Bạn nam…@ 30 tuổi thì than là mình vừa bị hẹp vừa bị “đứt thắng” nên mỗi lần “làm ăn” vừa đau vừa sợ. Chuyện “cái áo da” của các chàng tưởng nhỏ nhưng không nhỏ chút nào.
Phóng to |
“Cái áo da” đặc biệt
Tạo hóa rất cẩn thận khi may “cái áo da” bao phủ “cu tí” hai lớp. Lớp ngoài phủ kín phần thân rồi thì quặt ngược lại 180 độ và dính sát vào rãnh quy đầu (mà các bạn gọi là khấc). Ở mặt dưới của cu tí, lớp này gấp lại thành chữ V ngược gọi là “cái thắng” (các anh thỉnh thoảng lại… đứt thắng vì nó ngắn và lại bị “động thủ” mạnh quá). Bên trong hai lớp da gồm nhiều sợi thun giãn làm cho phần bao này có thể tuột lên, tuột xuống, lộn ra ngoài dễ dàng. Quan sát bé trai chúng ta thấy “cái áo da” phủ kín từ đầu đến gốc cu tí. Khi dậy thì, testosterone như chất bón thúc nên cu tí vươn ra phía trước, phình bề ngang để phần đầu cu tí lộ hẳn ra, vùng da bọc nó buộc phải lùi lại nhưng vẫn có khả năng thun giãn.
Khi cái áo hẹp
Các bậc cha mẹ để ý sẽ phát hiện ra sớm. Đó là khi trẻ tè nước tiểu không chảy thành tia mà nhỏ giọt. Đầu cu tí bị phần da chèn vào, áp suất nước tiểu sẽ đẩy mạnh khiến đầu cu cậu phồng lên. Cái bao da này lại làm thêm việc là hứng phần nước tiểu bị đọng nơi đây. Vì thế trẻ dễ bị viêm nhiễm, đầu cu tí sưng đỏ. Cha mẹ đưa đến bệnh viện bác sĩ khuyên rạch da để “giải thoát” thì sợ cháu còn bé, vì thế bác sĩ chọn giải pháp nong rộng ra (cho dễ tè). Đến khi dậy thì, thân cu tí lớn nên cái bao trở thành chật chội, các chàng trai âm thầm chịu đựng và lo lắng. Chàng nào thấy “công cụ” chậm lớn thì sợ (thường là do chít hẹp hoàn toàn), chàng nào gặp bạn gái mà cu tí “đứng dậy” lại có cảm giác hơi đau hoặc tức (thường là do chit hẹp đờ-mi). Nỗi lo lớn dần, có chàng đám hỏi xong vội vã xin bác sĩ “vung dao” cho một đường quyền để em còn… cưới vợ.
Theo thống kê của các nhà tiết niệu thì khoảng 10% nam giới nước ta bị hẹp bao quy đầu. Con số không nhỏ, nhiều tương đương với số người bị cao huyết áp. Có điều cao huyết áp thì gặp bạn bè là giãi bày, còn việc “cu tí bị bóp cổ” thì chả anh nào dại mà khoe với bàn dân thiên hạ. Nếu cứ âm thầm “sống chung với hẹp” thì sao? viêm nhiễm sẽ làm cho tổ chức xơ đến đây làm ăn, cu tí lệch phải hay lệch trái, thân “cậu nhỏ” mất tính mềm mại mà trở thành cứng. Bạn có vợ mà mỗi lần “làm ăn” lại bị đau, người ta “lạc vào động thiên thai” còn mình lại “rơi vào bụi gai” thì còn gì vui thú. Quá trình viêm âm ỉ, bựa sinh dục ứ lại là tiền đề của biến đổi cấu trúc tế bào và lâu ngày dễ trở thành ung thư dương vật và nếu bị phẫu thuật cắt bỏ thì thật đau lòng. Chuyện một miếng da bé tí lại biến thành con voi.
Cắt sớm cho chắc
Các nước phương Tây cho rằng con trai ra đời là cắt bao quy đầu (cho khóc luôn một thể) để vệ sinh sạch sẽ và khi dậy thì cu tí sẽ lớn nhanh hơn lại tránh được những viêm nhiễm không đáng có. Ở ta, các bậc cha mẹ phần thiếu hiểu biết, hoặc biết nhưng thương con, sợ nó đau rồi khi con đi học thì quên mất. Mong là các gia đình thương con cho đúng cách, kẻo sau này hối hận.
Tuổi Trẻ Cười số 455 (1-07-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận