25/11/2022 09:09 GMT+7

'Quy trình 70 bước' gian lận thông thầu của bà Nhàn AIC

THÂN HOÀNG - THÀNH CHUNG
THÂN HOÀNG - THÀNH CHUNG

TTO - Trong quá trình phát triển 'đế chế' AIC vươn vòi tham gia đấu thầu khắp các địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không chỉ dùng tiền chi phối các lãnh đạo cấp tỉnh mà còn xây dựng cả một bộ quy trình gồm 70 bước để thâu tóm các gói thầu.

Quy trình 70 bước gian lận thông thầu của bà Nhàn AIC - Ảnh 1.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét trụ sở Công ty AIC - Ảnh: H.T.

Ngày 24-11, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái về tội nhận hối lộ. 

Ông Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - bị truy tố về tội nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Bồ Ngọc Thu - cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cựu chủ tịch Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn bị truy tố về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bảy người khác đang trốn truy nã giống bà Nhàn cũng bị truy tố. 

Những bị can còn lại gồm nhiều lãnh đạo, nhân viên của AIC, cán bộ của tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo một số công ty thẩm định giá bị truy tố về ba tội danh.

Cáo trạng được viện kiểm sát ban hành sau 12 ngày Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra kết luận điều tra. Vụ án được truy tố ra TAND TP Hà Nội để thụ lý và xét xử.

Đủ chiêu trò thông thầu

Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC. Trong quá trình phát triển "đế chế" này và "vươn vòi" đấu thầu khắp các tỉnh thành, bà Nhàn đã xây dựng và yêu cầu lãnh đạo, nhân viên AIC phải làm theo "quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng". 

Quy trình này là các thủ đoạn, chiêu trò làm xiếc thông thầu, gian lận trong đấu thầu trái quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho AIC trúng các gói thầu.

Quy trình này gồm các bước để đối phó với các quy định đấu thầu hoặc bắt tay, đi cửa sau thông thầu. Cụ thể tại bước thứ 14, với quy định về thẩm tra danh mục thiết bị và dự toán thì "quy trình 70 bước" đưa ra hướng giải quyết là gửi thẳng cho chủ đầu tư danh mục và dự toán. 

Tại bước thứ 19, với quy định phải thẩm định giá thì bà Nhàn ngang nhiên "làm việc với đơn vị thẩm định giá ra kết quả như mong muốn". Thậm chí trong các bước khác của bộ quy trình này còn đưa ra đủ trò làm xiếc lập "quân xanh quân đỏ" đưa vào đấu thầu, phù phép các hồ sơ, báo cáo tài chính...

Viện kiểm sát cáo buộc việc thực hiện quy trình nêu trên để liên hệ, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và các công ty "quân xanh" nhằm đảm bảo cho Công ty AIC dự thầu và trúng thầu. 

Bà Nhàn còn thành lập và trực tiếp điều hành các "ban nội bộ", giao những người thân tín của mình phụ trách để thực hiện việc điều chuyển tiền thu lợi bất chính và hợp thức hóa tài liệu, chứng từ để chi ngoài sổ sách cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư theo "cơ chế" do bà Nhàn đặt ra.

Từ năm 2011 - 2020, một số nhân viên của AIC đã nhận tiền từ quỹ của ban và chuyển đến tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh - nhân viên của một công ty khác do bà Nhàn lập ra và điều hành. 

Mỗi lần nhận được chỉ đạo, Phương Anh rút tiền mặt để giao cho bà Nhàn và thuộc cấp mang đi "bôi trơn", chi "ngoại giao" cho các cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư. 

Kết quả điều tra xác định Hoàng Thị Phương Anh có năm tài khoản tại ba ngân hàng. Tổng số tiền các nhân viên của ban đã chuyển cho Phương Anh là 495,5 tỉ đồng.

Hành vi đưa - nhận hối lộ quá trắng trợn

Trước các thông tin đã được công bố, ông Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phải thốt lên: "Có thể thấy người nhận hối lộ là cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai và người đưa hối lộ là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đều quá trắng trợn. Nhất là khi việc đưa hối lộ ngay tại trụ sở cơ quan, phòng làm việc".

Ông khẳng định người đưa hối lộ làm lũng đoạn đạo đức, phẩm chất của người cán bộ đứng đầu địa phương, còn người cán bộ nhận hối lộ đã làm mất hoàn toàn phẩm chất, đạo đức. 

Điều rất nghiêm trọng ở đây nguồn tiền thu lợi của bà Nhàn chính là tiền của Nhà nước và tiền đem đi hối lộ cũng của Nhà nước. Do đó hành vi đưa - nhận hối lộ chính là tham nhũng từ tiền của Nhà nước nên phải xử lý nghiêm minh.

Theo ông Hòa, trường hợp bà Nhàn dù bỏ trốn nhưng với những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng như vậy và căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì việc xét xử vắng mặt là đúng luật, cần thiết. 

Việc này thể hiện rõ tinh thần, quan điểm không có vùng cấm, ngoại lệ trong xử lý và các cơ quan tố tụng làm rõ hành vi đến đâu, xử lý đến đó. Cùng với việc truy tố, xét xử cần tiếp tục thực hiện các biện pháp truy nã bà Nhàn, kể cả truy nã quốc tế, để sớm bắt về "quy án".

Cùng quan điểm, ông Ngô Văn Sửu - nguyên vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương - nhận xét rằng trước đây nhiều vụ án khi bị can bỏ trốn được tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. 

Nhưng với vụ án này, dù bà Nhàn đã bỏ trốn chưa bắt được song thực hiện đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư là dù có bỏ trốn ra nước ngoài vẫn bị điều tra, truy tố, xét xử. 

"Đây là quan điểm chỉ đạo rất mới và đúng đắn. Không thể cứ trốn rồi tạm đình chỉ mà phải xác định dù trốn, thậm chí trốn ra nước ngoài nhưng vẫn phải bị truy tố, xét xử theo đúng quy định. Không chỉ vụ bà Nhàn mà cần mở rộng ra với các vụ án khác cũng cần xử lý như vậy", ông Sửu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, viện kiểm sát cũng có nêu quan điểm trong cáo trạng: "Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án". Cơ quan điều tra đã truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế nhưng đến nay không có hiệu quả. Viện kiểm sát cho rằng trường hợp bà Nhàn không ra đầu thú thì "coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử".

Vụ nâng giá mua thiết bị y tế tách ra xử lý sau

Viện kiểm sát cho rằng cần điều tra, làm rõ trách nhiệm của một số cựu lãnh đạo sở ngành, thậm chí cả trách nhiệm của cựu lãnh đạo tỉnh, trong đó có bà Phan Thị Mỹ Thanh - cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo cáo trạng, danh mục thiết bị y tế chuyên môn của dự án ban đầu trị giá hơn 609 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó ông Cao Tiến Dũng (khi đó là phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã đề xuất phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó quyết định danh mục thiết bị y tế đã được nâng lên với trị giá hơn 754 tỉ.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó quyết định danh mục thiết bị y tế chuyên môn trị giá hơn 754 tỉ.

"Như vậy việc ông Dũng đề xuất và bà Thanh phê duyệt điều chỉnh giá trị thiết bị y tế chuyên môn là không có căn cứ", cáo trạng nêu. Viện kiểm sát cho rằng kết quả điều tra chưa có căn cứ kết luận hành vi của bà Thanh, ông Dũng dẫn đến hậu quả thiệt hại vụ án, nên cần thiết phải tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý sau.

Bà Thanh Nhàn AIC bị truy tố khung cao nhất tội đưa hối lộ Bà Thanh Nhàn AIC bị truy tố khung cao nhất tội đưa hối lộ

TTO - Đến nay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn bỏ trốn chưa ra đầu thú. Viện kiểm sát đồng quan điểm với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an việc cần truy tố, đưa cựu chủ tịch AIC ra xét xử vì đưa hối lộ hơn 43 tỉ đồng để trúng các gói thầu ở Đồng Nai.

THÂN HOÀNG - THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên