24/05/2024 12:22 GMT+7

Ra giữa đường nhảy múa 'đu trend' bất chấp, người ta có vậy không?

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước khác cũng đau đầu về hành vi ra giữa đường nhảy múa, quay clip đăng mạng xã hội. Họ xử phạt ra sao?

Ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh một phụ nữ đang tập yoga giữa đường để quay phim ở thành phố Rajkot, bang Gujarat, Ấn Độ - Ảnh: Indian Express

Ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh một phụ nữ đang tập yoga giữa đường để quay phim ở thành phố Rajkot, bang Gujarat, Ấn Độ - Ảnh: Indian Express

Chuyện chiếm dụng đường sá công cộng để thực hiện những hành vi lập dị không chỉ là vấn nạn đau đầu ở Việt Nam.

Ở một số nước khác, cơ quan chức năng cũng phải xử lý những vụ ra giữa đường nhảy múa, tập yoga hay quay clip đăng mạng xã hội giữa đường, cản trở giao thông.

"Đu trend" bất chấp tính mạng

Năm 2018, cả thế giới dường như "phát sốt" với trend (xu hướng) "In My Feelings", tức nhảy theo bản hit In My Feelings của rapper người Canada Drake nổi đình đám khi ra mắt đầu tháng 7 năm đó.

Chuyện sẽ chẳng là gì nếu "dân đu trend" đơn giản chỉ nhảy theo nhạc của ca sĩ mình thần tượng, nhưng trào lưu này đã nhanh chóng trở nên đáng báo động khi mạng xã hội tràn ngập những clip "đu trend" cực kỳ nguy hiểm.

Trong các clip, nhà nhà người người nhảy ra khỏi xe hơi (khi đang chạy chậm) rồi nhảy theo chiếc xe vẫn đang di chuyển trên đường.

Theo CBS News, chỉ trong vòng vài tuần sau khi bài hát ra mắt, hashtag #InMyFeelingsChallenge trên Instagram đã có hơn 200.000 bài đăng liên quan.

Người "đu trend" sau lại muốn vượt mặt người trước, hậu quả đã có một số người bị thương trong khi quay clip, có người bị té khi đang nhảy khỏi xe, người khác lại quay phim ngay trên những con đường đông đúc với nguy cơ bị xe tông cao, CBS News đưa tin.

Một vài người thậm chí còn đăng tải video mình bị tông khi đang nhảy múa trên đường.

Hậu quả, Đài NDTV đưa tin một thiếu niên Mỹ bị bể xương sọ sau khi thực hiện thử thách này ở một bùng binh.

Một người phụ nữ khác thì bị cướp khi đang mải tập trung vào động tác nhảy múa của mình, trong khi những người khác vấp ổ gà...

Một số sở cảnh sát ở Mỹ và trên toàn thế giới phải đưa ra cảnh báo, kêu gọi người dân không "đu" theo trend nguy hiểm đó nữa.

Bị bắt vì "vi phạm đạo đức công cộng"

The Indian Express đưa tin, tháng 9 năm ngoái, "chỉ vài giờ sau khi xuất hiện đoạn video một phụ nữ tập yoga giữa đường dưới mưa ở thành phố Rajkot, bang Gujarat, Ấn Độ, cảnh sát đã bắt giữ người này với tội danh cản trở giao thông".

Tất nhiên, không thiếu bằng chứng khi cô này tập yoga, một số ô tô đi hướng ngược lại phải chạy chậm và tìm cách né tránh.

Cảnh sát đã xác định người phụ nữ trong video là Dina Parmrar, 40 tuổi, là giáo viên yoga. Cô cho biết mình là một công dân chấp hành pháp luật, tuân thủ luật lệ giao thông và rất hối hận khi tập yoga giữa đường.

Dina Parmar được thả sau khi nộp phạt. 

Cũng liên quan đến bản hit In My Feelings của rapper người Canada Drake, theo Gulf News, 3 người nổi tiếng trên mạng xã hội tại Abu Dhabi cũng bị bắt vì tham gia thử thách "gây nguy hiểm đến tính mạng của họ, vi phạm đạo đức công cộng và vi phạm luật giao thông".

Còn ở Dubai, bất kỳ ai bị bắt khi thực hiện thử thách sẽ bị 23 điểm đen trên giấy phép lái xe (24 điểm là treo bằng từ 3 tháng đến 1 năm) cũng như bị tạm giữ xe trong 60 ngày.

Theo Hurriyet Daily News, ca sĩ kiêm diễn viên Thổ Nhĩ Kỳ Hulya Avsar đã chia sẻ một video trên Instagram ghi lại cảnh cô thực hiện thử thách, thu hút đến 3 triệu lượt xem thời điểm đó.

Ngôi sao này cũng đối mặt với việc bị phạt vì gây nguy hiểm cho giao thông.

Do mạng xã hội hay do hành vi lệch chuẩn của con người?

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến các hành vi lập dị trở thành vấn nạn như hiện nay, phần lớn bạn đọc cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ... mạng xã hội!

Mục tiêu của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông hữu ích trên nền tảng Internet. Tuy nhiên, dần về sau, ý nghĩa này bị lạm dụng và dẫn đến những mặt trái như đã thấy.

"Cũng tại cái "tóp tóp" (TikTok) phổ thông quá", bạn đọc Phạm Thiết Hùng viết.

Cùng suy nghĩ, bạn đọc Sơn nhận xét: "TikTok là trái bom nổ chậm, những phiên bản biến tướng từ TikTok mà ra".

Cho rằng phải có biện pháp mạnh hơn nữa mới lập lại trật tự, nhiều bạn đọc đề nghị phải xem xét xử thật mạnh tay không chỉ với người vi phạm, mà cả các nền tảng xã hội để xuất hiện những nội dung lệch chuẩn.

Bạn đọc nick name NTL đề nghị: "Nên xem xét cấm TikTok, nhiều video nhảm". Còn bạn Quang Huy bình luận: "Đã có xử lý hình sự mấy TikToker chiếm lòng đường chụp hình nhưng nhiều người chưa sợ! Làm thêm vài vụ nữa làm gương".

M.TR (tổng hợp)

Công an làm việc với 5 phụ nữ nhảy nhót trước đầu ô tô ở Đà LạtCông an làm việc với 5 phụ nữ nhảy nhót trước đầu ô tô ở Đà Lạt

Liên quan đến vụ nhảy nhót trước đầu ô tô ở Đà Lạt, công an đã mời 5 phụ nữ trong nhóm nhảy này làm việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên