29/08/2013 08:15 GMT+7

Quyền lực hay đại diện?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Trọng tâm của đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM nằm ở chỗ phân cấp quyền hạn, trách nhiệm cho TP. Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại tọa đàm về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

0io8Jp1b.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân trao đổi cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm sáng 28-8 - Ảnh: M.ĐỨC

Buổi tọa đàm do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức tại TP.HCM ngày 28-8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TP được phân cấp rộng hơn, tổ chức lại bộ máy quản lý của TP với chức năng, nhiệm vụ phải khác với trước... mới tạo chuyển biến được.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết TP.HCM đặc biệt quan tâm mô hình chính quyền địa phương. Từ Đại hội X của Đảng đã chủ trương cần làm rõ sự khác nhau giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị.

Trong khi đó, gợi mở một số nội dung trọng tâm trước khi thảo luận về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói đây là một trong những nội dung quan trọng nhất và cũng là nội dung khó nhất, nên dành một ngày để thảo luận riêng vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý đến nguyên tắc số một, có tính bao trùm là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. “Thiết kế (các quy định về chính quyền địa phương) như thế nào mà thể hiện được tinh thần này thì trúng, còn thiết kế thế nào mà trượt tinh thần này thì sai” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho biết một trong năm trọng tâm cần lấy ý kiến là phải tiếp tục trả lời câu hỏi: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước hay chỉ là cơ quan đại diện nhân dân ở địa phương?

Tham gia trả lời câu hỏi trên, ông Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nói thẳng đồng ý với phương án xác định địa vị pháp lý của HĐND là cơ quan đại diện cho nhân dân ở địa phương (như phương án 1 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, còn Hiến pháp hiện hành xác định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương - cũng là phương án 2 của dự thảo).

Đưa ra lý do cho sự lựa chọn trên, ông Lịch nói nếu HĐND của chính quyền địa phương là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cộng thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì tất yếu sẽ trở thành một tiểu bang, trái với mô hình nhà nước đơn nhất của nước Cộng hòa XHCN VN. Ông Lịch cho rằng đây là vấn đề cần dứt khoát đổi mới để phù hợp với mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tuy nhiên, lập luận trên nhận ngay tranh luận đến từ Nam Định. Ông Nguyễn Anh Sơn - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định - nói từ xưa đến nay vẫn xem HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhưng có xuất hiện những yếu tố như đại biểu Lịch nói đâu. “Tôi lo là khi thiết kế chính quyền địa phương mà mỗi chính quyền địa phương lại có luật riêng để điều hành nó, không phải theo hệ thống luật thống nhất của quốc gia thì chính lúc đấy mới xuất hiện nguy cơ...” - ông Sơn băn khoăn.

Ông Sơn cũng đặt vấn đề có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của HĐND huyện, quận, phường (xã) là hình thức thì lại chưa làm rõ được tại sao nó hình thức và bằng cách nào để nó không hình thức nữa. Tại sao không xem xét kỹ những góc độ này mà lại nghĩ đến chuyện không tổ chức nó nữa.

Vẫn theo ông Sơn, đọc một số thiết kế (một số quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp) có vẻ như nhằm tăng cường tính cai trị của bộ máy nhà nước, chứ không hẳn phát huy thêm vai trò của nhân dân, sự tham gia việc quản lý nhà nước...

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên