31/08/2010 07:24 GMT+7

Quyền riêng tư đang bị xâm phạm?

HIẾU TRUNG (Theo Time, Reuters)
HIẾU TRUNG (Theo Time, Reuters)

TT - Các cuộc tranh cãi đã bùng nổ tại Mỹ sau khi bang California và tám bang khác ở miền tây nước Mỹ cho phép nhân viên an ninh cài thiết bị định vị toàn cầu (GPS) vào xe hơi của người dân để lén theo dõi họ mà không cần trát tòa.

mGdhjwg2.jpgPhóng to

Với thiết bị GPS, các nhân viên an ninh nhà nước có thể dễ dàng theo dõi nhất cử nhất động của nghi can - Ảnh: GPS Insight

Vụ việc bắt đầu từ năm 2007 khi Cơ quan chống ma túy (DEA) tình nghi Juan Pineda-Moreno, một cư dân bang Oregon, trồng cần sa. Dù không có trát tòa, ban đêm các nhân viên DEA đã lén đột nhập khu vực nhà của Pineda-Moreno và cài một thiết bị GPS vào xe của nghi can, khi đó đang đỗ trên đường vào nhà cách gara vài mét.

DEA đã theo dõi nhất cử nhất động của Pineda-Moreno trong suốt bốn tháng, sau đó bắt và truy tố anh ta với mức án 51 tháng tù. Pineda-Moreno đã kiện DEA ra tòa vì tội xâm phạm quyền riêng tư và đòi tòa án bãi bỏ các bằng chứng thu thập được từ thiết bị GPS. Một tòa án liên bang ở California đã hai lần bác đơn kiện của Pineda-Moreno với lý do đường lái xe vào nhà không phải là tài sản riêng, người lạ có thể đi vào.

Phán quyết của tòa án California đã châm ngòi cho những tranh cãi kịch liệt. Trên tạp chí Time, luật sư Adam Cohen bình luận việc chính quyền cho phép các nhân viên an ninh thoải mái theo dõi người dân mà không cần trát tòa “là một quyết định nguy hiểm, có thể biến nước Mỹ thành một nước chuyên chế”.

Thẩm phán Alex Kozinski của tòa án California cũng không đồng tình với phán quyết của tòa án khi cho rằng từ giờ quyền riêng tư ở Mỹ là đặc quyền của giới nhà giàu, những người có đủ tiền để tự bảo vệ sự riêng tư bằng hàng rào điện và các thiết bị an ninh. Còn “những người không có đủ tiền trang bị hàng rào điện sẽ phải sống chung với thực tế là các điệp viên nhà nước sẽ lẩn quanh nhà họ vào ban đêm”.

Trên các diễn đàn Internet, nhiều người Mỹ cũng tỏ ra rất bức xúc. “Giờ có lẽ chúng ta phải tắt luôn điện thoại di động nếu không muốn bị theo dõi” - một người viết trên diễn đàn autospies.com. Người khác còn mỉa mai bằng cách bán thiết bị GPS cho chính phủ, các công ty điện tử này chắc là sẽ hốt bạc!

"Theo dõi người dân mà không cần trát tòa là một quyết định nguy hiểm, có thể biến nước Mỹ thành một nước chuyên chế"

Luật sư Adam Cohen

Trên trang Freepress.com, nhà báo Rochelle Riley nhận định trọng tâm của vụ án ở California không phải là một kẻ buôn ma túy và tài sản cá nhân, mà chính là liệu chính quyền có quyền xâm phạm quyền tự do cá nhân của những người dân Mỹ bình thường hay không.

“Chúng ta, mỗi người dân, phải đặc biệt quan tâm đến vụ việc này - nhà báo Riley kêu gọi - Không chú ý, chúng ta sẽ đánh mất quyền lợi cá nhân”. Chuyên gia Arthur Spitzer thuộc Công đoàn Tự do dân sự Mỹ mô tả GPS là “công nghệ hùng mạnh đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của pháp luật nếu nước Mỹ muốn duy trì sự tự do cá nhân”. “Công nghệ theo dõi bằng GPS cho cảnh sát biết khi nào bạn đi khám bệnh, gặp luật sư, đến nhà thờ, hay thậm chí là đi gặp tình nhân” - ông Spitzer nhấn mạnh.

Góp phần thêm vào những cuộc tranh cãi là việc hồi đầu tháng 8, một tòa phúc thẩm ở thủ đô Washington đã ra phán quyết trái ngược với tòa án California trong một vụ việc tương tự. Năm 2008, cảnh sát Washington cũng lén cài thiết bị GPS vào xe của nghi can buôn ma túy Antoine Jones mà không cần trát tòa. Sau một tháng theo dõi, cảnh sát đã bắt giữ Jones. Tuy nhiên, tòa án xác định cảnh sát đã xâm phạm quyền được ghi trong hiến pháp của Jones. “Quan sát và theo dõi một người là một chuyện... nhưng sử dụng thiết bị GPS là hành vi xâm phạm tự do cá nhân” - tòa án khẳng định.

Nhà hoạt động vì quyền tự do cá nhân Jennifer Granick cho rằng tòa án ở Washington đã hành động đúng khi xác định sự khác biệt quan trọng giữa việc theo dõi thông qua các biện pháp truyền thống và “sự theo dõi mang tính thường trực, xâm nhập sâu vào đời tư” bằng công nghệ GPS.

“Lý luận này cũng đúng với việc lén theo dõi nghi can qua điện thoại - bà Granick khẳng định - Chúng tôi hi vọng phán quyết của tòa án Washington sẽ giải quyết câu hỏi liệu chính quyền có cần trát tòa trước khi theo dõi một ai đó qua điện thoại di động hay không”. Nhà báo Riley cảnh báo đây là một cuộc “khủng hoảng Mỹ” bởi “khi mọi người ngủ quên, cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn”.

Giới truyền thông Mỹ dự báo chắc chắn vụ án Pineda-Moreno sẽ không dừng lại ở tòa án California, mà sẽ được đưa lên Tòa án tối cao.

HIẾU TRUNG (Theo Time, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên