07/09/2007 05:04 GMT+7

Quyền lực của quốc vương

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Cách nay hai năm, khi ngôi đền Banteay Chhmar (tỉnh Banteay Meanchay, gần biên giới Thái Lan) chính thức được đưa ra ánh sáng, người Campuchia ngỡ ngàng khi thấy đó là một phiên bản kỳ quan Angkor Wat ở Siem Reap.

Đi tìm đế chế giữa rừng già

1SPjtDz5.jpgPhóng to
TT - Cách nay hai năm, khi ngôi đền Banteay Chhmar (tỉnh Banteay Meanchay, gần biên giới Thái Lan) chính thức được đưa ra ánh sáng, người Campuchia ngỡ ngàng khi thấy đó là một phiên bản kỳ quan Angkor Wat ở Siem Reap.
Nghe đọc nội dung toàn bài:
Xem video clip - phần 3:

Trên đỉnh núi thiêng Kinh đô giữa rừng

"Angkor Wat" giữa rừng hoang

Vượt hơn 150km từ Siem Reap theo quốc lộ 6 lên Sisophon thuộc tỉnh Banteay Meanchay, rồi theo một lối mòn ngược lên biên giới phía bắc để tìm đường qua Svai Chek, Thmar Pouk đến ngôi đền Banteay Chhmar, những cánh rừng già sừng sững hai bên lối mòn, những ngôi nhà nghèo nàn ẩn hiện thấp thoáng qua những hàng cây thốt nốt, những địa danh, cảnh vật làm tôi gợi nhớ về gần 20 năm trước.

Vào năm 1988, tôi đã từng sống với những người lính tình nguyện VN giúp bạn tại cánh rừng biên giới Thmar Pouk. Ngày ấy, theo chân những người lính tình nguyện đi khắp các cánh rừng, tôi chưa từng được nghe nói về sự tồn tại của một ngôi đền cổ trong khu vực này, nhưng những người Campuchia ngày ấy luôn kể về những kho báu của vua chúa ngày xưa chôn giấu trong khu rừng. Vậy mà bây giờ trước mắt tôi là một ngôi đền sừng sững mang dáng dấp của kỳ quan Angkor Wat ẩn mình trong khu rừng Thmar Pouk.

EF9YYwKv.jpgPhóng to

Các nhà sư trẻ bên những phù điêu trên tường thành Banteay Chhmar kể lại những chiến công của nhà vua Jayavarman VII.

Sử cổ Khơme chép: Tuy chỉ là đền thờ của con trai, nhưng quốc vương Jayavarman VII đã huy động hàng vạn nô lệ và hàng trăm làng mạc quanh vùng để xây cất ngôi đền Banteay Chhmar theo đúng nguyên mẫu đền Angkor Wat ở Siem Reap.

Hầu như tất cả thợ đá, nhà điêu khắc đều đã bỏ mạng sau khi dựng nên ngôi đền. Về sau, khi vua Jayavarman VII băng hà, tất cả các tượng vua dựng nên đều không có hai cánh tay, đó là thông điệp của những nhà điêu khắc hậu thế: các đền đài, tượng đá đều gây ra chiến tranh và tổn thất đối với muôn dân.

Banteay Chhmar được quốc vương Jayavarman VII (1181-1219) dựng nên từ thế kỷ thứ 12. Vị quốc vương này cho xây ngôi đền để thờ Phật, nhưng thật ra đó là ngôi đền thờ người con trai yêu dấu của ông đã tử trận trong cuộc chiến chống lại quân Champa. Jayavarman VII luôn xem mình là Phật sống và người trong hoàng tộc cũng là những vị Phật, do đó trong suốt thời gian trị vì gần 50 năm, những ngôi đền vĩ đại thờ những thành viên gia tộc của vua như những vị Phật đã được dựng lên khắp nơi bởi xương máu của hàng triệu thường dân và nô lệ.

Đền Banteay Chhmar với diện tích 4,6km2, vòng thành với hào nước bao quanh có chiều ngang 1.000m và chiều dài 1.300m. Bao quanh ngôi đền là tám ngôi đền nhỏ đã hư hại nhiều theo thời gian gần 1.000 năm qua. Nhưng ở bức phù điêu cổng chính tường thành, vẫn còn nét khắc đá hoành tráng về những trận lục, thủy chiến với quân đội Champa. Tại mảng phù điêu bên trái tường thành vẫn còn chân dung quốc vương Jayavarman VII cùng con trai xông trận, và với trận thủy chiến đại phá quân Champa cũng đã mở ra sự tích đua ghe ngo của người Khơme.

Bên trong đền, các dãy hành lang đã đổ sụp tạo ra những đường hầm sâu dưới lòng đất. Ngôi đền tháp cao ở giữa vẫn còn mang dáng dấp uy nghi của nó, nhưng bức tượng hoàng tử con vua đã biến mất không biết từ khi nào. Trên tường thành, trên các tháp, bệ thờ, những bức tượng Phật đã bị tháo gỡ, mà theo Lim Sopheaktra - người dẫn đường cho chúng tôi:

"Theo sử cũ chép lại, sau khi Jayavarman VII băng hà, các vị vua sau này không theo đạo Phật nữa nên đã cho tháo gỡ toàn bộ hàng ngàn bức tượng Phật của ngôi đền này". Chúng tôi chui vào một con đường hầm vốn là dãy hành lang bên phải của đền, bên trong còn một bi ký bằng chữ Khơme cổ, nội dung ca ngợi chiến tích của các tướng theo phò hoàng tử đánh Champa và bốn vị tướng tử trận đều được dựng tượng đá thờ ở bốn góc đền. Các tượng đá giờ đây cũng không còn tồn tại.

Ngôi đền chỉ vừa mới được Ủy ban Apsara - cơ quan quản lý các di sản Angkor - đưa vào danh mục bảo vệ và trùng tu từ năm 2003. Khi chúng tôi đến, khắp nơi vẫn còn dày đặc những tấm bảng cảnh báo mìn của CMAC - lực lượng rà phá bom mìn quốc tế. Những lối mòn dẫn vào khu đền có nơi chỉ rộng 1m và hai bên là biển cảnh báo mìn. Một viên chức CMAC cho biết để nơi này thật sự an toàn phải cần đến 15 năm nữa, bởi giai đoạn rà phá bom mìn còn kéo dài đến năm 2020.

Thanh gươm báu

MTkgnQhB.jpgPhóng to

Tượng vua Jayavarman VII - người đã xây dựng nhiều cung điện, đền đài nhất thời kỳ Angkor.

Cũng như đền Banteay Chhmar, ngôi đền Preak Khan - tiếng Khơme có nghĩa là "thanh gươm báu", nơi thờ phụ thân của vua Jayavarman VII - cũng hoành tráng không kém. Đền xây dựng vào năm 1191, được bao bọc bởi bức tường thành dài 800m và ngang 700m để bảo vệ ngôi đền to lớn bên trong. Theo bi ký chánh điện đền Preak Khan ghi lại từ ngàn năm trước, số lượng gia nhân cung phụng trong đền lên đến hàng vạn người và có đến 1.000 vũ nữ apsara phục vụ ngày đêm. Mỗi tháng có đến 10 ngày lễ hội và mỗi năm có đến hàng trăm ngày lễ lớn, chỉ trong nội thất đền có đến 515 tượng thần bảo vệ ngôi đền.

Không chỉ lập đền thờ cho cha mẹ và con, quốc vương Jayavarman VII còn cho xây dựng hàng trăm ngôi đền trên khắp lãnh thổ mà bia đá tại điện Phimeanakas còn ghi lại như một nhân chứng xác thực: "Tượng được tạc ở khắp nơi, cha mẹ, anh em, bạn bè, bà con và thân tộc trong gia đình mà ngài quen biết và nghe nói đến... Hơn nữa, sau khi hoàng hậu băng hà, ngài tạc vô số tượng của hoàng hậu cùng với tượng của chính mình trên khắp hoàng thành". Những gì mà chúng tôi nhìn thấy ở Preak Khan quả là một cung điện hơn là một đền thờ, khắp nơi đều tạc tượng nữ thần Devata, tiên nữ

apsara cùng những tượng thần mang trang sức đầy mình hiện diện khắp nơi. Ở dãy hành lang tăm tối bên trái, có một bức tượng quốc vương Jayavarman VII cụt cả hai tay và đầu, không ai có thể trả lời vì sao nên nỗi này và nó đã bị cụt đầu trong thời kỳ nào.

Theo Lim Sopheaktra, đền này còn là nơi cất giữ thanh gươm báu của nhà vua và mỗi khi chuẩn bị xuất binh, nhà vua đều làm lễ khấn bái gươm thần. Nhiều thông tin cho biết thanh gươm báu của quốc vương Jayavarman VII vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay. Đó là thanh gươm mà sử ký Khơme ghi lại là do thần Indra trao tặng các vì vua Khơme. Thanh gươm dài hơn 1m, bằng vàng và có chạm khắc hình thần Indra, Vishnu và Shiva ở cán gươm.

Qua bao thăng trầm của đế chế, các đền đài bị đốt phá, sụp đổ, biến mất giữa rừng già, nhưng thanh gươm vẫn được các vị vua giữ gìn như một báu vật thiêng liêng. Nhiều người cho biết hiện nó đang được lưu giữ tại cung điện nhà vua ở thủ đô Phnom Penh như một minh chứng về quyền lực của quốc vương.

------------------------

Những ngôi đền ẩn mình trong rừng sâu hàng ngàn năm luôn chứa đầy bí ẩn, những khu rừng đầy rẫy bom mìn và bất trắc cũng không ngăn nổi bước chân của những kẻ săn mộ cổ.

Kỳ tới: Bí mật ngôi mộ cổ

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên