09/07/2019 13:28 GMT+7

Rà soát ngành hàng có nguy cơ phát triển nóng, chặn gian lận xuất xứ

NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI
NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI

TTO - Bộ Công Thương sẽ rà soát các ngành hàng, lĩnh vực có nguy cơ phát triển nóng, đưa ra cơ chế cảnh báo phòng vệ thương mại để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa.

Rà soát ngành hàng có nguy cơ phát triển nóng, chặn gian lận xuất xứ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương chủ trì cuộc họp triển khai đề án chống gian lận xuất xứ - Ảnh: MOIT

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp của Bộ Công Thương sáng 9-7 nhằm triển khai thực hiện đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa được Thủ tướng ban hành.

Theo ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện đã có hệ thống cảnh báo phòng vệ thương mại bên cạnh việc quản lý nguồn gốc qua chứng nhận xuất xứ, xây dựng cơ chế phối hợp trong khung khổ hợp tác song phương và đa phương để tạo cơ chế cảnh báo.

Tuy nhiên, bộ trưởng thừa nhận tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí có gian lận về xuất xứ. Đặc biệt là khi tham gia vào các FTA với các ưu đãi giảm thuế quan về 0% được thực thi tới 70-80% hàng hoá, dẫn tới nguy cơ lợi dụng ưu đãi xuất xứ, đặc biệt trong các ngành hàng lớn như gỗ, gỗ dán, điện tử, da giày…

Các ngành hàng này đều có nguy cơ trở thành đối tượng của hoạt động trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Phòng vệ thương mại tập trung giải pháp đối với các ngành có nguy cơ cao như các ngành hàng đang phát tiển quá nóng, các nhóm sản phẩm xuất khẩu sang EU, Mỹ - những thị trường quan trọng đang tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, ông Tuấn Anh cho rằng cần thành lập tổ công tác để theo dõi, đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành tổ chức để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tạm nhập tái xuất, nơi diễn ra nhiều hoạt động gian lận thương mại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", đặt ra yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu.

Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Không chỉ yêu cầu tăng cường giám sát các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Chính phủ còn yêu cầu rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang tăng cao.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Các nội dung trên được đề cập trong đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết gần đây, cụ thể là EVFTA và CPTPP.

Đặc biệt, đề án nhấn mạnh vào việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng VN bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của VN trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Trước đó, theo Báo cáo cạnh tranh năm 2018 của Bộ Công thương, chỉ tính riêng trong năm 2018, Việt Nam đã đối mặt với 140 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước. Chiếm nhiều nhất trong tổng số các vụ kiện là hình thức chống bán phá giá (87 vụ), tiếp theo là chống trợ cấp (37 vụ) và 16 vụ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ các nước 5 vụ kể từ năm 2014 đến nay, và 6 vụ áp dụng biện pháp tự vệ kể từ năm 2010.

Thủ tướng: Ngăn chặn việc mượn xuất xứ Việt Nam Thủ tướng: Ngăn chặn việc mượn xuất xứ Việt Nam

TTO - Ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài nhái hàng Việt, tháo các điểm nghẽn hạ tầng, tăng phân cấp đầu tư cho địa phương... là những nội dung được các địa phương kiến nghị Chính phủ tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4-7.

NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên