử có chọn lọc. Trong số những bức ảnh được đăng tải, người ta đã thấy có súng máy hạng nặng gắn trên xe có thể dùng bắn máy bay, tên lửa chống tăng có chức năng dẫn đường và một loại tên lửa tầm nhiệt vác vai thế hệ đầu...

Báo cáo của ARES từng ghi nhận 97 vụ mua bán tên lửa, súng máy, súng phóng lựu, súng phá hủy thiết bị quân sự (AMR)... được tiến hành bởi các nhóm Facebook của người Libya từ tháng 9-2014.

Năm ngoái, ARES cho biết họ phát hiện một quảng cáo rao bán tên lửa phòng không vác vai SA-7 lớp Stinger trên Facebook.

Các tay lái buôn người Libya cho biết họ sở hữu hai khẩu SA-7 hoàn chỉnh đi kèm hai quả tên lửa. SA-7 khó bắn trúng chiến đấu cơ nhưng là vũ khí nguy hiểm đối với trực thăng và máy bay thương mại.

Rất nhiều đơn vị vũ khí này đã vuột khỏi sự kiểm soát của Nhà nước Libya vào năm 2011 khi các nhóm nổi dậy và hôi của càn quét các kho vũ khí.

Mạng xã hội và vai trò bất đắc dĩ

Cách đây năm năm, việc dùng mạng xã hội để bán vũ khí có thể nói còn xa lạ với các quốc gia như Libya, nhưng phong trào “Mùa xuân Ả Rập” sau đó đã thay đổi tất cả.

Trước khi đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya có một thị trường vũ khí bị kiểm soát nghiêm ngặt và việc sử dụng Internet cũng rất giới hạn.

Còn hiện nay chợ vũ khí trên mạng không chỉ xuất hiện ở Libya mà còn tại các quốc gia đang bị hoành hành bởi xung đột, phiến quân và khủng bố như Syria, Iraq, Yemen...

Người ta vẫn chưa rõ thị trường mua bán vũ khí trên Facebook hiện đang ở quy mô nào, nhưng tốc độ xuất hiện các bài viết mới có liên quan đến chủ đề này đang tăng nhanh.

ARES ghi nhận khoảng 250-300 mẩu quảng cáo như vậy trên trang Facebook Libya mỗi tháng, tính cả khu vực Trung Đông là khoảng 6.000 mẩu và thực tế có thể còn hơn.

Bản thân Facebook cũng hiểu rõ những gì đang xảy ra với cộng đồng của họ, vì thế mới xuất hiện quy định cấm giao dịch súng đạn hồi cuối tháng 1-2016 trong điều lệ sử dụng của mạng xã hội này.

Quy định trên có hiệu lực với cả trang chia sẻ ảnh Instagram và chỉ ngoại lệ đối với các cá nhân và pháp nhân được cấp phép mua bán.

Bà Monica Bickert, người chịu trách nhiệm phát triển và thực thi các quy định về nội dung của Facebook, cho biết phần quan trọng nhất trong nỗ lực của công ty “giữ an toàn cho người dùng” là tính năng “báo cáo (report)” được tìm thấy trên mỗi bài viết.

Facebook có hẳn một đội ngũ thông thạo hàng chục thứ tiếng chịu trách nhiệm kiểm tra báo cáo của người dùng.

Nhưng trên thực tế chính sách này hiệu quả đến đâu vẫn còn chưa rõ. Một số nhóm buôn vũ khí trên Facebook mà tờ New York Times điều tra đã hoạt động từ hai năm trở lên và có hàng ngàn thành viên trước khi Facebook công bố chính sách mới.

Người phát ngôn Facebook Christine Chen bày tỏ công ty chỉ biết dựa vào gần 1,6 tỉ người dùng mỗi tháng trong việc phát hiện những người vi phạm quy định về nội dung - nghe qua chiếc lưới này có vẻ hơi thưa!

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên