Từ ngày vào mạng thông thạo, bà Trần Thị Khánh Trang, một nhân viên ngành dược, đâm ra khoái tham gia các diễn đàn của các bà mẹ để chia sẻ cho nhau đủ thứ chuyện trên đời, từ kinh nghiệm nấu ăn đến mua sắm... nhưng rôm rả nhất vẫn là chuyện chồng con.
Không chỉ đọc mà bà còn nhiệt tình nhảy vào “gỡ rối’ cho thiên hạ. Những phân tích của bà được mọi người “lai” (like) quá chừng làm bà tự hào khi phát hiện ra khả năng tư vấn của mình. Tuy nhiên, người ta thường nói chuyện nhà người thì sáng, chuyện nhà mình thì tối, cấm có sai. Mới đây, lão chồng ngoan ngoãn suốt 7 năm nay của bà bỗng dưng giở chứng học thói trăng hoa. Nửa đêm, lão hay thức dậy bật máy tính, bà hỏi thì lão bảo phải kiểm tra “meo” của đối tác bán hàng coi người ta báo giá như thế nào. Vì toàn là người nước ngoài nên “meo” đến mình vào giờ đêm. Linh cảm khiến bà muốn xem tận mặt mấy cái “meo”. Rình mãi, bà mới bắt gặp lão chồng đang chát với một “con nhỏ” với giọng điệu nhả nhớt: “Nhớ lắm, thương lắm, ghét lắm, muốn lắm…”. Bà tái mặt hỏi chồng: “Họ báo giá hàng gì, mà ông trả lời kỳ vậy?”. Chuyện rõ ràng như thế, mà lão vẫn chối leo lẻo, bảo là đứa nào nó nhầm địa chỉ, lão chỉ đùa lại cho vui…
Bà mang nỗi niềm đưa lên diễn đàn. Ngay lập tức có hàng loạt quân sư lên tiếng tham mưu cho bà. Khổ, “quân sư” nào cũng cho rằng cách của mình hợp lý hơn. Càng đọc càng rối loạn chẳng biết làm gì trong khi lão chồng vẫn ngày thì quần áo ăn diện, tươi hớn hở, đêm thức bên máy tính.
Cũng có chồng đang thèm của lạ, bà Phạm Hoàng Thu Giang, một nhân viên ngành hàng không, đọc hết các ý kiến của quân sư trên mạng, rồi rút ra một cách giải quyết tối ưu: bà tắm trắng, làm “mặt vi lai”, nối mi, tẩy nốt ruồi, chiều chồng… Đó là chính sách đối nội với ông xã, còn đối ngoại với “con kia”, bà thuê giang hồ đến dằn mặt ngay trước công ty của nó. Chủ trương của bà là hù cho nó sợ, nó ăn cắp tình yêu, thì phải làm cho nó nhục trước đồng nghiệp của nó. Kết quả, bà được công an mời đến giải quyết vụ việc bà chủ mưu hành hung người khác. Sau vụ đó, chồng bà tuyên bố cạch mặt bà vợ dữ dằn: “mặt mũi thì như người giả, còn tâm hồn thì dễ sợ”. Bà cảm thấy quê, không dám lên mặt với chồng. Bà ngạc nhiên, các quân sư chỉ vẽ cho bà từ kinh nghiệm thành công của họ, sao bà áp dụng lại thất bại thê thảm vậy?
Đó cũng là tâm trạng của không ít bà vợ. Thật ra, khi đưa vấn đề ra cho thiên hạ mổ xẻ, các khổ chủ thường chỉ chăm vào khuyết điểm của đối tượng, vào lý do khiến mình bức xúc mà lờ đi các yếu tố chung quanh, hoàn cảnh và nhất là khuyết điểm của bản thân... nên cái nhận lại thường “trật chìa”.
Bà Lê Kim Hồng Tú, cũng đang có nỗi khổ với bà mẹ chồng lúc nào cũng nhõng nhẽo với con trai: “Sao không mua cái này, cái kia cho má, sao không chở má đi chơi…”, nhưng với con dâu lại khó khăn xét nét. Con dâu kho cá, mẹ chồng bảo chưa thấm, nấu chè bảo không ngọt, gọt xoài, gọt bưởi bảo không khéo… Bà có cảm giác mẹ chồng dìm hàng con dâu. Bà hỏi ý kiến các quân sư, nhận được 65% lời khuyên ra ở riêng ngay cho nó lành. Mẹ chồng nàng dâu không thể chung một mái nhà.
Vậy là bà vội vã bắt chồng phải ra tìm nhà trọ, phải dành dụm tiền để mua nhà. Để thực hiện kế hoạch to lớn này, bà ngưng chuyện bầu bì lao vào việc kiếm tiền.Thế là chẳng những mẹ chồng nàng dâu mặt nặng mày nhẹ và vợ chồng bà cũng lạnh lùng với nhau. Ông chồng không muốn ở riêng, bảo sau này có má lo cho cháu nội, vợ chồng đi làm còn gì yên tâm bằng. Ông chồng lôi ra hàng loạt điều có lợi khi ở với má chồng, bà vợ đuối lý. Bà chợt nhớ, lúc đưa lên mạng để hỏi ý kiến quân sư, bà chỉ kể toàn khuyết điểm của má chồng, còn ưu điểm giấu biệt, trong đó ưu điểm lớn nhất là: “Má có tiền của má, hai đứa bây khỏi lo, làm được bao nhiêu, xài hay cất tùy bây”. Bà rút kinh nghiệm: “lên mạng chia sẻ để được động viên, được hỗ trợ tinh thần vượt khó, chứ muốn làm theo thì phải… xem xét lại.
Tuổi Trẻ Cười số 523 ra ngày 15/5/2015 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận