Quyền tác giả nhìn từ “vụ” Bảo Thy
TT - Tính đến chiều 13-10, trang mạng PetitionOnline.com đã ghi nhận 8.904 chữ ký của cư dân mạng VN yêu cầu nữ ca sĩ Lenka (Úc) tiến hành các động thái pháp lý chống lại nữ ca sĩ Bảo Thy vì cho rằng cô đã "đạo" tác phẩm The show.
Bảo Thy (giữa) hát Thiên thần trong truyện tranh trong chương trình Night of 9 của nhóm Mây Trắng - Ảnh: Liên Hương |
Ðây không phải là lần đầu tiên người yêu nhạc VN lên tiếng tố giác hành vi "đạo nhạc" của Bảo Thy. Phản ứng trước những cáo giác của công chúng, Bảo Thy luôn cho rằng mình làm đúng luật vì đã xin phép và thanh toán đầy đủ chi phí tác quyền cho các tác giả. Không hài lòng với giải thích này, nhiều người vẫn tiếp tục chỉ trích Bảo Thy. Trên một số diễn đàn âm nhạc, cô còn bị gọi là "nữ hoàng đạo nhạc".
Ồn ào quanh một ca khúc
Tháng 4-2009, ca sĩ Bảo Thy ủy quyền cho Phương Nam film phát hành đĩa nhạc Bộ sưu tập của Bảo Thy (The collection of Bao Thy) gồm bốn ca khúc nhạc ngoại do cô viết lời Việt, trong đó ca khúc Thiên thần trong truyện tranh là phiên bản tiếng Việt của bài The show do Lenka sáng tác.
Theo hợp đồng số 347/2009/TTBQAN-PN/BÐ_60 ký ngày 14-4-2009 giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN - chi nhánh phía Nam (VCPMC) với Phương Nam film, đơn vị này được phép sử dụng các ca khúc nhạc ngoại nêu trên trong album Bộ sưu tập của Bảo Thy. Trường hợp Phương Nam film (Bảo Thy) sử dụng tác phẩm ngoài phạm vi album thì thông báo trước cho VCPMC và phải được sự đồng ý bằng văn bản.
The collection of Bao Thy đã không được phát hành vào tháng 6 như dự kiến và ngoài việc biểu diễn Thiên thần trong truyện tranh trong một số chương trình ca nhạc, bản ghi âm, ghi hình của tác phẩm này cũng được tung lên mạng cho nhiều người tìm nghe, download.
Sự việc được đẩy đến mức cao trào khi trong chuyến lưu diễn ghé qua Hà Nội, tác giả Lenka cho báo giới biết cô rất buồn vì tác phẩm của mình bị ca sĩ VN sử dụng mà cô không hề được thông báo. Ngay lập tức trên các diễn đàn âm nhạc như Yeuamnhac, GameVN, Zing... xuất hiện hàng ngàn ý kiến phản đối Bảo Thy. Diễn đàn Yeuamnhac đã tổ chức hẳn một cuộc vận động mọi người ký tên trên PetitionOnline.com (nơi từng thu hút hàng triệu người VN tham gia "Ký tên vì công lý") đề nghị Lenka và những người đại diện pháp lý chống lại hành vi "đạo nhạc" của Bảo Thy.
Đúng, sai và lỏng lẻo
Trước thắc mắc của người yêu nhạc rằng VCPMC căn cứ vào đâu để cấp phép sử dụng các tác phẩm nước ngoài, ông Đinh Trung Cẩn giải thích: “VCPMC là thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và lời thế giới, đồng thời đã ký kết thỏa thuận song phương với những tổ chức đại diện quyền tập thể của các nước như Hoa Kỳ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc... Theo đó, trung tâm có quyền đại diện cho phía bạn để thu phí sử dụng các tác phẩm nước ngoài. Trong trường hợp cụ thể này thì chúng tôi thông qua Sony/ATV Hoa Kỳ, tức chi nhánh của Sony/ATV Hong Kong, là đơn vị có quyền sử dụng The show để cấp phép phát hành album cho Phương Nam film”. |
Dựa trên những hợp đồng đã ký kết giữa các đơn vị tổ chức biểu diễn, phát hành băng đĩa và VCPMC quanh vụ việc, điều có thể xác định là ca sĩ Bảo Thy đã chi trả phí tác quyền và đương nhiên có quyền sử dụng ca khúc
The show.Song cũng theo nội dung các bản hợp đồng thì điểm vướng víu nằm trong điều khoản cho phép Bảo Thy được viết lời Việt cho các tác phẩm, "nhưng nội dung của lời Việt phải phù hợp với nội dung của tác phẩm nguyên gốc", đồng thời tác giả đặt lời mới phải tự chịu trách nhiệm cho phần lời mới này. Ca từ trong phiên bản tiếng Việt Thiên thần trong truyện tranh không tương đồng với nội dung nguyên bản tiếng Anh của The show qua bản dịch của Công ty dịch thuật Nhật Phúc.
Trả lời Tuổi Trẻ, Bảo Thy cho biết cô đã viết lời Việt bài hát này trước khi ủy quyền cho Phương Nam film xin cấp phép phát hành và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả phí tác quyền. Về hướng xử lý vụ việc, VCPMC cho biết sẽ mời ca sĩ Bảo Thy đến làm việc để có báo cáo với các đối tác nước ngoài và tùy theo phản hồi của phía bạn mà VCPMC sẽ có những hành động thích hợp.
Ông Ðinh Trung Cẩn, giám đốc VCPMC phía Nam, xác nhận với Tuổi Trẻ về việc tự ý đặt lời Việt: "Ðúng là theo quy trình cấp phép chuyển ngữ các tác phẩm nhạc nước ngoài thì chúng ta sẽ phải dịch ca khúc nước ngoài ra tiếng Việt, sau đó căn cứ trên bản dịch để viết lời mới phù hợp. Phần lời mới này sau đó phải được dịch sang tiếng Anh và chuyển cho phía bạn để họ xem xét. Khi và chỉ khi phía bạn có văn bản đồng ý với nội dung đã được chuyển ngữ thì chúng ta mới cấp phép". Trước thắc mắc việc cấp phép cho Bảo Thy có tuân thủ quy trình, ông Cẩn nói: "Chúng tôi chỉ mới được biết về quy trình này vào tháng 6-2009 khi lãnh đạo VCPMC đi họp với Liên minh quốc tế các hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và lời thế giới, trong khi việc cấp phép đã được thực hiện từ tháng 4".
Cũng theo VCPMC: "Theo tinh thần nghị định 100/2006/NÐ-CP của Chính phủ VN cũng như luật pháp của nhiều nước thì khi không biết tác giả là ai, các tổ chức đại diện quyền tập thể được phép thu hộ phí tác quyền và có trách nhiệm tìm tác giả để chi trả".
Bất chấp những lời giải thích, dư luận người yêu nhạc vẫn bức xúc vì cho rằng không thể có chuyện "tiền trảm hậu tấu" - lấy tác phẩm của người khác rồi viết lời mới, biểu diễn mà tác giả lại không được biết.
Tình trạng đạo nhạc đã gây nhiều bức xúc trong công chúng, làm mất niềm tin của khán giả vào nền âm nhạc VN. Từng sự việc chưa được giải quyết rốt ráo, những thắc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng đã đẩy họ đến động tác cầu viện nước ngoài kiện người nhà. Hành động này như một hồi chuông báo động cho các cơ quan chức năng và cả chính những nghệ sĩ trong việc quản lý, cấp phép, sử dụng tác phẩm nước ngoài và cả tác phẩm trong nước.
PHẠM THÀNH NHÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận