Thế nhưng, theo kinh nghiệm của một số người từng bị lừa thì họ cho rằng thời buổi hiện nay là thời buổi “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều” nên đa số những người gặp phải hoàn cảnh không may như bị giật vé số, xe bị hết xăng, đưa mẹ đi chữa bệnh bị móc túi đều là “đóng kịch”. Táo bạo hơn, có kẻ còn giả làm người của phường đến tận nhà bán thuốc diệt muỗi, nước thông hầm cầu với mục đích lừa tiền của những người nhẹ dạ.
![]() |
Bạn tôi, người đã bốn lần bị lừa chỉ vì quá tin người kể: “Hôm đó đi làm về, tôi ghé vào đổ xăng thì thấy một thanh niên mặt buồn như đưa đám đến nói quê ở Long An, giờ về quê mà bị kẻ xấu móc bóp hết tiền, nên ngỏ ý xin tôi tiền đổ xăng. Tôi tưởng thiệt nên ngoài cho tiền đổ xăng còn cho thêm hai trăm ngàn dằn túi đi đường” Nói rồi, dừng lại một lúc anh tiếp: “Cho xong tui vừa đi ra thì mấy bà bán hàng rong mới nói cho tui biết là tui bị lừa, vì thằng đó ngày nào cũng tới đây xin với điệp khúc quen thuộc “đang trên đường về quê bị móc bóp hết tiền”. Tức mình tui quay lại hỏi cho ra lẽ thì nó chưởi tui ngu, bị lừa ráng chịu chứ còn hỏi han làm gì!”
Và có lẽ không riêng gì bạn tôi, mà hình ảnh một thanh niên, mặt buồn như mất ví đứng xớ rớ ở các cây xăng như ở đường Cộng Hòa, Trường Chinh với chiếc xe cà tàng, yên xe lúc nào cũng bật lên sẵn cùng cái nắp xăng cầm trên tay, còn trong bình thì không có giọt xăng nào miệng thảm thiết: “cô, chú ơi làm ơn cho con ít tiền đổ xăng, con đang trên đường đến bệnh viện thăm nuôi mẹ đang nằm viện thì hết tiền” hay “Cô bác, anh chị cho con xin vài ngàn đổ xăng, con vừa đi làm về nghe tin mẹ bị tai nạn, chạy tới bệnh viện nhưng bị rớt mất bóp”. Thú thật, khi thấy hoàn cảnh như vậy ít ai cầm lòng được, vì nghĩ anh chàng này có hiếu với mẹ chứ ít ai biết là cách đó vài chục mét, có một gã khác mặt mày hung tợn đang ngồi canh me cho đồng bọn “làm ăn”, gã này có nhiệm vụ canh công an để báo cho gã xin tiền bỏ chạy hay người nào đó phát hiện lên tiếng thì chúng xông vào đòi “xin tí huyết”.
Ông Hòa, một nạn nhân của bọn “giả hoàn cảnh” kể : “Lúc trước tôi cũng chỉ có nghe phong thanh thôi, không có tin, mãi đến hôm tôi vào đổ xăng có người tới xin tiền đổ xăng, tôi không cho tiền, mà kêu nhân viên bán xăng bơm xăng cho nó đầy bình luôn. Trả tiền xong, thấy nó chần chừ không chịu đi, tui định ra hỏi thì nó lên xe phóng vô hẻm. Tôi chạy bọc đường khác ra đầu hẻm thì thấy tụi nó đang rút xăng vô can, tôi coi như không biết chạy ra đứng gần cây xăng thì thấy nó dắt xe ra đứng xin nữa đúng như tôi dự đoán. Sau lần đó tôi luôn cảnh giác khi đi đổ xăng”.
Bị lừa ngoài đường còn đỡ, chứ đang ở trong nhà mà bị lừa như anh B, ở tỉnh Bình Dương mới tức.
Chuyện là sáng nọ, sau khi đưa con đi học, vợ ra chợ bán hàng, chỉ còn một mình ở nhà, anh B. tranh thủ làm việc nhà thì có hai người một nam một nữ xuất hiện. Ra mở cửa, chưa kịp hỏi han gì, hai người tự xưng là người ở phường xuống bán nước thông hầm cầu. Thấy hai người áo quần chỉnh tề, lại còn mang cả bảng tên, anh không nghi ngờ gì, nên mời họ vô nhà. Vô nhà, nói vài ba câu họ ra xe mang vào hai thùng nước xả hầm cầu, thông cống bảo anh mua. Anh từ chối vì giá hơn 2 triệu đồng và hẹn vài hôm nữa sẽ lên phường mua thì họ dọa: “chỉ còn hôm nay nữa là hết hạn qui định của phường, đầu giờ chiều phường sẽ có đoàn kiểm tra đi từng nhà, phát hiện nhà nào chưa mua nước thông cống này để làm sạch cống bảo vệ môi trường sẽ bị phạt nặng”. Nghe nói phường xuống phạt nặng anh sợ nên đồng ý mua hai thùng nước xả hầm cầu, thông cống với giá hơn hai triệu mang vào đổ vô bồn cầu thì cay đắng phát hiện ra chỉ có cái vỏ chai bên ngoài ghi là “dung dịch thông cầu, cống” còn bên trong là nước lạnh pha phẩm màu. Tức mình anh chở hai thùng nước thông cống, xả hầm cầu lên phường khiếu nại thì mới ngả ngữa khi cán bộ phường khẳng định “phường không có chủ trương cho người vào tận nhà chào bán sản phẩm. Cũng không có chuyện đi kiểm tra để phạt vì tội không mua nước thông cống, xử lý hầm cầu”.
Được biết, ngoài những chiêu lừa trên, còn có cả chiêu giả làm người nhà chùa đi lừa đảo tiền xây chùa. Chị L, một nạn nhân của bọn lừa đảo núp bóng nhà sư kể: “Sáng hôm đó, tôi vừa từ nhà đi ra cửa hàng thì có một người đàn ông mặc áo quần nhà sư đến kêu tôi ủng hộ nhà chùa. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì ông ta lấy ra cuốn sổ kêu tôi ký tên ủng hộ, tôi ký xong ổng đưa tôi một miếng kim loại màu vàng to bằng hai ngón tay rồi bảo đóng tiền. Tui trả lại nói không mua, ổng trợn mắt kêu ký tên rồi phải mua. Hỏi bao nhiêu ổng nói tùy lòng hảo tâm, tui đưa 10 ngàn thì ổng nói “tùy lòng hảo tâm nhưng phải coi cho được con mắt” và ra giá 50 ngàn. Biết mình bị lừa tui rất tức, nhưng vì buổi sáng mới mở của hàng nên tui không muốn đôi co to tiếng”. Và cuối cùng, chị kết luận một câu nghe rất tâm trạng rằng: “mình đi tìm người ta mới khó, chứ khi người ta đã tìm tới mình rồi thì khó mà thoát”.
Tuổi Trẻ Cười số 486 ra ngày 15/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận