20/09/2012 07:22 GMT+7

Quyền lợi của dân "treo" cùng dự án

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Tại TP Long Xuyên (An Giang), nhiều khu vực dính quy hoạch “treo” kéo theo những quyền lợi chính đáng của người dân cũng bị “treo”.

j3SM72p4.jpgPhóng to
Nhà cửa lụp xụp trên đường Diên Nghệ, khóm Mỹ Thọ, P.Mỹ Phước, TP Long Xuyên, An Giang do quy hoạch “treo” - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Nằm cách trung tâm TP Long Xuyên chỉ vài cây số nhưng hai khóm Tây Huề 2 và Tây Huề 3 ở P.Mỹ Hòa không khác gì một nơi ở vùng sâu nghèo khó.

Đường lầy, nước bẩn

Những lối vào các xóm dân cư nói trên giống như đường nội đồng, mưa xuống là đường lầy lội, trơn trượt. Nhà cửa ở đây làm tạm bợ, nhiều căn đã rách nát. Người dân phải tắm giặt, nấu ăn bằng nước mương ô nhiễm do nơi đây đã được quy hoạch làm khu tiểu thủ công nghiệp nên ngành nước không kéo đường ống để cấp nước cho dân.

Trong căn nhà sàn lụp xụp ở khóm Tây Huề 3, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bé đang loay hoay sửa lại mái nhà thấm dột sau cả ngày tất tả đi làm thuê ở xa về. Bà Bé kể gia đình bà có hơn ba công đất trồng lúa không đủ đắp đổi nên định học theo người ta đào ao ương cá tra giống, còn quanh bờ thì trồng cây ăn trái, nhưng mỗi khi chuẩn bị làm là địa phương nhắc nhở đất đai nằm trong quy hoạch nên thôi!

Dự án khu tiểu thủ công nghiệp Tây Huề ở P.Mỹ Hòa quy hoạch từ năm 2006 với 55ha, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai gì và cũng chưa bồi thường cho dân, dù địa phương đã đo đạc, kê biên nhà cửa, cây cối và ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ dân.

Quyền lợi của người dân bị “treo” đến bao giờ? Câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời khi ông Nguyễn Trí Quang - trưởng Ban quản lý các dự án TP Long Xuyên - cho biết: “Khu tiểu thủ công nghiệp Tây Huề trước giao cho Phòng Kinh tế TP thực hiện nhưng nay thấy quy mô dự án quá lớn đơn vị này không thể đảm đương, nên vừa có chủ trương giao về cho Ban quản lý dự án TP đảm nhận. Hiện ban đang chờ bàn giao nên chưa rõ kế hoạch thế nào”.

Hàng loạt dự án tiếp tục... bất động

Đây là những dự án ở ngay trung tâm TP Long Xuyên. Từ đường Trần Hưng Đạo, trục giao thông chính xuyên thành phố, theo những con hẻm đi sâu vào các khu vực dân cư đó đây vẫn gặp cảnh nhà cửa tạm bợ, hai bên có nhiều điểm ngập úng với lau cỏ mọc um tùm, nhiều đoạn mương lấp đầy rác rưởi...

Năm 1994, với mục đích phát triển đô thị về phía tây quốc lộ 91, UBND tỉnh An Giang phê duyệt dự án mở đường và khu dân cư tuyến Lý Thái Tổ nối dài. Sau đó, qua hai lần điều chỉnh quy hoạch chung, tuyến đường mới xây dựng chỉ làm được hơn 1km, riêng đoạn từ đường Ung Văn Khiêm đến quốc lộ 91 không thể thi công. Mãi đến năm 2009, thấy đây là trục giao thông quan trọng nên UBND tỉnh An Giang chia dự án làm hai phần để giao cho UBND TP Long Xuyên và Công ty Xây lắp An Giang làm chủ đầu tư.

Đến nay dự án vẫn ở giai đoạn lập thủ tục để bồi hoàn và nơi dự kiến mở đường, chỉnh trang khu vực dân cư tiếp tục bị “treo”. Nói về dự án “treo” kéo dài này, ông Trần Trung Nghĩa - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang - giải thích “do công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng chậm và khu tái định cư chưa được thực hiện. Đối với phần dự án mà Công ty Xây lắp làm chủ đầu tư do tình hình thị trường bất động sản, lãi suất ngân hàng cao khiến hiệu quả kinh doanh bất động sản không hấp dẫn nhà đầu tư để họ thực hiện”.

Tương tự, dự án đường kết hợp khu dân cư tuyến Hùng Vương nối dài trên địa bàn hai phường Mỹ Phước và Mỹ Quý, TP Long Xuyên được phê duyệt từ năm 1997 và qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh nhưng đến nay chỉ làm được hai đoạn đường ngắn. Trong đó, có đoạn chưa hoàn chỉnh xong phần lề đường và phần lớn khu vực dân cư hai bên đường chưa được sắp xếp bố trí theo quy hoạch. Những tuyến đường dự kiến sẽ kết nối với tuyến đường này vẫn là những con hẻm nhỏ hẹp quanh năm nắng bụi, mưa lầy...

Tại P.Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, Khu công nghiệp (KCN) Vàm Cống từng được quy hoạch ở ven bờ sông Hậu nằm về phía đông quốc lộ 91 từ chục năm trước vẫn không thể thực hiện nên phải xóa bỏ. Năm 2009, UBND tỉnh An Giang xin điều chỉnh bổ sung và sau khi được Chính phủ cho thành lập mới KCN Vàm Cống quy mô 200 ha thì tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN này về phía tây quốc lộ 91, trên phạm vi từ rạch Cái Sắn đến gần giáp kênh Cái Dung. Ông Trần Vũ Bình, chủ tịch P.Mỹ Thạnh, cho biết khoảng ba năm nay đơn vị tư vấn đã khảo sát về thiệt hại của dân nhưng chưa thấy triển khai công tác đền bù giải tỏa.

Kể từ khi có quy hoạch chi tiết KCN Vàm Cống, người dân hai khóm Thới An A và Đông Thạnh B, P.Mỹ Thạnh không dám đào ao nuôi cá, sửa chữa nhà và xây nhà kiên cố cho con cái ra riêng vì sợ khi giải tỏa Nhà nước bồi thường thấp.

Trong khi đó, theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang, KCN Vàm Cống đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, do điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn nên chưa thực hiện đầu tư. Tỉnh cũng đã tăng cường mời gọi đầu tư hạ tầng nhưng chưa có nhà đầu tư đăng ký. Nếu đến năm 2015 mà chưa có doanh nghiệp đăng ký đầu tư cơ sở hạ tầng thì Ban Quản lý khu kinh tế sẽ đề nghị UBND tỉnh xóa quy hoạch. Như vậy người dân còn tiếp tục “dài cổ” chờ...

Quy hoạch “treo” 33 năm!

Tìm hiểu về quy hoạch cồn Cái Khế ở P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) chúng tôi được biết cơ sở pháp lý mà chính quyền Cần Thơ dựa vào là quyết định số 887 năm 1979 của UBND tỉnh Hậu Giang, chọn một phần cồn Cái Khế để xây dựng sân vận động Hậu Giang và quyết định giao một phần (20ha) cho Ty Thể dục thể thao xây dựng khu thể dục thể thao Hậu Giang vào năm 1980. Từ năm 1992 trở đi, chính quyền địa phương bắt đầu cấm dân xây dựng nhà ở, mua bán nhà đất tại cồn Cái Khế. Cách đây vài năm, ngoài việc mất hết các quyền lợi về kinh tế, người dân còn không được làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên không thể xin cho con đi học, đi làm...

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, một người dân ở cồn Cái Khế, bức xúc: “Quy hoạch thì không xóa, dự án này chậm triển khai vừa rút đi thì dự án khác đã được chêm vào và cứ thế kéo dài cho tới hôm nay, dân không làm ăn gì được. Ngoài việc không được cấp sổ đỏ, người dân còn không được sửa nhà, mỗi lúc mưa, triều cường thì nhà cửa, đường sá ngập hết”.

Hiện tại khu vực cồn Cái Khế được quy hoạch xây dựng bốn dự án khu liên hợp TDTT, trung tâm văn hóa Cần Thơ, trung tâm du lịch dã ngoại và nhà khách UBND TP Cần Thơ. Bức xúc vì quy hoạch đã rất lâu nhưng không triển khai hoặc triển khai xây dựng lắt nhắt kéo dài, nên hàng chục hộ dân liên tục khiếu nại nhiều năm qua, yêu cầu phục hồi quyền lợi chính đáng cho dân nếu không triển khai dự án.

Trước bức xúc của người dân, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã có công văn cho rằng quy hoạch đã được xét duyệt và đã có chủ trương thu hồi đất bằng văn bản theo nghị định 84 nên người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác bốn dự án trên đã được quy hoạch liên tục từ năm 1979 (quyết định số 887) đến nay. Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết quan điểm của thành phố là vẫn tiếp tục thực hiện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại khu vực cồn Cái Khế để xây dựng đô thị Cần Thơ theo hướng văn minh, hiện đại. “Không thể xóa quy hoạch hay cấp giấy đỏ cho dân vì như thế sẽ mất kiểm soát về quản lý, xây dựng tại khu vực này” - ông Sơn nói.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên